(Báo Quảng Ngãi)- Ngay đầu năm 2025, các địa phương trong tỉnh đã cân đối, bố trí ngân sách ủy thác sang các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) để cho vay giải quyết việc làm, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ba Tơ Trần Thanh Hoàng cho biết, đầu năm 2025, UBND huyện đã cân đối ngân sách, ủy thác 2,2 tỷ đồng sang Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để cho vay hỗ trợ, tạo việc làm cho người dân. Cùng với nguồn vốn ngân sách tỉnh 9,4 tỷ đồng và nguồn vốn tạm giao của trung ương 15 tỷ đồng, đơn vị đã tập trung nhân lực, tổ chức giải ngân tại phiên giao dịch ở các xã. Qua đó, kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển kinh tế của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện.
Trong tháng 1/2025, nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho 303 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Ba Tơ vay vốn. Doanh số cho vay đạt hơn 17,6 tỷ đồng, thu nợ hơn 6,4 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến ngày 31/1/2025 đạt hơn 474 tỷ đồng, với gần 8.000 lượt khách hàng đang vay vốn. Dư nợ tăng so với cuối năm 2024 là hơn 11,2 tỷ đồng; tất cả các xã đều tăng dư nợ so với cuối năm 2024.
![]() |
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Tơ kiểm tra nguồn vốn vay đầu tư phát triền chăn nuôi tại xã Ba Động. |
Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tư Nghĩa Trần Thị Hồng Oanh cho biết, ngay sau khi ngân sách huyện, tỉnh ủy thác hơn 12 tỷ đồng và trung ương cho tạm ứng tăng trưởng 2% ở một số chương trình tín dụng, phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương, hội đoàn thể giải ngân hơn 17,4 tỷ đồng, với 321 lượt hộ vay vốn để thực hiện công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; giải quyết việc làm và mở rộng quy mô sản xuất. Tổng dư nợ đến ngày 31/1/2025 hơn 518 tỷ đồng, tăng 9,1 tỷ đồng so với năm 2024, tỷ lệ tăng trưởng đạt 1,8%.
“Nhu cầu vay vốn chính sách trên địa bàn huyện còn nhiều. Hiện phòng đang tiếp tục phối hợp với các cấp, hội đoàn thể tăng cường rà soát, bình xét đối tượng được vay vốn để khi có nguồn vốn trung ương giao về, phòng sẽ giải ngân kịp thời”, bà Oanh chia sẻ.
Theo Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, năm 2025, nguồn vốn ngân sách từ UBND tỉnh ủy thác qua ngân hàng là 24 tỷ đồng để cho vay chương trình nhà ở xã hội; 71 tỷ đồng cho vay giải quyết việc làm; 20 tỷ đồng cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và 3 tỷ đồng để cho đối tượng thực hiện xong án phạt tù vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, trung ương tạm giao vốn cho một số chương trình với tỷ lệ tăng trưởng 2% so với năm 2024. Trong tháng 1/2025, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã chỉ đạo các phòng giao dịch giải ngân kịp thời. Đến ngày 10/2/2025, tổng dư nợ đạt 5.825 tỷ đồng, tăng 109 tỷ đồng, tăng trưởng 1,9% so với cuối năm 2024.
“Thực hiện chỉ đạo của Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã chỉ đạo các phòng giao dịch, tổ chức tín dụng khẩn trương rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn các chương trình tín dụng năm 2025, đặc biệt rà soát kỹ chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2024/NĐ-CP của Chính phủ và cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Trên cơ sở này, chi nhánh sẽ tổng hợp và báo cáo Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam để điều chỉnh kế hoạch vốn tín dụng năm 2025, nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững”, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Trần Duy Cường cho hay.
Bài, ảnh: TRƯỜNG AN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: