Chủ tịch Hội CCB xã Nghĩa Thắng Phạm Chơm cho hay, có thời điểm, toàn xã có khoảng 300 hội viên CCB; trong đó, có nhiều hội viên CCB thuộc diện cận nghèo. Được Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho vay vốn, nhiều hội viên CCB mạnh dạn vay từ 30 - 60 triệu đồng/hộ để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ vốn vay được sử dụng hiệu quả nên đến cuối năm 2023, trên địa bàn xã không còn hội viên CCB nghèo, chỉ còn khoảng 7 hội viên CCB thuộc diện cận nghèo và một số hộ CCB khó khăn.
Năm 2024, Hội CCB xã Nghĩa Thắng đề ra mục tiêu giải ngân 1 tỷ đồng cho các hộ hội viên CCB vay vốn, nhưng đến tháng 7/2024 đã giải ngân được 1,6 tỷ đồng. Điều này cho thấy, các hội viên CCB trong xã đang rất cần vốn để đầu tư làm ăn, chủ yếu là trồng keo, chăn nuôi bò. Đáng mừng là, Ngân hàng CSXH đã đáp ứng nguồn vốn kịp thời.
Hộ anh Võ Thiện Thuật, ở thôn Điền Long, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) triển khai mô hình sản xuất nấm do hội cựu chiến binh xã hỗ trợ thực hiện. Ảnh: H.MY |
Tại xã Nghĩa Điền, Chủ tịch Hội CCB xã Trần Xuân Hương cho biết, các CCB trên địa bàn cần cù, chịu khó, biết cách làm ăn, nhưng thiếu vốn. Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, các hội viên đã đầu tư vào chăn nuôi, trồng hoa màu. Nhiều CCB còn tham gia các buổi tập huấn và tìm hiểu kiến thức trên Internet áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi nên làm ăn có hiệu quả, sớm trả được nợ vay và có điều kiện nuôi con ăn học.
Theo Chủ tịch Hội CCB huyện Tư Nghĩa Lê Xuân Dẫu, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Ban Chấp hành Hội CCB huyện đề ra là “CCB đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế nâng cao đời sống giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”. Hội đã đề ra các chỉ tiêu, giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo đối với CCB, trong đó chú trọng thực hiện ủy thác vay vốn từ Ngân hàng CSXH để giúp hội viên có nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và làm giàu chính đáng.
Bên cạnh đó, các CCB luôn phát huy nghĩa tình đồng đội. Những hội viên CCB làm ăn khá thường xuyên trao đổi về kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt để giúp các CCB khó khăn vươn lên. Ngoài ra, Hội CCB huyện cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, động viên các CCB sử dụng vốn vay đúng mục đích. Qua đó, góp phần hỗ trợ cho hội viên CCB nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Hiện nay, Hội CCB huyện đang quản lý 24 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) theo địa bàn dân cư, với 1.149 thành viên. Tổng dư nợ hơn 57,4 tỷ đồng (tăng trưởng vốn vay so với thời điểm năm 2014 hơn 35,1 tỷ đồng). Bình quân có gần 50 thành viên/tổ TK&VV; dư nợ bình quân 50 triệu đồng/thành viên.
“Các tổ TK&VV đã làm khá tốt các khâu bình xét cho vay, đôn đốc hộ vay trả lãi, trả gốc theo đúng hợp đồng đã ký, nên tỷ lệ thu lãi và nợ gốc đúng kỳ hạn hằng tháng đạt cao. Đến ngày 30/6/2024, tổng số dư tiền gửi tiết kiệm tự nguyện của các thành viên thuộc các tổ TK&VV do Hội CCB huyện quản lý đạt hơn 3,3 tỷ đồng. Chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV ngày càng được nâng lên", Chủ tịch Hội CCB huyện Tư Nghĩa Lê Xuân Dẫu chia sẻ.
TRƯỜNG AN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: