Nông cụ một thời

07:54, 14/10/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước đây, công cụ làm nông có nhiều loại mà ngày nay khó tìm thấy. Trong một dịp đến huyện Tiên Phước (Quảng Nam) công tác, tôi thấy chiếc máy quạt lúa, một nông cụ độc đáo tưởng chừng đã vĩnh viễn chìm vào quên lãng trong ký ức của nhiều người. Nông cụ này ngày trước cũng từng có ở Quảng Ngãi.

Xưa kia, công nghệ thô sơ nên làm ruộng là cả một quá trình cực nhọc, từ việc cày bừa làm đất, đến dọn ruộng, cấy lúa, tát nước, làm cỏ, bỏ phân, đập lúa. Sở dĩ gặt lúa gọi là “đập lúa” là bởi người ta phải ôm từng bó lúa chín đập nhiều lần vào cái “giường” đặt ở cửa bồ cho lúa rụng vào bồ. Mỗi bó lúa phải đập nhiều lần mới rụng hết. Lúa đầy bồ thì xúc gánh về nhà phơi khô. Phơi khô rồi thì giê lúa. Lúa thóc đập vào bồ có cả lúa chắc lẫn lúa lép. Phơi cho khô thì lúa lép càng nhẹ. Lúa lép nếu tận dụng thì chỉ cho gà ăn, không thể để chung với lúa chắc trữ quanh năm trong vựa.

Cho nên trước khi đưa lúa khô vào cất ở vựa, người ta phải loại bỏ lúa lép. Cách đơn giản nhất để loại bỏ lúa lép là giê lúa. Người ta xúc từng mủng lúa, đứng thẳng người, trút nhè nhẹ để gió thổi cho lúa lép nhẹ hơn bay ra xa, còn lại lúa chắc. Cứ thế giê từng mủng lúa cho đến khi hết lúa. Nhiều khi trời không có gió, người giê (thường là phụ nữ) phải ngồi chờ. Chờ mãi không có gió, thì chồng hay con phải dùng tay quạt để giê lúa.

Quạt chính là cái nón đội đầu, người quạt phải cầm chiếc nón trên hai tay quạt đều và đủ mạnh để hạt lép bay ra xa. Nếu không có người thứ hai quạt, thì chắc chắn người giê chỉ có cách chờ ông trời thổi gió. Sau này có điện, người ta dùng quạt điện để giê lúa. 

Máy quạt lúa.
Máy quạt lúa.

Thuở xưa, nhà ông nội tôi có một chiếc máy quạt lúa. Máy làm bằng gỗ, khung được ghép lại bằng các thanh gỗ ngang dọc và đóng gỗ miếng theo hình hộp kín, một bên là hộc to tròn dành cho chiếc quạt quay, giữa hộc chừa khoảng trống hình vuông để hút gió, một bên là phần của lúa, ở trên tạo hình chiếc phễu để đổ lúa vào, bên hông dưới có hai mương cho lúa chắc và lúa lép đổ xuống, tất nhiên phải có các mủng, nừng để hứng ở dưới đất.

Phía cuối máy chừa cửa để hút gió ra ngoài. Cái quạt bên trong có 4 cánh. Muốn vận hành máy quạt lúa phải có ít nhất hai người, một người chuyên đứng quay cánh quạt, người kia đi xúc lúa đổ vào phễu cũng như xúc lúa chắc, lúa lép kịp thời khi mủng, nừng chứa đầy. Cánh quạt quay nhờ một cái trục ở giữa xỏ vào các lỗ.

Ở hai đầu của chiếc máy quạt lúa, bốn thanh gỗ nhô ra, được vuốt nhẹ cho vừa tay cầm. Khi cần chuyển máy quạt lúa đi đâu thì một người trước, một người sau cùng khiêng đi. Ý niệm “máy” ở đây nghĩa là muốn vận hành cũng phải dựa vào sức người, không phải tự động như ý niệm về các loại máy móc ngày nay, dựa vào các nhiên liệu tạo năng lượng.

Việc giê lúa bằng máy quạt chủ động và đỡ công hơn nhiều so với giê lúa nhờ gió trời hay quạt bằng chiếc nón. Nhưng xưa kia các nhà nông ít ruộng không sắm nổi hoặc không cần thiết phải sắm máy quạt lúa. Nói cách khác, máy quạt lúa chỉ có một ít ở các nhà phú hộ nhiều ruộng lúa. Bởi vậy mà không phải ai cũng biết đến máy quạt lúa. Tình cờ nhìn thấy máy quạt lúa ở làng Lộc Yên, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, quê hương của cụ Huỳnh Thúc Kháng, khiến tôi có cảm xúc khó tả. Chiếc máy ở đây không khác gì chiếc máy quạt lúa ở Quảng Ngãi, cho thấy có nhiều điểm tương đồng trong văn hóa Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Bài, ảnh: CAO CHƯ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 07:54, 14/10/2024

Ý kiến bạn đọc


.