Khi vợ có con với người khác...

09:10, 06/07/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Theo quy định, từ ngày 1/7/2024, người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn khi người vợ đang có thai, sinh con, không phân biệt người vợ có thai, sinh con với ai. Quy định này đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

NHIỀU TRANH LUẬN

Ngày 16/5/2024, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ban hành Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Theo đó, Khoản 4, 5, Điều 2 Nghị quyết quy định, vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt có thai, sinh con với ai. Vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, chồng cũng không có quyền yêu cầu ly hôn, mà không phân biệt con đẻ, con nuôi. Quy định này thu hút sự quan tâm của người dân, với các quan điểm trái chiều nhau.

Anh T.A (34 tuổi), ở xã Đức Phú (Mộ Đức), bày tỏ quan điểm rằng, tôi có thể yêu và cưới một người phụ nữ đã từng kết hôn, từng có con với người khác. Nhưng khi đã kết hôn, thì người vợ đó phải hết mực yêu thương gia đình và thủy chung. Ngược lại, nếu vợ ngoại tình, tôi chỉ mong muốn được lập tức ly hôn. Việc buộc phải chung sống với vợ ngoại tình, có thai với người khác và trong khi phải chờ khi vợ sinh con, nuôi đứa trẻ đủ 12 tháng mới được nộp đơn ly hôn, là một sự dày vò về tinh thần quá lớn đối với tôi.

 

Còn anh Đ.L (32 tuổi), ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn), nêu thắc mắc, nếu sau này tôi yêu và cưới một người, nhưng sau khi cưới, tôi mới biết vợ tôi đã có thai với người yêu cũ. Vậy lẽ nào tôi cũng phải chờ đến khi đứa trẻ đủ 12 tháng mới được ly hôn? "Sở dĩ tôi thắc mắc như vậy, vì trước đây, bạn của tôi cũng đã gặp trường hợp như vậy. Những tổn thương tâm lý của người đàn ông khi phải duy trì hôn nhân với người vợ đang mang thai và sinh con cho người khác, ai sẽ xoa dịu? Cùng với đó, khi cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, người chồng tổn thương khi bị phản bội, dễ dẫn đến cảm xúc, hành vi tiêu cực, thì liệu người phụ nữ có thoải mái, hạnh phúc và chăm sóc tốt cho con?", anh Đ.L bày tỏ.

Trái ngược với suy nghĩ của các "đấng mày râu", chị Nguyễn Trần Thanh Hậu, ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) lại đồng tình với quy định này. Chị Hậu cho rằng, quy định này khá nhân văn, bảo vệ tối đa quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em. "Ở giai đoạn mang thai, nuôi con nhỏ, người phụ nữ cần toàn tâm toàn ý lo cho con và chăm sóc sức khỏe bản thân. Còn những thủ tục ly hôn có thể thực hiện sau này. Trong thời gian này, người chồng nếu không chấp nhận nổi chuyện vợ mình có con với người khác, có thể ở riêng để tránh phát sinh mâu thuẫn", chị Hậu chia sẻ.

CẦN HIỂU ĐÚNG, TOÀN DIỆN VỀ QUY ĐỊNH

Nhiều người cho rằng, những quy định về quyền yêu cầu ly hôn của người chồng tại Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP là quy định mới. Tuy nhiên, theo thạc sĩ, luật sư Trần Thị Hoa - Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ngãi, trước đây, các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình đã có ghi nhận về vấn đề này. Cụ thể là, Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959; Điều 41 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986; Khoản 2, Điều 85 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000; Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP và Khoản 3, Điều 5, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. "Như vậy, có thể thấy, Luật Hôn nhân và Gia đình qua các thời kỳ đều quy định chồng không có quyền yêu cầu ly hôn khi vợ đang có thai và luật không có quy định về việc phân biệt vợ đang mang thai con của ai (tức không phân biệt cha của đứa bé là ai). Quy định này nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em. Trong giai đoạn mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người mẹ và cả em bé đều rất dễ bị tác động tiêu cực từ các yếu tố bên ngoài, trong các yếu tố đó thì các nhà làm luật cho rằng, việc người vợ bị yêu cầu ly hôn là yếu tố tiêu cực. Vì thế, quy định tại luật và hướng dẫn tại nghị quyết hướng tới hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực có thể xảy ra", thạc sĩ, luật sư Trần Thị Hoa nhấn mạnh.

 
Tuy nhiên, thạc sĩ, luật sư Trần Thị Hoa cũng cho rằng, quy định này cũng có thể dẫn đến hệ lụy đó là, khi người vợ ngoại tình và mang thai, sinh con, sau đó chưa đầy 12 tháng lại tiếp tục mang thai, sinh con với người khác thì người chồng lại phải kéo dài thời gian chờ đợi, không thể thực hiện quyền yêu cầu ly hôn của mình.

Bởi vậy, quy định về hạn chế quyền được đơn phương ly hôn của người chồng khi người vợ mang thai với người khác cần phải được quy định chi tiết và nhìn nhận đánh giá một cách linh động, mềm dẻo, trên cơ sở các nguyên tắc nhân đạo, nguyên tắc chung của Luật Hôn nhân và Gia đình. Chẳng hạn, có thể xem xét để quy định nếu người vợ mang thai với người khác vì lý do không tự nguyện (bị hiếp dâm, cưỡng dâm...) thì hạn chế quyền được ly hôn của người chồng. Còn trường hợp người vợ ngoại tình nhiều lần, ngang nhiên quan hệ với người đàn ông khác dẫn đến mang thai thì trên thực tế khi người chồng xin ly hôn, Tòa án có thể động viên hai vợ chồng thuận tình ly hôn hoặc hướng dẫn, động viên người vợ ly hôn với người chồng.

Ý THU

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:10, 06/07/2024

Ý kiến bạn đọc


.