(Báo Quảng Ngãi)- Các cấp hội nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua các phong trào, hoạt động thiết thực. Qua đó, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu với những mô hình hay, cách làm hiệu quả, có sức lan tỏa trong cộng đồng.
Nông dân vùng cao học Bác
Anh Đinh Văn Trời, ở thôn Hà Lên, xã Sơn Màu (Sơn Tây) đưa chúng tôi tham quan trang trại bò của gia đình và kể về chặng đường vượt khó mà anh đã trải qua. Từ một hộ nghèo, sau nhiều năm cần cù, mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cuộc sống của gia đình anh Trời ngày càng khấm khá. Hiện nay, anh Trời sở hữu 30 con bò nuôi sinh sản và trồng hơn 5ha keo, cau. Mỗi năm, trừ hết chi phí, anh có nguồn thu nhập gần 100 triệu đồng. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Trời còn nhiệt tình hướng dẫn người dân địa phương cách chăn nuôi hiệu quả để vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Anh Trời chia sẻ, cái khó, cái nghèo sẽ đeo bám nếu như mình không chịu nỗ lực vươn lên. Nghĩ như vậy nên tôi mạnh dạn vay vốn để đầu tư nuôi bò và trồng trọt. Khi đã vượt qua đói nghèo, tôi tiếp tục có thêm động lực mở rộng sản xuất, phấn đấu vươn lên làm giàu.
Hội Nông dân xã Sơn Linh (Sơn Hà) huy động hội viên, nông dân đóng góp gạo để hỗ trợ hội viên, nông dân khó khăn. |
Nhằm chia sẻ khó khăn với những hội viên, nông dân nghèo, giữa năm 2024, Hội Nông dân xã Sơn Linh (Sơn Hà) đã thực hiện mô hình “Hũ gạo tình thương” tại thôn Làng Xinh. Sau hơn 6 tháng, đến nay mô hình đã vận động được gần 120kg gạo và trao tặng cho 5 hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, hội còn vận động hội viên đóng góp hàng trăm ngày công lao động để giúp nhau làm nhà, làm đường giao thông nông thôn và quyên góp tiền cho các hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Linh Đinh Mẽo cho biết, hội nông dân xã đẩy mạnh việc học tập và làm theo lời Bác gắn với các phong trào thi đua yêu nước. Cùng với việc triển khai quyên góp gạo, tiền mặt cho các hoàn cảnh ốm đau, hội đã vận động mỗi hộ sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi giúp đỡ 1 - 2 hộ khó khăn bằng cách cho mượn vốn, tạo việc làm cho các hộ. Nhờ đó, trong năm 2024, có hơn 50 lượt nông dân được giúp đỡ vốn, cây giống, kinh nghiệm sản xuất và hơn 270 lượt lao động được hỗ trợ việc làm thường xuyên từ các hộ SXKD giỏi.
Nhân rộng nhiều mô hình ý nghĩa
Thực hiện lời dạy của Bác về tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực tương trợ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống và vươn lên phát triển kinh tế. Trong đó, các cơ sở hội nông dân ở huyện Nghĩa Hành đã thực hiện tốt công tác an sinh xã hội với cách làm hay, sáng tạo. Đồng hành cùng hội viên, nông dân nghèo, hơn 3 năm qua, Hội Nông dân xã Hành Phước hằng năm đều tổ chức giải bóng chuyền để huy động nguồn lực thực hiện các mô hình “Ngân hàng heo giống”, “Ngân hàng bò giống”, “Tiếp sức em đến trường” và hỗ trợ kinh phí những tháng đầu cho hộ nghèo, cận nghèo đóng BHXH tự nguyện. Nhờ đó, đến nay, Hội Nông dân xã Hành Phước đã trao 77 con heo giống, 3 con bò giống cho 80 hộ nông dân nghèo, khó khăn; hỗ trợ 12 hội viên nông dân đóng BHXH tự nguyện.
Hội Nông dân xã Hành Phước (Nghĩa Hành) đã hỗ trợ kinh phí đóng BHXH tự nguyện những tháng đầu cho hội viên, nông dân nghèo. |
Là một trong nhiều hội viên khó khăn được nhận hỗ trợ từ Hội Nông dân xã Hành Phước, chị Bùi Thị Khoa, ở thôn Hòa Vinh chia sẻ, tôi bị bệnh tim nên mọi gánh nặng kinh tế phụ thuộc vào chồng. Trước khó khăn của gia đình, hội nông dân xã hỗ trợ cho gia đình một con heo giống sinh sản, nhờ đó tôi có thêm thu nhập từ việc bán heo con. Không chỉ vậy, hội còn hỗ trợ cho hai vợ chồng tôi đóng 3 tháng BHXH tự nguyện. Nhờ đó, mà chúng tôi có thêm động lực sản xuất và tích góp hằng tháng để đóng BHXH, sau này sẽ nhận lương hưu.
Hội Nông dân xã Hành Minh thì đẩy mạnh việc học tập và làm theo lời Bác thông qua việc triển khai thực hiện mô hình “Cha đỡ đầu”. Từ năm 2023 đến nay, hội đã giúp đỡ hằng tháng cho 2 học sinh mồ côi, nhằm san sẻ, động viên các em nỗ lực vươn lên trong học tập và cuộc sống. Hay như Hội Nông dân xã Hành Tín Tây đã tập hợp hội viên khó khăn cùng tham gia vào mô hình tổ hội nghề nghiệp “Nuôi gà thả đồi”, để nâng cao thu nhập, xây dựng cuộc sống tốt hơn.
Trong năm 2024, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã xây dựng mới 16 mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nâng tổng số mô hình trong hệ thống hội là 324 mô hình. Nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, được các cấp hội nông dân nhân rộng, như mô hình hỗ trợ hội viên thoát nghèo, đường dân tự quản, thắp sáng đường quê, cánh đồng không có vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, camera an ninh, ngôi nhà xanh… |
Theo thống kê, trong năm 2024, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã phối hợp với chính quyền, các đoàn thể vận động hội viên, nông dân đóng góp hơn 21,4 tỷ đồng, hiến hơn 85 nghìn mét vuông đất, hơn 28 nghìn ngày công lao động, làm mới và tu sửa hơn 152km đường giao thông nông thôn. Đồng thời, huy động hội viên, nông dân tham gia đóng góp ngày công, vật liệu xây dựng để hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở. Nhờ đó, có 368 hộ gia đình xóa được nhà tạm, nhà dột nát. Ngoài ra, vận động gần 250 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng 4 ngôi nhà cho hội viên khó khăn trong tỉnh.
Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục được các cơ sở hội nông dân trong tỉnh phát động và được hội viên nông dân hưởng ứng. Qua đó, có gần 140 nghìn hộ nông dân đăng ký danh hiệu nông dân SXKD giỏi và đã có hơn 77 nghìn hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp. Song song với phát động phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, các cấp hội còn tích cực vận động hội viên, nông dân tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Các cấp hội nông dân trong tỉnh cũng đã huy động gần 600 triệu đồng để tặng hơn 1.600 suất quà cho hội viên nông dân nghèo; phối hợp với các ngành, đơn vị trao gần 35 nghìn suất quà, hơn 24 nghìn kílôgam gạo và các đồ dùng sinh hoạt trị giá hơn 18 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cán bộ, hội viên nông dân đã tham gia đóng góp hơn 500 triệu đồng để ủng hộ nhân dân các tỉnh phía bắc bị thiệt hại do bão, lũ gây ra.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Trần Ngọc Vinh, trong năm 2024, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã triển khai các mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với phong trào thi đua "Dân vận khéo". Nhờ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần nâng cao vị thế của tổ chức hội nông dân, tích cực hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các phong trào thi đua trong tình hình mới. Thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh các phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, các cấp hội nông dân trong tỉnh sẽ tiếp tục làm tốt công tác an sinh xã hội, đặc biệt là tích cực huy động cán bộ, hội viên, nông dân chung tay đóng góp xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Bài, ảnh: MỸ DUYÊN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: