(Báo Quảng Ngãi)- Năm 1989 là năm đánh dấu cột mốc quan trọng khi Quảng Ngãi được tái lập. Những người sinh ra ở thời điểm ấy nay cũng vừa tròn 35 tuổi. Bằng nhiều việc làm khác nhau, họ đã và đang cống hiến hết mình cho sự nghiệp dựng xây quê hương, với niềm tin: “Núi Ấn - sông Trà mai này sẽ nở hoa”...
Tâm huyết của bác sĩ trẻ
Khao khát cống hiến sức trẻ cho quê hương, bác sĩ Trần Ngọc An luôn tâm huyết với nghề và truyền cảm hứng tích cực cho đồng nghiệp. Sau khi có bằng bác sĩ nội trú nhi khoa của Trường Đại học Y - Dược Huế, năm 2017, bác sĩ An về công tác tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh). Nhờ những nỗ lực, phấn đấu không ngừng, bác sĩ An đã được bổ nhiệm chức vụ Phó Trưởng khoa. Đây là nơi chuyên điều trị các ca bệnh nặng. Áp lực lớn đè lên vai những người khoác áo blouse trắng. Bác sĩ An và đồng nghiệp trong khoa thường xuyên nhắc nhở, động viên nhau, bình tĩnh trước mọi tình huống, luôn trong tư thế sẵn sàng “chiến đấu” để giành lại sự sống cho bệnh nhân.
Bác sĩ Trần Ngọc An luôn tận tụy với bệnh nhân. Ảnh: T.PHƯƠNG |
Sau những ca cấp cứu là kiến thức, kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm qua thực tế được sàng lọc, đúc kết. Bác sĩ An tự nhủ, phải luôn học tập, trao đổi chuyên môn để hoàn thiện kỹ năng, nâng cao tay nghề. Luôn nghĩ đến người bệnh, xem người bệnh như người thân của mình để có thêm động lực trong điều trị. Hiện Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đã triển khai nhiều kỹ thuật cao, hiện đại, trong đó có kỹ thuật lọc máu liên tục ở trẻ em.
“Ngành y là một ngành có sứ mệnh cao cả đối với xã hội và cộng đồng nên tôi luôn nỗ lực học hỏi, để làm việc ngày càng tốt hơn. Với tôi, không có gì vui hơn khi chứng kiến các bệnh nhân được điều trị khỏi, rời giường hồi sức và khỏe mạnh trở về với gia đình”, bác sĩ An chia sẻ.
Nói về lý do chọn quê hương để trở về làm việc ngay khi tốt nghiệp ra trường, bác sĩ An bày tỏ, chính mảnh đất này là nơi tôi được sinh ra, được nuôi dưỡng và trưởng thành. Hơn nữa, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, nơi tôi đang làm việc đã tạo điều kiện tốt nhất để tôi và đồng nghiệp được nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn. Do đó, việc phục vụ người dân, phục vụ quê hương như một sự tri ân, là chuyện đáng phải làm.
Nữ bí thư năng động
Ở tuổi 35 đầy nhiệt huyết, được lớn lên và trưởng thành theo bề dày lịch sử và truyền thống của quê hương Quảng Ngãi kể từ ngày tái lập tỉnh, đó là điều rất đỗi tự hào của Bí thư Đảng ủy xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) Nguyễn Thị Hằng. Năm 2024, kỷ niệm 35 năm tỉnh Quảng Ngãi được tái lập, đó cũng là dấu mốc quan trọng đối với chị, khi vinh dự là một trong những cán bộ nữ, trẻ tuổi của tỉnh được luân chuyển về cơ sở. Sau 11 năm công tác tại Tỉnh đoàn, khi tiếp cận với môi trường mới, chị rất bỡ ngỡ. Thế nhưng, bằng tinh thần và nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị quyết tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra, ngay từ những ngày đầu về công tác tại xã Tịnh Sơn.
Bí thư Đảng ủy xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) Nguyễn Thị Hằng luôn bám sát địa bàn khu dân cư. Ảnh: T.HẬU |
Chị Hằng chia sẻ, Tịnh Sơn là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, từng chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh. Hiện nay, dù xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nhưng một bộ phận người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều gia đình chính sách, đối tượng người có công rất cần được hỗ trợ nhà ở.
Hiểu rõ trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay đối với quê hương anh hùng, từ các nguồn lực, chị vận động kinh phí, tập trung quan tâm, chăm lo cho các gia đình chính sách. Từ đầu năm đến nay, chị đã vận động xây dựng 2 căn nhà, mỗi căn trị giá 50 triệu đồng, dành cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, chị Hằng còn kết nối trao hàng trăm suất quà với tổng kinh phí khoảng 200 triệu đồng; xây dựng tuyến đường năng lượng mặt trời từ đội 7, thôn Phước Lộc Đông đi đội 1, thôn Bình Thọ...
“Thực tiễn từ cơ sở là những bài học kinh nghiệm quý báu. Việc bám sát địa bàn, nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhu cầu của người dân rất quan trọng. Đó là điều tôi luôn đặt lên hàng đầu. Có như vậy, tôi mới có cách điều hành đúng đắn và phù hợp nhất. Hòa cùng khát vọng của quê hương núi Ấn- sông Trà hôm nay, trong những ngày về với cơ sở, bản thân cũng khát khao xây dựng một Đảng bộ đoàn kết, cùng nhân dân ra sức thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia, sớm đưa xã Tịnh Sơn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2025”, chị Hằng bày tỏ.
Góp sức thay đổi diện mạo quê hương
Nằm cách Tỉnh lộ 624 chưa đầy 2km, nhưng thôn Gò Loa - Đồng Xoài, xã Ba Cung (Ba Tơ) là vùng khó khăn ở địa phương. Trước đây, việc đi lại của người dân rất trở ngại do đường sá chưa được đầu tư. Hôm nay, vùng quê này đã “thay da, đổi thịt” với những con đường bê tông, xe tải chạy vào thôn vận chuyển nông, lâm sản đi các nơi tiêu thụ. Trong sự đổi thay ấy, có sự góp sức rất lớn của anh Phạm Văn Tuấn, một người trẻ ở địa phương.
Anh Phạm Văn Tuấn (bên phải) trò chuyện với người dân tại Nhà văn hóa thôn Gò Loa - Đồng Xoài, xã Ba Cung (Ba Tơ). Ảnh: T.HẬU |
Anh Tuấn là một trong những Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn tiêu biểu trong thực hiện thí điểm mô hình “Dân tin - Đảng cử” ở huyện Ba Tơ. Để thay đổi diện mạo cho quê hương, ngay sau khi nhận nhiệm vụ vào năm 2022, anh tích cực vận động nhân dân đóng góp ngày công, hiến đất để mở rộng, xây dựng 3 tuyến đường bê tông nông thôn từ Tỉnh lộ 624 vào thôn, với tổng chiều dài gần 2km, từ nguồn hỗ trợ xi măng của Nhà nước. Đồng thời góp tiền mua đất, mở rộng sân, xây dựng tường rào, cổng ngõ nhà văn hóa thôn.
“Để 157 hộ dân trong thôn tin mình, góp sức thay đổi diện mạo quê hương, tôi mất nhiều thời gian đến từng nhà dân tuyên truyền, vận động, phân tích cái được, cái mất và lợi ích lâu dài để người dân hiểu, đồng tình ủng hộ. Những tuyến đường bê tông, nhà văn hóa khang trang, có khuôn viên rộng rãi được xây dựng từ sự tự nguyện đóng góp của người dân đã mang lại niềm vui rất lớn cho tất cả mọi người”, anh Tuấn chia sẻ.
Quê hương hôm nay đang chuyển mình tích cực, với những gam màu sáng. Điều đó làm anh Tuấn vô cùng phấn khởi. Thế nhưng, anh vẫn còn nhiều trăn trở vì khi trong thôn vẫn còn 32 hộ nghèo, 15 hộ cận nghèo. Tình trạng tảo hôn dù không còn nhưng có thể tái diễn trở lại, nếu không có biện pháp phòng ngừa thường xuyên. Chính trình độ dân trí thấp là rào cản, khiến người dân không thể tiếp thu được cái hay, cái mới, làm cho chất lượng cuộc sống vùng cao còn chênh lệch với đồng bằng. Việc thay đổi tư duy, nhận thức cho người dân rất quan trọng.
“Nơi đây là vùng lõm sóng, điều kiện tiếp cận thông tin không dễ dàng. Chính vì thế, tôi luôn tìm cách cập nhật kịp thời những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, tiến bộ khoa học, kỹ thuật để truyền đạt đến đồng bào Hrê trong thôn. Để làm được điều đó, bản thân sẽ không ngừng học tập, nâng cao trình độ, kiến thức; tiên phong, nỗ lực làm ăn, gương mẫu trong xây dựng gia đình hạnh phúc và nuôi dạy con cái ăn học đến nơi, đến chốn. Mong rằng, từ nỗ lực, uy tín của bản thân, người trẻ trong thôn sẽ học hỏi và làm theo, từng bước thay đổi tư duy, nhận thức, cùng nhau hợp sức đẩy lùi đói nghèo, góp sức xây dựng quê hương ngày càng đổi mới và phát triển”, anh Tuấn chia sẻ.
T.PHƯƠNG - T.HẬU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: