(Báo Quảng Ngãi)- Tại Quảng Ngãi, tục thờ thần Thành hoàng là một hình thức tín ngưỡng khá phổ biến ở nhiều làng, xã, được các triều đại phong kiến ban cho thờ phụng. Bốn sắc phong thần Thành hoàng cho nhân dân ấp Bình An, thôn Phước Sơn, huyện Mộ Đức thờ phụng, hiện đang lưu giữ tại đình làng Phước Thành, xã Đức Chánh (Mộ Đức), mà chúng tôi vừa được tiếp cận đã góp phần minh chứng cho điều này.
Sắc vua Tự Đức ban ngày 2 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (1852) cho ấp Bình An thôn Phước Sơn thờ Thành hoàng. ẢNH: ĐĂNG VŨ |
Những bản sắc phong còn nguyên vẹn
Cả 4 bản sắc phong thần Thành hoàng cho nhân dân ấp Bình An, thôn Phước Sơn lưu ở đình Phước Thành đều được ban dưới thời nhà Nguyễn. Trong đó, có 2 sắc được ban thời Tự Đức; 1 sắc được ban thời Đồng Khánh, và sắc gần nhất được ban thời Duy Tân. Các bản sắc này được người dân địa phương giữ gìn nguyên vẹn.
Trong 4 bản sắc, thần Thành hoàng được liên tục gia tặng mỹ tự qua các lần ban sắc. Sắc ban ngày 2 tháng 11 năm Tự Đức năm thứ 5 - 1852, thần đã được tặng thần hiệu là “Bảo An Chính Trực Hựu Thiện”. Đến ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 - 1880, thần được ban thêm mỹ tự “Đôn Ngưng”. Vào ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 - 1887, thần còn được gia tặng thêm mỹ tự “Dực Bảo Trung Hưng chi thần”. Ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 - 1909, nhân đại lễ đăng quang, vua Duy Tân ban chiếu “tỏ rõ ơn sâu, lễ long trọng nên tăng thêm phẩm trật”, chuẩn cho thờ phụng như cũ. Trên tất cả các bản sắc đều đóng ấn triện “Sắc mệnh chi bảo”.
Bản sắc thần Thành hoàng có niên đại sớm nhất còn lưu ở đình Phước Thành có nội dung tạm dịch như sau: “Sắc cho: Thần Thành hoàng Phước Sơn, trước đây đã được tặng (mỹ tự là) thần Bảo An Chính Trực Hựu Thiện, bảo vệ nước che chở dân, linh ứng rõ rệt đã lâu. Nay trẫm kế thừa mệnh sáng, trông lại sự che chở của thần, nên gia tặng (mỹ tự là) thần Bảo An Chính Trực Bảo Thiện Đôn Ngưng. Vậy chuẩn cho ấp Bình An thôn Phước Sơn huyện Mộ Đức như trước thờ phụng. Thần hãy che chở, giúp đỡ dân ta. Hãy kính vâng theo! Ngày mùng 2 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (1852)”.
Qua các bản sắc, điều mà các tộc họ chăm lo tế tự ở đình Phước Thành thắc mắc, đó là cả 4 bản sắc đều ban cho dân “ấp Bình An thôn Phước Sơn”, huyện Mộ Đức thờ thần Thành hoàng, nhưng vì sao hiện nay các đạo sắc này lại được lưu trong đình Phước Thành, thuộc xã Đức Chánh (Mộ Đức), trong khi đó tên thôn Phước Sơn hiện nay lại thuộc xã Đức Hiệp (Mộ Đức)?
Đình làng Phước Thành, ở xã Đức Chánh (Mộ Đức). ẢNH: ĐĂNG VŨ |
Về địa danh “ấp Bình An thôn Phước Sơn”
Lần tìm một số tài liệu cũ, chúng tôi nhận thấy trong “Địa bạ triều Nguyễn”, phần tỉnh Quảng Ngãi, được lập năm Gia Long thứ 12 (1813) do nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu biên dịch, trong tổng Trung của huyện Mộ Hoa (tên gọi cũ của huyện Mộ Đức, bao gồm huyện Mộ Đức và TX.Đức Phổ hiện nay) có tất cả 30 làng (17 thôn, 13 xã), trong đó có xã Phước Sơn. Phía đông xã Phước Sơn giáp xã Hoa Bân (sau đổi là Văn Bân), tây giáp thôn Chú Tượng Tư, nam giáp xã Vạn Phước và xã Ba Tư (sau là An Ba), bắc giáp thôn An Mỹ.
Căn cứ vào ghi chép này, có thể thấy, địa giới xã Phước Sơn thời Gia Long rộng lớn hơn so với thôn Phước Sơn, xã Đức Hiệp hiện nay. Nhưng cũng chỉ có tên xã Phước Sơn, chứ chưa có tên ấp/làng Bình An ở huyện Mộ Hoa. Xem “Minh Mạng tấu nghị” về việc cho thay đổi địa danh vào thời Minh Mạng (1820 - 1840), trong mục huyện Mộ Hoa, cũng không thấy thay đổi địa danh xã Phước Sơn cũng như các làng xã lân cận.
Đến năm Thiệu Trị thứ nhất - 1841, huyện Mộ Hoa đổi tên thành huyện Mộ Đức vì huý kỵ. Tuy nhiên, để tìm hiểu tên các làng xã ở huyện Mộ Đức sau lúc đổi tên, thì đến nay chúng tôi chưa tìm thấy tài liệu ghi chép nào, nên cũng không rõ ấp Bình An thôn Phước Sơn đã có từ thời Thiệu Trị (1841 - 1847) hay chưa. Nhưng đến thời Tự Đức (1847 - 1883), rõ ràng đã có tên ấp Bình An thôn Phước Sơn, thuộc huyện Mộ Đức, như chúng ta đã thấy trong đạo sắc ở trên.
Đến thời Đồng Khánh (1885- 1889), trong sách “Đồng Khánh địa dư chí” không còn ghi tên xã Phước Sơn, mà chỉ có ghi 2 ấp thuộc thôn Phước Sơn, đó là ấp Bình An và ấp An Sinh, là 2 ấp trong 21 xã, thôn, ti, vạn, ấp, thuộc tổng Lại Đức, huyện Mộ Đức.
Như vậy, có thể thấy, địa danh (xã) Phước Sơn đã có ít nhất từ thời Gia Long (1802 - 1820), còn “ấp Bình An thôn Phước Sơn”, theo 4 bản sắc phong còn ở đình Phước Chánh và “Đồng Khánh địa dư chí” thì đã có ít nhất từ thời Tự Đức, qua thời Đồng Khánh, đến cả thời Duy Tân (1907 - 1916).
Vì sao đình Phước Thành lưu giữ 4 sắc phong?
Theo “Địa chí huyện Mộ Đức”, xuất bản năm 2008, trong mục về xã Đức Chánh có viết: Vào năm 1935, địa danh ấp Bình An thôn Phước Sơn đã được đổi làm thôn Vĩnh Thành, rồi Phước Thành, và sau nhập vào xã Đức Chánh, là một trong 6 thôn nằm trong xã này. Sau năm 1975, toàn bộ thôn Phước Thành đổi thành thôn 1. Địa điểm có đình Phước Thành tọa lạc - nơi còn lưu giữ 4 sắc thần, là nơi giáp ranh 3 xã Đức Chánh, Đức Hòa, Đức Hiệp. Từ sân đình Phước Thành (xã Đức Chánh) ra đến đất ruộng của thôn Phước Sơn (xã Đức Hiệp) chỉ chừng 10m, cách một bờ mương.
Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, ranh giới đất đai của các làng xã thay đổi ít nhiều cũng là điều không có gì ngạc nhiên và đình làng Phước Thành thờ Thành hoàng ấp Bình An thôn Phước Sơn xưa cũng là điều dễ hiểu.
NGUYỄN ĐĂNG VŨ - PHẠM TUẤN VŨ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: