(Báo Quảng Ngãi)- Ở huyện Minh Long đang lan tỏa mô hình đảng viên hỗ trợ để người dân thoát nghèo. Việc làm ấy vừa thể hiện vai trò đầu tàu gương mẫu của đảng viên trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, vừa tiếp sức để hộ nghèo có điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống.
Nghĩa cử nhân văn
Gia đình bà Đinh Thị Thúc từng là một trong những hộ nghèo nhất thôn Hà Xuyên, xã Long Hiệp (Minh Long). Căn nhà của bà Thúc xuống cấp, xập xệ, cuộc sống thiếu trước hụt sau, thậm chí thiếu đói mùa giáp hạt. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi kể từ khi Bí thư Chi bộ thôn Hà Xuyên Đinh Gôm đồng hành cùng gia đình bà Thúc trong phát triển kinh tế.
Bí thư Chi bộ thôn 3, xã Long Hiệp (Minh Long) Phạm Tấn Luật (bên phải) chia sẻ với anh Trần Tấn Hùng về kinh nghiệm và quy trình, chăm sóc cây keo giống. Ảnh: Mỹ Hoa |
Từ kinh nghiệm sản xuất của mình, ông Gôm động viên gia đình bà Thúc chỉnh trang vườn nhà, trồng rau chăn nuôi theo mô hình vườn - ao - chuồng, để vừa cải thiện chất lượng bữa ăn, vừa tạo nguồn thu nhập "lấy ngắn nuôi dài". Tiếp đến là hướng dẫn bà Thúc thay đổi thói quen sản xuất lúa, chuyển từ sử dụng lúa để gieo sạ sang dùng các loại giống như KD18, MT10... Tuy còn ngần ngại, nhưng nhìn gia đình ông Gôm vụ nào cũng được mùa, lúa phơi đầy sân, nên bà Thúc cũng mạnh dạn học hỏi, làm theo.
“Noi theo các đảng viên, tôi sẽ cố gắng, làm ăn khấm khá hơn nữa để có thể giúp đỡ những người khó khăn hơn mình". Ông ĐINH VĂN ĐÈO,
|
"Nhờ ông Gôm và Chi bộ thôn Hà Xuyên tận tình thông tin, hướng dẫn cơ cấu giống, lịch thời vụ, quy trình chăm sóc, nên ruộng lúa nhà tôi đã tốt dần. Năng suất lúa cũng tăng lên, từ 39 tạ/ha vào năm 2019 lên gần 46 tạ/ha trong vụ đông xuân 2022 - 2023. Qua đó, không chỉ giúp gia đình tôi thoát cảnh thiếu ăn mùa giáp hạt, mà còn có lúa gạo để tạo nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi trâu, bò, gà, vịt. Gia đình tôi làm theo ông Gôm nên tới nay cũng lúa đầy, trâu nhiều. Nhà cửa được xây dựng khang trang. Ngoài ra, tôi còn sắm sửa được một số thiết bị điện tử phục vụ đời sống sinh hoạt gia đình", bà Thúc chia sẻ.
Bà Thúc còn bảo, cũng nhờ ông Gôm tư vấn và hỗ trợ, mà bà giữ lại rẫy chè và chăm sóc cẩn thận. Nhờ đó, cây chè ngày càng xanh tốt, mang lại cho gia đình nguồn thu nhập ổn định. Tuy đã thoát nghèo vào năm 2022, nhưng bà Thúc sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để phát triển kinh tế, giúp cuộc sống khấm khá và tốt đẹp hơn.
Anh Trần Tấn Hùng, ở thôn 3, xã Long Hiệp cũng phấn khởi vì có việc làm, thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu qua sự đồng hành, giúp đỡ của Bí thư Chi bộ thôn 3 Phạm Tấn Luật. Xuất thân từ nghèo khó, ông Luật đã nỗ lực rất nhiều trong hành trình thay đổi chất lượng cuộc sống. Ông trải qua nhiều nghề, từ làm keo thuê, đến thu mua keo nguyên liệu, rồi đầu tư xây dựng vườn ươm và cung ứng cây keo giống. Vì thế, ông Luật đồng cảm và thấu hiểu sự vất vả, lo toan của những hộ có hoàn cảnh khó khăn. Trong quá trình cung ứng cây giống lâm nghiệp, nếu biết khách hàng là hộ nghèo, cận nghèo thì ông Luật “bán trước trả sau”. Hộ nào khó khăn quá thì ông giảm giá, thậm chí là cho không.
"Ông Luật không chỉ tận tình chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật ươm, giâm hom các giống keo, mà còn cho tôi mượn cây giống và vốn không lấy lãi. Qua đó, giúp gia đình tôi có điều kiện ổn định, tiến đến mở rộng quy mô và phát triển vườn ươm theo hướng đa dạng cây giống, đảm bảo chất lượng", anh Hùng bày tỏ.
Đảng viên phải đi trước, làng nước theo sau. Nghĩ vậy nên ông Luật luôn nỗ lực phát triển kinh tế để thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Cuộc sống ổn định, ông Luật lại mạnh dạn trao đổi kinh nghiệm và sẵn sàng hỗ trợ những hộ có hoàn cảnh khó khăn cùng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. Tấm lòng của ông Luật được người dân trong thôn trân trọng, quý mến.
Lan tỏa phong trào
Không chỉ ông Gôm, ông Luật mà thời gian qua, đã có nhiều đảng viên trên địa bàn huyện Minh Long âm thầm đồng hành cùng người dân thoát nghèo. Với uy tín, trách nhiệm và suy nghĩ “không để ai bị bỏ lại phía sau”, các đảng viên, bí thư chi bộ đã lặng lẽ đồng hành, giúp đỡ hộ nghèo bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực. Các bí thư chi bộ, đảng viên đã tăng cường tuyên truyền, khơi gợi tinh thần nỗ lực và ý chí thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế của người dân theo phương thức “mưa dầm thấm lâu”. Kêu gọi người dân trong các thôn, xóm đoàn kết, sẻ chia với những trường hợp khó khăn theo phương châm “hộ khá giúp hộ khó” qua việc hỗ trợ vốn, cây giống, phân bón, hoặc chi bộ đỡ đầu hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...
Đảng viên Chi bộ thôn An Thanh, xã Thanh An (Minh Long) gặp gỡ, trò chuyện cùng các hộ dân trong thôn. Ảnh: Mỹ Hoa |
Tại thôn An Thanh, xã Thanh An (Minh Long) có 146 hộ, nhưng có đến 43 hộ nghèo. Đau đáu với câu chuyện thoát nghèo của người dân, các đảng viên trong Chi bộ thôn An Thanh đã bàn bạc, thống nhất triển khai thực hiện mô hình “đảng viên giúp đỡ, chi bộ đỡ đầu”. Đảng viên tham gia đồng hành cùng người dân thoát nghèo là những người uy tín “nói dân nghe, làm dân tin”. Các đảng viên thường xuyên lắng nghe, tìm hiểu nguyện vọng, nhu cầu của từng hộ để có hướng giúp đỡ phù hợp.
"Ở thôn có nhiều hộ nghèo, cận nghèo rời quê đi đến các tỉnh Tây Nguyên để hái cà phê thuê, nên tôi vận động họ ở lại, làm việc tại các đội công nhân xây dựng. Ngoài tìm giúp việc làm, tôi còn tư vấn và hướng dẫn họ cách quay vòng tiền lương bằng cách đầu tư phát triển kinh tế kiểu lấy ngắn nuôi dài. Nhờ vậy, nhiều trường hợp đã hăng hái lao động sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo", đảng viên Đinh Văn Chia, Chi bộ thôn An Thanh, cho biết.
Là một trong 4 hộ thoát nghèo vào năm 2022 của thôn An Thanh, ông Đinh Văn Đèo bộc bạch, gia đình tôi ít đất rẫy, cũng chẳng có trâu, bò hay vườn chè. Làm lúa thì mùa được, mùa mất vì chưa nắm bắt kỹ thuật sản xuất. Vì vậy thu nhập chẳng có là bao, cuộc sống khó khăn và thiếu thốn lắm. May có đảng viên ở thôn thường xuyên động viên và giúp cây giống, hướng dẫn làm vườn, cách chăm sóc trâu, bò, quy trình sản xuất lúa, nên gia đình tôi có cơ hội phát triển kinh tế. "Bây giờ, lúa của gia đình tôi đủ ăn quanh năm, còn dùng cho chăn nuôi heo, gà. Trâu, bò nuôi ít mắc bệnh, bán được giá. Kinh tế gia đình được cải thiện, cuộc sống no đủ, không còn phải lo thiếu cái ăn, cái mặc như trước. Noi theo các đảng viên gương mẫu, tôi phải cố gắng làm ăn khấm khá hơn nữa để có thể giúp đỡ những người khó khăn hơn mình", ông Đinh Văn Đèo bày tỏ.
Hình ảnh đảng viên niềm nở “cầm tay chỉ việc” cho người dân, rạng rỡ khi họ bội thu mùa lúa, được giá lứa trâu, bò, ai cũng thấy ấm áp. Sợi dây kết nối giữa ý Đảng - lòng dân vì thế cũng thắm đượm hơn, bền chặt hơn.
Nhân rộng mô hình Theo Bí thư Huyện ủy Minh Long Nguyễn Mạnh Thái, đảng viên “kèm” dân thoát nghèo vừa là nghĩa cử giàu tính nhân văn, vừa thể hiện được vai trò đầu tàu, gương mẫu trong lao động sản xuất phát triển kinh tế. Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành kế hoạch triển khai phát động phong trào thi đua nhân rộng mô hình này nhằm nêu cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn các gia đình có phương án và cách sản xuất phù hợp để tự thoát nghèo. Hoạt động này đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện. Đây cũng là cơ hội để đảng viên và các chi, đảng bộ cơ sở nắm bắt, giải quyết kịp thời nguyện vọng của nhân dân, tạo niềm tin của người dân đối với Đảng. |
MỸ HOA