Phòng ngừa cháy, nổ khi sử dụng điện thoại

09:02, 22/08/2023
.

(Baoquangngai.vn)- Việc sử dụng điện thoại không đúng cách có thể gây ra nhiều rủi ro, trong đó có nguy cơ cháy, nổ khi sử dụng điện thoại đang sạc pin, gây nguy hiểm đến tính mạng người dùng.

Nguy hiểm khi cháy, nổ điện thoại

Thời gian qua, đã xảy ra nhiều trường hợp bị điện giật, điện thoại phát nổ khi vừa sử dụng điện thoại, vừa sạc pin. Ngày 5/8/2023, một phụ nữ ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) bị dập nát bàn tay, vỡ nhãn cầu mắt phải, đa chấn thương vùng mặt do điện thoại bị nổ khi vừa sử dụng, vừa sạc pin. Trước đó, ngày 4/6/2023, một bé trai 7 tuổi ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) bị điện giật do sử dụng điện thoại lúc đang sạc pin, khiến em này tử vong… Ở Quảng Ngãi, trước đây cũng có một trường hợp tại huyện Sơn Hà đã phải nhập viện cấp cứu, bị thương ở vùng mặt, tay, chân do điện thoại phát nổ khi vừa sử dụng điện thoại, vừa sạc pin.

Sử dụng điện thoại lúc sạc pin dễ gây cháy, nổ.
Sử dụng điện thoại lúc sạc pin dễ gây cháy, nổ.

Một trong những nguyên nhân gây chập điện, cháy, nổ điện thoại là việc sử dụng pin và các loại sạc kém chất lượng, không tương thích; sạc pin điện thoại trong môi trường có nhiệt độ cao hoặc ẩm ướt; điện thoại bị rơi, va chạm nhiều lần, lỗi kỹ thuật bên trong máy. Ngoài ra, việc tải xuống và cài đặt ứng dụng, phần mềm không an toàn từ các nguồn không đáng tin cậy, có thể tiềm ẩn mã độc hoặc phần mềm độc hại, dẫn đến quá trình hoạt động không ổn định của điện thoại di động, tăng nguy cơ chập điện và cháy, nổ.

Khi sử dụng điện thoại lúc sạc pin, nguồn điện vừa được nạp vào pin và xả ra, quá trình hoạt động liên tục sẽ gây nóng điện thoại, nhất là những điện thoại vỏ bọc kim loại nguyên khối, hay sử dụng thêm ốp lưng điện thoại. Nhiều người thường bỏ qua vấn đề này và cho rằng điện thoại nóng lên là điều bình thường. Thực tế, việc duy trì điện thoại trong trạng thái nóng kéo dài sẽ gây ra nhiều tác hại. Khi sức nóng đạt đến mức tối đa có thể gây cháy nổ hay rò rỉ bo mạch bên trong.

Hiện nay, điện thoại, pin, các loại bộ chuyển nguồn điện, cáp sạc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có những loại tự chế kém chất lượng được bán trôi nổi trên thị trường. Một phần do người sử dụng không hiểu biết về chất lượng sản phẩm, một phần vì sản phẩm được bán với giá rẻ. Đồng thời, việc sử dụng sai cách cũng có thể dẫn đến nguy cơ điện giật hoặc xảy ra cháy, nổ điện thoại.

Nhiều bộ chuyển nguồn, cáp sạc giá rẻ được rao bán trên các ứng dụng điện tử.
Nhiều bộ chuyển nguồn, cáp sạc giá rẻ được rao bán trên các ứng dụng điện tử.

Điện thoại rò điện, phát nổ lúc sạc pin để lại hậu quả nặng nề, gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Bác sĩ Ngô Đình Giảng - Phó Trưởng khoa Chấn thương, Chỉnh hình - Bỏng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, những vết thương do nổ gây ra thường phức tạp hơn các vết thương khác. Tổn thương mô mềm thường phức tạp hơn, chất bẩn bị luồn sâu vào trong các mô nhiều, dễ gây tình trạng nhiễm trùng và điều trị trong thời gian dài.

 Việc sử dụng điện thoại lúc sạc pin luôn tiềm ẩn nguy hiểm, nhất là đối với trẻ em. Trên thực tế, nhiều phụ huynh vì không có nhiều thời gian dành cho con nên để con tự quản lý, sử dụng điện thoại, và đã có nhiều sự việc đau lòng xảy ra do trẻ sử dụng điện thoại lúc đang sạc pin. Do đó, đòi hỏi sự cảnh giác, quan tâm, hướng dẫn từ người lớn về các rủi ro khi sử dụng điện thoại lúc sạc pin, để trang bị cho trẻ kiến thức sử dụng điện thoại an toàn.

Biện pháp đề phòng cháy, nổ

Người dùng không nên sử dụng điện thoại lúc sạc pin, nhất là thời điểm trời có dông sét sẽ càng nguy hiểm hơn. Để sử dụng điện thoại an toàn, người dùng nên sạc pin điện thoại ở môi trường khô ráo, mát mẻ, có thể tắt điện thoại trong quá trình sạc pin để tránh tăng nhiệt độ và rủi ro cháy, nổ. Nên sử dụng cáp sạc và bộ sạc từ nhà sản xuất uy tín để tránh nguy cơ điện giật và hư hỏng. Khi tay ẩm ướt không tiếp xúc với điện thoại đang sạc pin để ngăn ngừa nguy cơ điện giật. Trong quá trình sạc, nếu phát hiện điện thoại quá nóng thì ngừng sạc và tắt nguồn để làm mát điện thoại. Ngoài ra, người dùng lưu ý cài đặt ứng dụng từ các nguồn đáng tin cậy.

Một chiếc điện thoại bị cháy ở vị trí chân sạc.
Một chiếc điện thoại bị cháy ở vị trí chân sạc.

“Để nâng cao tinh thần cảnh giác, giúp người dân làm tốt công tác phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) luôn đưa nội dung tuyên truyền, khuyến cáo về phòng cháy, nổ điện thoại vào các lớp huấn luyện nghiệp vụ và các buổi tuyên truyền kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH cho người dân và lực lượng PCCC cơ sở”, Thượng uý Nguyễn Xuân Thức, cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH chia sẻ.

Bài, ảnh: TÀI ĐỨC

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:02, 22/08/2023

Ý kiến bạn đọc


.