(Báo Quảng Ngãi)- Trong xã hội hiện đại, bạo lực gia đình vẫn còn diễn ra. Loại bỏ hành vi bạo lực trên nền tảng bình đẳng giới, coi trọng vai trò của người phụ nữ được xem là cách để vun đắp hạnh phúc, xây dựng những mái ấm không có bạo lực.
Mỗi khi nhắc về cuộc hôn nhân của mình, chị N.T.T, ở xã Phổ Thuận (TX.Đức Phổ), đều cố kìm nén những dòng nước mắt. Chị T cho biết, sau nhiều năm tìm hiểu, tôi và chồng quyết định đi đến hôn nhân. Tưởng chừng khi có tình yêu, hôn nhân sẽ được hạnh phúc. Tuy nhiên, khi sống chung với nhau, chồng của tôi đã bộc lộ bản tính bảo thủ, gia trưởng. Mỗi lần công việc không suôn sẻ, anh ấy lại trút giận, chửi mắng tôi vô cớ, thậm chí còn nhiều lần đánh tôi trước mặt các con. Anh ấy thường bác bỏ ý kiến, không chịu lắng nghe những chia sẻ của tôi. Thời gian đầu, tôi cố giấu nỗi đau vào lòng, với hy vọng anh ấy sẽ thay đổi và hơn hết là vì giữ gìn gia đình có cha mẹ cho các con. Tuy nhiên, tôi càng cố gắng nhẫn nhịn, anh ấy càng được nước làm tới, khiến tôi rơi vào trầm cảm, phải uống thuốc ổn định tâm lý trong thời gian dài. Đến khi không thể chịu đựng nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần, tôi đành quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân với người chồng của mình. “Đã nhiều năm trôi qua, nhưng nỗi đau và tâm lý bị bạo hành vẫn còn ám ảnh tôi. Người tổn thương là tôi, nhưng người phải chịu thiệt thòi nhất lại là những đứa con của mình khi không có được một gia đình trọn vẹn, đủ đầy yêu thương, khiến tôi rất buồn”, chị T xúc động nói.
Sự thấu hiểu, tôn trọng, bình đẳng giữa vợ và chồng sẽ là nền tảng để giữ gìn hạnh phúc gia đình. ẢNH: HẢI CHÂU |
Chị Đ.T.V, ở xã Sơn Màu (Sơn Tây), cũng từng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Vài năm sau khi kết hôn, chồng chị V bắt đầu đổi tính, thường xuyên uống rượu, bỏ bê công việc. Khi chị V than phiền chuyện chồng uống rượu thì ngay lập tức bị chồng đánh. Dẫu những vết thương ngày một chằng chịt in dấu trên người, nhưng chị V lặng lẽ cam chịu. Nhiều lúc chồng tỉnh rượu, chị V có thủ thỉ, khuyên can chồng bỏ rượu, chí thú làm ăn để nuôi con. Nhưng thay đổi được ít hôm, chồng chị V lại sa đà vào rượu chè, tiếp tục bạo hành vợ. Chị V kể, tôi không bao giờ quên vào một đêm đầu năm 2019, lúc ấy vì không còn kiểm soát được hành vi, chồng của tôi đã đánh đập tôi rất dã man. Không thể chịu đựng được nữa, tôi đành ôm con vượt rừng đi bộ hơn 20km để về nhà mẹ đẻ. Vì quá đau buồn, tôi đã ra bìa rừng hái nắm lá ngón để tự vẫn. May lúc đó có người quen phát hiện, kịp thời đưa tôi đến bệnh viện, nên tôi thoát khỏi cái chết. “Sau vụ việc ấy, chồng của tôi đã chủ động bỏ hẳn rượu, để hàn gắn tình cảm của hai vợ chồng. Dẫu những ngày tháng sống trong bạo lực của tôi đã không còn, nhưng sâu thẳm trong lòng mình vẫn còn những vết thương chưa lành”, chị V bộc bạch.
Phụ nữ cần lên tiếng
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Võ Thị Anh Trâm cho biết, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về xây dựng gia đình hạnh phúc; phòng, chống bạo lực gia đình. Cùng với đó, thành lập các tổ truyền thông cộng đồng xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới và thành lập 622 địa chỉ tin cậy, nhằm kịp thời chia sẻ, bảo vệ, ngăn chặn phụ nữ thoát khỏi nạn bạo hành gia đình.
Hội LHPN tỉnh thường xuyên tổ chức các hội thi tuyên truyền xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình. ẢNH: HIỀN THU |
Theo Tiến sĩ Ngô Thị Kim Ngọc, giảng viên Khoa Sư phạm xã hội (Trường Đại học Phạm Văn Đồng), có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình. Dù bất cứ lý do gì, thì việc bạo lực về thể xác lẫn tinh thần đối với phụ nữ là hành vi không thể chấp nhận. Từ xưa đến nay, định kiến trọng nam, khinh nữ, bất bình đẳng giới luôn tồn tại, ăn sâu vào tư tưởng của nhiều người. Chính vì thế, đàn ông mặc định cho rằng mình được quyền phân biệt đối xử, được bạo hành, chèn ép vợ. Những người phụ nữ khi trở thành nạn nhân của bạo lực lại cam chịu, không dám đấu tranh bảo vệ mình, nên vô tình tiếp tay cho sự tái phạm của người chồng. Hiện nay, nước ta đã ban hành rất nhiều luật về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình... Nhiều cặp vợ chồng chưa nắm rõ quy định của pháp luật để tự điều chỉnh hành vi. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng vẫn chưa thật sự có biện pháp mạnh, còn thiếu kiên quyết trong xử lý những hành vi bạo lực gia đình, nên chưa tạo tính răn đe.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 64 vụ bạo lực gia đình, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em. Tuy nhiên, con số này chỉ là bề nổi có thể thống kê được, thực tế bạo lực vẫn còn âm ỉ diễn ra trong nhiều gia đình. Bạo lực gia đình đã làm suy giảm nền tảng giá trị tốt đẹp của gia đình, mang lại những hệ lụy và những nỗi đau khôn nguôi. |
HẢI CHÂU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: