Những ngôi nhà của người dân ở tổ dân phố Làng Dầu, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) lọt thỏm dưới chân núi Vang Cà Vãi. |
Nhiều hộ dân ở thôn Gò Lã, xã Sơn Dung (Sơn Tây) cũng đối mặt với nhiều rủi ro vì núi sạt, đường có nguy cơ bị cắt do lũ quét và sạt lở đất. Tuyến đường bê tông từ trung tâm xã Sơn Dung đến thôn Gò Lã hiện có nhiều điểm bị “khuyết” tạo hàm ếch, trong đó đoạn cuối tuyến bị hư hỏng hoàn toàn, mặt đường bị sập, tạo hố sâu lớn, khiến việc đi lại của 203 hộ dân thôn Gò Lã gặp rất nhiều khó khăn. Người dân phải đi tạm vào tuyến đường đất trong rẫy keo, vừa bất tiện, lại nguy hiểm mỗi khi có mưa bão. Trưởng thôn Gò Lã Đinh Xuân Sơn cho biết, đường bị chia cắt, vách núi Cà Sim xuất hiện những vết nứt lớn, đất và đá phía trên có thể sạt xuống bất cứ lúc nào, gây nguy hiểm cho người đi đường và các hộ dân dưới chân núi. Người dân thôn Gò Lã, đặc biệt là 33 hộ sinh sống dưới vách núi Cà Sim luôn sống trong cảnh lo sợ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Trường Giang cho biết, hàng trăm hộ dân có nhà ở dưới chân núi, hoặc dọc các sông, suối... đang đối mặt với nguy cơ bị lũ ống, lũ quét trong mùa mưa bão. Huyện đã chủ động các phương án sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn, nhưng về lâu dài cần có biện pháp căn cơ trong việc chống sạt lở, an cư cho người dân.
Đảm bảo an toàn hồ chứa
Hồ chứa nước Nước Trong, xã Sơn Bao (Sơn Hà) có dung tích khoảng 289,5 triệu mét khối, là một trong 10 hồ thủy lợi lớn nhất trong cả nước. Vì vậy, công tác đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình luôn được chú trọng.
Hồ chứa nước Lỗ Tây, xã Bình Thanh (Bình Sơn) đang được các đơn vị tập trung thi công, gắn với triển khai các phương án đảm bảo an toàn hồ chứa |
Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động tham quan du lịch trong lòng hồ đã tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho hồ chứa, nhất là trong mùa mưa bão. Các phương tiện chở hành khách tham quan lòng hồ chứa nước Nước Trong chủ yếu được cải hoán từ các loại tàu thuyền, nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đăng ký phương tiện đường thủy và giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật. Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hà Thế Vinh cho biết, hoạt động này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, có thể dẫn đến những rủi ro về người cũng như làm mất an toàn công trình. Trước thực trạng này, công ty đã nhiều lần nhắc nhở chủ phương tiện và thông báo với chính quyền địa phương, nhưng tình trạng trên vẫn chưa được xử lý triệt để.
Công tác đảm bảo an toàn hồ chứa, đặc biệt là tại những hồ đang thi công sửa chữa, nâng cấp cũng được Sở NN&PTNT lưu ý các địa phương, cơ quan và đơn vị liên quan. Tại công trình hồ chứa nước Lỗ Tây và Hố Chuối, xã Bình Thanh (Bình Sơn), Sở NN&PTNT đã chỉ đạo nhà thầu chủ động xây dựng phương án, chuẩn bị vật tư, nhân lực đầy đủ theo phương châm “4 tại chỗ”, để chủ động ứng phó với những tình huống thiên tai có thể xảy ra.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Võ Quốc Hùng yêu cầu các đơn vị quản lý, vận hành và khai thác hồ chứa, công trình thủy lợi tập trung kiểm tra, bảo dưỡng, nâng cấp các hệ thống vận hành, quan trắc, cửa tràn xả lũ. Đồng thời, bố trí nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, trong đó có máy phát điện dự phòng gắn với duy trì nghiêm chế độ trực 24/24 giờ tại các hồ đập... nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn công trình, bảo vệ người và tài sản vùng hạ du.
Bài, ảnh: MỸ HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: