Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

09:19, 05/07/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Xâm hại tình dục đối với trẻ em là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Do đó, việc trợ giúp pháp lý (TGPL) cho trẻ em của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) càng quan trọng và cần thiết, để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em.
 
Vừa qua, cháu D và N bị đối tượng P.V.T có hành vi sàm sỡ. Ngay khi tiếp nhận vụ án, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh (Trung tâm) đã cử trợ giúp viên pháp lý tham gia ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cháu D và cháu N. Với chứng cứ, tài liệu đầy thuyết phục của trợ giúp viên pháp lý, Hội đồng xét xử thấy có đủ cơ sở kết luận, bị cáo P.V.T phạm tội “dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.

Trong nhiều vụ án, trẻ em không có kiến thức về giới, không biết việc gì đang xảy ra với bản thân và không có kỹ năng bảo vệ bản thân trước các dấu hiệu bị xâm hại. Đôi khi một số trường hợp chính các em là người chủ động và đưa mình trở thành bị hại. Như trường hợp của cháu N.D và bị cáo Đ.S.H quen biết nhau, sau đó cả hai có tình cảm yêu đương nam nữ. Do muốn thỏa mãn nhu cầu của bản thân, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của cháu N.D, bị cáo Đ.S.H đã 2 lần thực hiện hành vi giao cấu với cháu N.D. Tại thời điểm bị xâm hại, cháu N.D chưa đủ 13 tuổi. Do đó, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã truy tố bị cáo Đ.S.H về tội “hiếp dâm người dưới 16 tuổi” theo Điểm d, Khoản 2, Điều 142  Bộ luật Hình sự.
Huyện đoàn Nghĩa Hành tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.    Ảnh: TR.ÂN
Huyện đoàn Nghĩa Hành tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Ảnh: TR.ÂN

Từ năm 2023 đến nay, Trung tâm đã cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL cho trẻ em là 101 vụ; trong đó, riêng về tội xâm hại tình dục là 46 vụ. Trong các vụ việc xâm hại tình dục được Trung tâm tiếp nhận và thực hiện TGPL cho thấy, hầu hết đối tượng xâm hại các em là người thân, người quen biết; gia đình các em thường là cha, mẹ ly hôn, hoặc trẻ sống chung với người thân (cha, mẹ đi làm ăn xa). Đây cũng là nguyên nhân mà trẻ thiếu sự quan tâm, không được chia sẻ những vấn đề về giới, bởi sự ngại ngùng với ông bà và người thân khác giới...

Trợ giúp viên pháp lý Bùi Thị Thuyết Anh chia sẻ, quá trình thực hiện TGPL cho trẻ em bị xâm hại tình dục, vấn đề khó khăn nhất mà chúng tôi gặp phải là từ quan điểm và tâm lý của gia đình người bị hại. Nhiều gia đình có trẻ em bị xâm hại tình dục mang tâm lý xấu hổ, lo sợ ảnh hưởng đến danh dự của gia đình, nên không tố giác tội phạm hoặc tố giác muộn. Bên cạnh đó, phần lớn các vụ xâm hại tình dục đối với trẻ em đều không có người làm chứng, nhiều em còn quá nhỏ nên chưa thể nhớ rõ các hành vi xâm phạm của bị can, bị cáo... gây khó khăn trong việc lấy lời khai, thu thập chứng cứ.

Theo Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Bùi Phú Vũ, để tránh bỏ lọt đối tượng và bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại, Trung tâm đã chủ động nắm bắt các trường hợp thông qua báo chí, sự giới thiệu, gửi công văn yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng và các nguồn thông tin khác. Từ đó, cử trợ giúp viên pháp lý dày dạn kinh nghiệm, chuyên môn cao và am hiểu tâm lý trẻ em để tham gia trợ giúp. Trung tâm luôn cố gắng giúp đỡ cho các em, nhưng dường như bấy nhiêu vẫn là chưa đủ để bù đắp lại những tổn thương về tinh thần mà các em phải gánh chịu. Chỉ mong sao không còn những vụ án đau lòng xảy ra.

Để giảm thiểu tối đa những vụ việc trẻ em bị xâm hại, gia đình phải có trách nhiệm chăm nom, quan tâm đến con em của mình. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, hội, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật; nâng cao nhận thức về giáo dục giới tính, kỹ năng giúp trẻ em bảo vệ bản thân trước các nguy cơ xâm hại. Cùng với đó là trang bị tinh thần phát giác, đấu tranh và ý thức bảo vệ trẻ em mọi lúc, mọi nơi của người dân trong cộng đồng để trẻ được sống trong môi trường an toàn, hạnh phúc...  

TRUNG ÂN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:19, 05/07/2024

Ý kiến bạn đọc


.