Anh Nguyễn Xuân Nam - Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Bình Đông cho biết, từ đầu tháng 7, Ban CHQS xã phối hợp với các ban ngành tiến hành thống kê, rà soát các trường hợp thân nhân liệt sĩ neo đơn, tuổi cao, sức yếu, bệnh tật hoặc liệt sĩ không có thân nhân thờ cúng. Sau đó, phân công cán bộ, chiến sĩ dân quân thường trực tổ chức quét dọn nhà cửa, đi chợ, làm mâm cơm giỗ liệt sĩ. Hoạt động này vừa thể hiện tinh thần tri ân, vừa góp phần giáo dục cán bộ, chiến sĩ dân quân thấu hiểu sự hy sinh cao cả của các liệt sĩ.
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đội Dân quân thường trực xã Bình Đông (Bình Sơn) làm mâm cơm giỗ liệt sĩ Ngô Lại. |
Với cán bộ, chiến sĩ Tiểu đội Dân quân thường trực xã Bình Tân Phú, từ mô hình “Nghĩa tình đồng đội” đã giúp sửa chữa nhà cho bà Phạm Thị Tự, ở thôn Nhơn Hòa. Bà Tự là con liệt sĩ, hưởng bảo trợ xã hội, gia đình thuộc diện khó khăn. Bà Tự chia sẻ, các cháu dân quân xã thường xuyên giúp tôi việc nhà, những ngày lễ, Tết đều đến thăm như người thân. Thật sự rất ấm lòng.
Trung tá Phan Minh Dũng - Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Bình Sơn cho biết, các hoạt động tri ân, trong đó có làm mâm cơm giỗ liệt sĩ dịp 27/7 đã được cán bộ, chiến sĩ dân quân trong huyện thực hiện nhiều năm nay, trở thành nét đẹp truyền thống của lực lượng "sao vuông". Hoạt động này thể hiện trách nhiệm của lực lượng vũ trang luôn chung sức, chung lòng chăm lo thân nhân liệt sĩ. Qua đó, tạo không khí ấm cúng tại các gia đình, góp phần xoa dịu nỗi đau mà chiến tranh để lại đối với người thân các liệt sĩ.
Những ngày tháng 7 thiêng liêng này, cán bộ, chiến sĩ “sao vuông” huyện Bình Sơn lại tỏa về khắp các ngả đường, thôn, xóm vệ sinh môi trường, làm sạch đẹp nghĩa trang liệt sĩ; tu bổ, sửa sang lại nhà cửa giúp các hộ gia đình chính sách; trang trí nơi thờ cúng và đi chợ mua đồ về làm cơm giỗ liệt sĩ. Hoạt động ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc này không chỉ nhắc nhở thế hệ trẻ về trách nhiệm chăm lo cho những người đã cống hiến máu xương vì Tổ quốc, mà còn phải biết trân trọng, giữ gìn và phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn, đáp nghĩa” của dân tộc.
Bài, ảnh: N.Đ.MINH
TIN, BÀI LIÊN QUAN: