Ba lăm năm ấy biết bao nhiêu tình

22:06, 30/06/2024
.

(Baoquangngai.vn)- Tôi còn nhớ, ngày Nghĩa Bình lại chia 2 như cũ, “ai về nhà nấy”, Bình Định ở Bình Định, Quảng Ngãi về Quảng Ngãi, những người quê Quảng Ngãi thảy đều mừng rỡ khôn xiết. Đơn giản, vì được về quê. Chưa ai nghĩ về quê thời gian ấy sẽ khó khăn đến thế nào, nhưng ai cũng chấp nhận, miễn được “Về lại sông Trà/Về với quê ta/ mà bao tháng năm ta đi xa/Dồn bao thương nhớ/…” (Về lại sông Trà - nhạc và lời Vĩnh An) như bài hát của nhạc sĩ Vĩnh An - một người quê gốc Bình Định, nhưng trước tập kết lại có vợ ở Quảng Ngãi, và ông đã xa vợ mình Quảng Ngãi tròn 21 năm.

Hoàng hôn sông Trà. Ảnh: TẤN PHÁT
Hoàng hôn sông Trà. Ảnh: TẤN PHÁT

Ngày tái lập tỉnh cũng thật tĩnh lặng, không tổ chức ồn ào. Ai việc nấy, và lúc đó, công việc lại quá nhiều, còn thu nhập chẳng bao nhiêu, thực chất là không có gì. Ngày đó tôi về “ở đậu” báo Quảng Ngãi, nơi vợ tôi làm việc. Nguyên một tầng nhà dành cho Báo Quảng Ngãi, nhưng trống không, chẳng có gì. Hai gia đình anh Trương Đình Chiểu - Tổng biên tập báo và gia đình tôi giăng ri-đô phân ranh giới, bên trong chỉ có một giường chiếc, không có cả bàn viết.

Vợ tôi đi công tác xuống huyện xuống xã, tôi ngồi trên giường chiếc viết trên máy chữ, cũng xong. Sau này, khi đã có căn hộ tập thể để ở, vợ tôi vẫn xót xa: “ Giá mà chia tỉnh sớm trước 4 năm, thầy má mình còn sống, mình về quê còn được gặp, được chăm sóc thầy má, biết đâu ông bà còn sống thêm được mấy năm nữa.” Đúng là như thế, nhưng làm sao được.

Ngày đó, cuộc sống vất vả khi mới chia tỉnh thì gia đình tôi và nhiều gia đình khác cũng thấy bình thường, vì thời bao cấp ở Quy Nhơn cũng khổ không kém, nên quen rồi. 

Điều khiến tôi vui nhất, là về Quảng Ngãi, tôi lại có những người bạn mới, những người bạn Quảng Ngãi chân thành, sống tình cảm, chan hòa, không phân biệt quan chức hay thứ dân.

Ngày đó, cứ chiều chiều, nhóm bạn chúng tôi lại tụ tập ở báo Quảng Ngãi, chuyện trò với nhau, có bia uống bia, có rượu đế uống rượu đế, thật vui. Còn nhớ, các anh Trần Anh Kiệt, Nguyễn Thanh Tân, Lê Văn Diêu, Trương Đình Chiểu, Thái Anh, Tăng Quỳnh… cùng tôi kết tình bạn thật ấm cúng. Tình bạn ấy kéo dài tới mãi bây giờ, dù anh Hai Kiệt, anh Mười Diêu đã qua đời, nhưng số anh em còn lại vẫn thân thiết với nhau.

Dĩ nhiên, không phải về Quảng Ngãi là mọi chuyện đều yên ấm, nhưng với tôi, những chuyện không vui ấy mình cũng đã quen rồi, từ hồi còn ở Quy Nhơn kia, nên chịu được hết.

Bây giờ nghĩ lại, những gian khổ ngày mới chia tỉnh có khi đã tạo cho anh em chúng tôi cơ hội để thử thách và trưởng thành. Chúng tôi tuy có “chầm chậm tới mình” (thơ Trúc Thông, bạn tôi), nhưng rồi cùng tới cả. Với Quảng Ngãi cũng vậy. Quê hương chúng ta dù trải qua bao nhiêu khó khăn vất vả, nhưng sau 35 năm, cái được vẫn nhiều hơn cái mất. Tỉnh nhà vẫn phát triển, dù tốc độ không nhanh, nhưng đời sống người dân Quảng Ngãi đã được cải thiện rất nhiều.

Bây giờ, dù vẫn còn không ít khó khăn, nhưng tôi tin, rồi Quảng Ngãi vẫn sẽ vượt qua. Tinh thần và khí chất của người Quảng Ngãi, truyền thống cách mạng của người Quảng Ngãi vẫn mạnh mẽ, nhất là cái tình của người Quảng Ngãi vẫn đậm đà như hồi mới chia tỉnh, nên không có lý do gì khiến Quảng Ngãi phải chùn bước. 

“Ba lăm năm ấy biết bao nhiêu tình”, đúng vậy. Sống ở đời, chữ “tình”, chữ “thương” vẫn là quan trọng nhất. Mà hai chữ ấy, thì dân Quảng Ngãi chúng ta đều có thật đậm đà, thật sâu sắc. 35 năm, và còn xa xa nữa.

THANH THẢO


TIN, BÀI LIÊN QUAN:

  
 

Xuất bản lúc: 22:06, 30/06/2024

Ý kiến bạn đọc


.