Phân loại rác thải tại nguồn có nhiều lợi ích

21:15, 15/07/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022) quy định, đến ngày 1/1/2025, người dân phải thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn nhằm giảm lượng chất thải, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, để chính sách đi vào cuộc sống, cần thực hiện đồng bộ quy chuẩn vận hành cũng như quy trình phân loại - thu gom  - xử lý rác thải.

Từ năm 2019 đến nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã phát động các chiến dịch, mô hình thí điểm về phân loại rác thải tại nguồn gắn với các hoạt động bảo vệ môi trường, đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Đó là, “Biến điểm rác thành vườn hoa tự quản”, “Ðổi phế liệu lấy cây xanh”, “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa dùng một lần”, “Thùng rác thân thiện”, “Phân loại, xử lý rác thải tại nguồn”, “Xử lý rơm rạ sau thu hoạch”... Qua đó, góp phần quan trọng trong việc thay đổi nhận thức, hình thành thói quen tích cực của người dân trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Phân loại rác thải sinh hoạt ngay từ đầu nguồn sẽ tạo thuận lợi cho công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt.  			      Ảnh: M.HOA
Phân loại rác thải sinh hoạt ngay từ đầu nguồn sẽ tạo thuận lợi cho công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt. Ảnh: M.HOA

Bà Đinh Thị Hương, ở xã Long Mai (Minh Long) cho biết, tôi đã quen dần với việc sử dụng giỏ nhựa để đi chợ, cũng như thường xuyên phân loại rác thải thành 3 nhóm, gồm: Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác. Đối với chất thải thực phẩm, tôi sử dụng một số loại chế phẩm hoặc men vi sinh để ủ làm phân bón cho cây trồng, vừa sạch sẽ lại tiết kiệm được chi phí.

Việc phân loại rác thải tại nguồn đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, nhưng chỉ dừng lại ở mô hình thí điểm, chưa có sự vào cuộc tích cực của người dân, cũng như chính quyền địa phương. Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), đến nay Bộ TN&MT vẫn chưa ban hành quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể việc tổ chức thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Vì vậy, người dân, chủ nguồn thải vẫn chưa hiểu rõ phải phân loại rác như thế nào, phải trả tiền theo lượng rác thải ra sao; đổ rác phân loại ở đâu. Còn các đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom cũng chưa có hướng dẫn về trang thiết bị, tần suất, địa điểm thu gom rác đã phân loại.

Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi Đoàn Nhật Linh cho biết, chỉ riêng khu vực TP.Quảng Ngãi và các huyện lân cận, lượng rác thải phát sinh được thu gom và xử lý trên 300 tấn/ngày và ngày càng gia tăng. Nếu được phân loại tại nguồn, rác thải sẽ trở thành nguồn nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp tái chế, giảm đáng kể khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phải chôn lấp. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề nguồn lực để thực hiện quy hoạch mặt bằng, xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật bảo đảm hiệu quả xử lý rác thải sau phân loại.

Thực hiện Kế hoạch 85 của UBND tỉnh về việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2025, hiện nay, Sở TN&MT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các nội dung và quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nhất là vấn đề thu phí rác thải dựa trên trọng lượng hoặc thể tích. Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Trần Thị Hạ Vũ cho biết, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân hình thành thói quen phân loại rác, cần sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, nhất là chính quyền cơ sở trong việc thực thi chính sách. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm đầu tư nguồn lực gắn với xem xét ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sau phân loại.

MỸ HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 21:15, 15/07/2024

Ý kiến bạn đọc


.