Ra ngoài để tìm niềm vui
Ngoài 80 tuổi, được con cái chăm lo đầy đủ về vật chất, nhưng 10 năm qua, vào mỗi sáng cụ N.V, ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) lại rời nhà để đi bán vé số. Với cụ V, đây là cách để cụ bớt cô đơn.
“Ngày trước, khi vợ tôi còn sống, hai vợ chồng cùng nhau chia sẻ mọi điều. Gần chục năm nay, sau khi vợ qua đời, tôi cảm thấy lạc lõng, cô đơn. Sáng thức dậy, con trai, con dâu đi làm, còn cháu thì đi học. Tối về, con cháu lại bận làm việc, học hành. Vậy nên, tôi bán vé số để được đi đó đây, trò chuyện với nhiều người. Các con lo lắng cho sức khỏe của tôi và nhiều lần năn nỉ tôi ở nhà, nhưng ở nhà tôi cảm thấy buồn”, cụ V trải lòng.
Còn bà N.T.N, ở phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi), vẫn thường một mình mang ghế ra ngồi ngay vỉa hè vào mỗi buổi sáng, ngắm nhìn dòng người qua lại trên phố, để giải tỏa nỗi muộn phiền, cô đơn. “Tôi đã 85 tuổi, đâu còn nhiều bạn bè để mà sẻ chia. Tôi cũng chẳng còn đủ sức khỏe để có thể tự mình đi thăm họ hàng, bạn bè ở nơi xa. Các con tôi làm việc đầu tắt mặt tối để có tiền nuôi con nhỏ ăn học. Vậy nên, tôi không muốn làm phiền các con, không thể bảo con dành thời gian chở tôi đi nơi này, nơi nọ...”, bà N tâm sự.
Còn đối với bà N.T.M, ở xã Đức Hòa (Mộ Đức), nỗi cô đơn của bà luôn hiện hữu ngay cả khi đang ăn cơm cùng gia đình. “Con đi làm, cháu đi học cả ngày nên tôi từng nghĩ, bữa cơm tối sẽ là lúc cả nhà sum họp, vui vẻ nhất. Nhưng rồi đến bữa cơm, các con lại bàn chuyện công việc. Sau bữa ăn, mọi người lại về phòng riêng, hoặc dù có ngồi chung ở phòng khách, thì mỗi đứa lại cầm điện thoại để giải trí. Tôi không biết phải bày tỏ, tâm sự cùng con vào lúc nào...”, bà M bảo.
Thấu hiểu và chia sẻ
Bước sang tuổi 94, việc đi lại đối với cụ Đặng Thị Tào, ở thôn Kim Thạch, xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi), trở nên khó khăn. Không đành lòng nhìn mẹ mình quanh quẩn suốt ngày ở nhà, các con của cụ Tào luân phiên nhau dùng xe lăn, đưa cụ đi dạo khắp đường làng, ngõ xóm vào sáng sớm và chiều tối.
“Bên cạnh chăm sóc về thể chất, người già rất cần được quan tâm về tinh thần. Chúng tôi luôn cố gắng vừa làm con, vừa làm người bạn nhỏ bên cạnh mẹ để mẹ bớt cô đơn. Mẹ tôi thích xem cảnh người ta mua bán đông đúc. Mẹ mừng nhất là khi đi dạo, được gặp một vài người già như mình, hỏi thăm nhau... Chúng tôi đặt mình vào vị trí của mẹ, để hiểu mẹ muốn gì, thích gì rồi nhẹ nhàng chiều lòng mẹ”, bà Nguyễn Thị Thu Cúc, con gái của cụ Tào tâm sự.
Sống ở TP.Quảng Ngãi, nhưng đều đặn mỗi tuần, ông Nguyễn Đăng Vũ luôn sắp xếp thời gian để chở mẹ gần 90 tuổi về quê ở xã Đức Lợi (Mộ Đức). "Người lớn tuổi thường hoài niệm về những chuyện ngày xưa, thích được gặp bạn bè, người thân và trở về nơi thân thuộc với mình. Vậy nên, tôi cùng người nhà luôn cố gắng chia sẻ, sắp xếp thời gian đưa mẹ về quê, với mong muốn mang lại niềm vui, tiếng cười cho mẹ", ông Vũ chia sẻ.
Để người cao tuổi không còn cô đơn
Kết quả điều tra của Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) vào năm 2020 cho thấy, cứ 2,2 người cao tuổi thì có một người cảm thấy không hạnh phúc khi chung sống với con cháu trong gia đình. Theo Tiến sĩ Ngô Thị Kim Ngọc, giảng viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng, khi về già, hầu hết mọi người đều có nhiều thay đổi về tâm lý. Trong đó, phổ biến nhất là NCT thường xuyên cảm thấy cô đơn, luôn mong được quan tâm chăm sóc.
Người cao tuổi từng trải qua tuổi trẻ nên có thể thông cảm cho những áp lực về kinh tế, sự bận rộn trong công việc của người trẻ. Còn người trẻ thì thường khó hiểu được nỗi lòng của NCT. Nhiều người trẻ cảm thấy NCT luôn đòi hỏi được quan tâm và không tinh tế trong cách chăm sóc, ứng xử, khiến người NCT ngày càng cảm thấy cô đơn.
Theo Tiến sĩ Ngô Thị Kim Ngọc, các thành viên trong gia đình cần dành thời gian yêu thương, quan tâm, chia sẻ với NCT. Phải để NCT thấy rằng, mình vẫn giữ vai trò quan trọng trong gia đình. Cùng với đó, các thành viên trong gia đình cần khuyến khích, tạo điều kiện để NCT tham gia sinh hoạt lành mạnh tại các hội, nhóm cùng chung sở thích, qua đó giúp NCT nâng cao đời sống tinh thần, sống vui, sống khỏe.