Những người mẹ hiền trên non cao

08:12, 14/12/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hằng ngày, các cô giáo ở điểm trường thôn Tây, xã Trà Sơn (Trà Bồng) phải vượt qua cung đường dốc đá, trơn trượt để đến lớp dạy chữ cho học sinh (HS) là con em đồng bào dân tộc Cor. Khó khăn, trở ngại không làm các cô giáo chùn bước, họ vẫn đặt lên trên hết tình thương, trách nhiệm đối với học trò. 
[links()]
 
"Gieo chữ" trên non cao
 
Thôn Tây là một trong những thôn khó khăn nhất của xã Trà Sơn. Những năm trước, đường lên thôn Tây là nỗi ám ảnh của các thầy, cô giáo. Hiện nay, phần lớn đoạn đường đã được bê tông, chỉ còn gần 2km đường đất. Tuy vậy, để vượt qua đoạn đường dốc đá, trơn trượt này là thử thách lớn đối với những cô giáo chân yếu tay mềm.
 
Các cô giáo ở điểm trường thôn Tây, xã Trà Sơn (Trà Bồng) thường nấu thêm cơm, thức ăn để cải thiện bữa ăn cho học sinh.                      Ảnh: NHỊ PHƯƠNG
Các cô giáo ở điểm trường thôn Tây, xã Trà Sơn (Trà Bồng) thường nấu thêm cơm, thức ăn để cải thiện bữa ăn cho học sinh. Ảnh: NHỊ PHƯƠNG
Để đến được điểm trường thôn Tây, chúng tôi phải gửi xe máy ở nhà một người dân bên đường, rồi leo bộ trên con đường dốc đá, trơn trượt. Đi khoảng nửa tiếng đồng hồ, chúng tôi mới đến được điểm trường. Điểm trường thôn Tây có 3 lớp học, gồm 1 lớp mầm non ghép 3 độ tuổi thuộc Trường Mầm non Trà Sơn và 2 lớp tiểu học (một lớp 1 và một lớp 2) thuộc Trường Tiểu học Trà Sơn. Tổng cộng tại điểm trường này có 51 HS  và 4 cô giáo.
 
Cô giáo Hồ Thị Thanh Thủy (Trường Mầm non Trà Sơn), nhiều năm gắn bó với điểm trường thôn Tây, chỉ tay về phía chiếc xe máy đầy bùn đất cười nói: "Chiếc xe Honda cứng cáp là vậy, nhưng đèn ở đuôi xe bị vỡ nát, đèn và bửng xe phía trước cũng vỡ nham nhở. Đó là kết quả sau những lần vượt đường đến lớp". 
 
Còn cô giáo Nguyễn Thị Kim Kính (dạy lớp 2) thì hôm nào cũng gửi xe máy ở nhà người dân, rồi đi bộ vào điểm trường. Cứ như vậy, cô giáo Kính đều đặn sáng đi chiều về, tuy vất vả nhưng cô giáo vẫn luôn nở nụ cười mỗi khi đến lớp. Với cô giáo Hồ Thị Phương Thủy, Hồ Thị Ngọc Hạnh, hôm nào trời nắng ráo thì đi xe đến tận trường, nhưng cũng trầy trụa lắm, còn mưa gió thì phải gửi xe đi bộ. Với các cô, việc bị ngã xe, trầy trụa tay chân... là chuyện thường ngày. Cô Thủy cho biết, không tháng nào cô không tốn tiền sửa xe, ít thì vài trăm, nhiều thì cả triệu đồng. Đường xa, đi lại khó khăn, nên ngày nào các cô giáo cũng khởi hành từ lúc mờ sáng. Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng chưa khi nào các cô nản lòng, ngày qua ngày vẫn đến trường dạy chữ cho HS vùng cao.   
 
Dạy học trò với tất cả tấm lòng
 
Cô Hồ Thị Thanh Thủy tâm sự, mình gắn bó lâu với HS miền núi, yêu thương các em như con của mình vậy. Thấy HS nghèo, thiếu thốn cái ăn, cái mặc nên thương lắm. Trời mùa này, mưa và lạnh cóng. Lớp có 8 em ở tận Gò Nổi, đi bộ hơn tiếng đồng hồ mới đến trường. Khi đến nơi, quần áo nhiều em ướt nhẹp, nhìn các em lạnh run mà ứa nước mắt. Trường lớp ở đây thì khang trang, đảm bảo cho việc dạy và học. Nhưng điều trăn trở là cuộc sống của người dân còn rất khó khăn. Nhiều HS đi học mùa lạnh không có áo mặc đủ ấm, cơm ăn có khi với muối, với rau. Thương HS, các cô thường xin quần áo cũ rồi chở lên cho các em.
 
Điểm trường thôn Tây thực hiện hình thức bán trú dân nuôi. Học sinh ở xa đem cơm theo đến lớp ăn trưa và ngủ lại để học buổi chiều. Các cô giáo cũng ở lại nấu ăn trưa tại trường. Các cô giáo thường nấu thêm cơm và thức ăn để HS có được bữa ăn no, đầy đủ chất hơn. Cô Thủy cho biết, thời gian qua do mưa lũ nên các cô chưa trồng lại vườn rau, chứ lúc trước ở điểm trường trồng nhiều rau, quả để cải thiện bữa ăn cho HS.  
 
Tấm lòng của các cô giáo nơi đây thật đáng trân quý. Tình thương các cô dành cho HS như người mẹ hiền, hết lòng yêu thương, chăm sóc các em.  Mỗi ngày HS đến lớp đều đặn và tiến bộ trong học tập là động lực để các cô vượt qua mọi khó khăn, ươm những mầm xanh trên vùng đất khó.
 
Học sinh nghèo nhưng rất ham học 
 
Các cô giáo ở điểm trường thôn Tây cho hay, HS ở đây tuy nghèo nhưng rất ham học và chăm ngoan. Đặc biệt, những HS ở Gò Nổi tuy đường sá xa xôi, dốc ngược khó đi nhưng không bao giờ bỏ học, chỉ trừ ngày mưa lớn nước suối dâng cao không qua được các em mới nghỉ ở nhà. Ở lớp mầm non, nhiều hôm cha mẹ không xuống đón được, các cô giáo thay nhau dẫn các em qua suối rồi mới an tâm quay về.
 
NH.PHƯƠNG - V.CƯỜNG
 
 
 
 
 

.