Tôi lớn lên đã quen với mùi dầu gió bện vào nếp áo nâu sồng của ngoại và thoang thoảng trên tấm lưng một nắng hai sương của má. Ngày đó, má hay nhờ tôi chạy lên tiệm tạp hoá ở ngã tư mua chai dầu gió xanh, hiệu Thiên Thảo, để dành khi trái gió trở trời, hay trong nhà có người nhức đầu, đau bụng. Đến tận bây giờ, má vẫn luôn để sẵn chai dầu gió trong nhà, đặt gọn gàng giữa chiếc hộp thiếc, xung quanh là những cuộn chỉ, kim khâu.
Còn ngoại tôi thì đặt chai dầu gió của ngoại lên bậu cửa sổ, cạnh cánh võng ngoại nằm. Đi đâu ngoại cũng bỏ túi mang theo. Ngoại không khi nào thiếu được dầu gió. Bởi những khớp xương, nếp cơ lắm lúc lại dội lên dư ba của một đời gánh gồng bán bưng, lội sông, lội ruộng, mà tôi thường đi lạc vào miền hồi ức xa xôi của ngoại, trong nhiều đêm thời thơ ấu. Cả ngoại và má - những người phụ nữ quê lam lũ, đều cần dầu gió để xoa dịu bao mưa nắng dầm dãi một đời, lâu dần thành thói quen, một mùi hương dịu vợi len thật sâu vào ký ức con cháu. Loại dầu gió đẫm màu xanh lá, ngoại và má đã thân thuộc lâu nay, bịn rịn ấm nồng và mùi hương thì không lẫn vào đâu được.
Dưới mái nhà đơn sơ của ngoại, mùi dầu gió loang vào từng ngóc ngách, bện trên chiếc võng đung đưa, quấn quýt giữa gối mền cùng mùi hương người già, gần gũi, vỗ về, ấm áp khó phai trong tâm trí. Để lúc này đây, mùi dầu gió của ngoại như từ sâu xa tâm tưởng tỏa ra man mác, khiến những con chữ cũng rưng rưng. Nhớ hồi còn nhỏ, tôi thường xoa dầu, bóp chân cho ngoại những ngày chuyển trời, gió lạnh, giữa tiếng xuýt xoa và giọng nói của ngoại đậm đà dư vị năm tháng. Ngoại hay để dành trong ngăn tủ chùm trái chín, vài chiếc bánh in, bánh tráng cho tôi, chúng cũng vấn vương mùi dầu gió. Bàn tay ngoại ân cần vuốt tóc tôi, khuôn miệng móm mém thơm vào má, vào tay tôi, cũng nghe đượm một mùi hương quen thuộc.
Nhà tôi ở miền nắng gió rộc rạc, ngày xưa ba má phải phơi mình giữa nghi ngút khói bụi, nên má thường bị nhức đầu. Cả ngày nhọc nhằn, đêm về má lén trở mình thật khẽ theo những cơn mỏi lưng, đau khớp. Thời phải tằn tiện chắt bóp từng đồng, nên má ít khi mua thuốc, chỉ có chai dầu gió rẻ tiền mà xức được lâu. Má đưa võng cho tôi ngủ, lời ru của má quyện mùi dầu gió, rồi dạt vào trong cả những chiêm bao non nớt của tôi, như là chất xúc tác gọi giấc ngủ về. Nên từ nhỏ, có đi đâu xa, hễ thấy ai cầm chai dầu gió xanh là tôi lại nhớ má ở nhà. Cả những ngày tháng ấy hay đến tận sau này, mùi dầu gió luôn thầm gọi đàn con về với má, cũng là về với chính lòng mình, luôn ắp đầy hình bóng má, cùng bao lẽ giản dị không tên.
Tôi vào thành phố, thường mất nửa ngày lóc cóc trên xe khách, trước mỗi lần khăn gói ra đi má lại dúi vào tay tôi chai dầu gió, phòng dọc đường dồn dập say xe. Năm tháng cứ trôi, ngoại tôi sau này bệnh nhiều, ngoài thuốc men đều đặn, ngoại không quên giữ trong mình chai dầu gió. Má nói với anh em tôi, mỗi lần về thăm ngoại không cần phải chuẩn bị gì cao sang to tát, đôi khi chỉ cần gói ghém mấy chai dầu gió xanh, để ngoại biết những đứa cháu của mình dẫu có bôn ba vạn dặm vẫn nhớ một mùi hương đượm đằm thuộc về ngoại, là ngoại đã vui lòng.
Tôi vòng tay qua ôm má, vòng tay qua ôm ngoại, bao giờ cũng nhận ra một mùi hương cố cựu thân thiết. Thứ mùi hương có lẽ sẽ khiến nhiều người khó chịu, gợi cảm giác bệnh tật, đau ốm, nhưng với tôi nó đã trở thành mùi của yêu thương.
HUỲNH GIẢN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: