Nhiều lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện

09:03, 11/05/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chính sách BHXH tự nguyện không vì mục tiêu lợi nhuận. Người tham gia BHXH tự nguyện được thụ hưởng nhiều quyền lợi thiết thực. Phóng viên Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc BHXH tỉnh Trương Quang Hùng về nội dung này.

Ông Trương Quang Hùng.    Ảnh: Tr.An
Ông Trương Quang Hùng.    Ảnh: Tr.An

PV: Xin ông cho biết tính ưu việc của chính sách BHXH tự nguyện?

Ông Trương Quang Hùng: Từ khi triển khai Nghị quyết số 28 - NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về cải cách chính sách BHXH, BHXH tỉnh cùng với BHXH cả nước thực hiện đồng bộ các nội dung cải cách để mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu hằng tháng khi đủ điều kiện. Điều kiện để hưởng lương hưu đối với nam, nữ tham gia BHXH tự nguyện là 20 năm. Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động (NLĐ) tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. Sau khi đóng đủ số năm, NLĐ hưởng mức lương hưu cao hơn nhiều so với mức đóng và định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ BHXH để đảm bảo cuộc sống.

Bên cạnh đó, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt quá trình hưởng lương hưu, với mức hưởng bằng 95% chi phí khám, chữa bệnh. Thân nhân người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng chế độ tử tuất, nếu người đóng BHXH tự nguyện qua đời, với chế độ trợ cấp mai táng. Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện có thời gian đóng BHXH tự nguyện từ đủ 60 tháng trở lên hoặc người đang hưởng lương hưu khi qua đời, người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở. Trường hợp người đang hưởng lương hưu mất thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần.

PV: Nhà  nước có chính sách hỗ trợ và hình thức đóng BHXH tự nguyện như thế nào, thưa ông?

Ông Trương Quang Hùng: Khi tham gia BHXH tự nguyện, người dân sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể: Hỗ trợ bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng khác. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của người tham gia, nhưng tối đa không quá 10 năm (120 tháng).

Người lao động khi tham gia BHXH tự nguyện còn được lựa chọn phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân: Có thể đóng định kỳ hằng tháng; 3 tháng một lần; 6 tháng một lần; 12 tháng một lần; nhiều năm một lần (không quá 5 năm/lần). Bên cạnh đó, có thể đóng 1 lần cho những năm còn thiếu (không quá 10 năm) để đủ điều kiện hưởng lương hưu. 

PV: Thời gian gần đây, có nhiều người rút BHXH một lần, ông cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Ông Trương Quang Hùng: Đến đầu tháng 5, BHXH tỉnh đã giải quyết quyết BHXH một lần cho khoảng 3.793 người, với số tiền hơn 117 tỷ đồng. Tỷ lệ rút BHXH một lần năm nay cao hơn so với các năm trước. Trước thực trạng trên ngành BHXH khuyến cáo: NLĐ nhận BHXH một lần chỉ giải quyết được nhu cầu trước mắt, về sau NLĐ sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Nếu NLĐ rút một lần, NLĐ không còn trong hệ thống BHXH được Nhà nước bảo hộ, mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng - nguồn thu nhập ổn định, hữu ích khi về già.

Mặt khác, khi rút BHXH một lần, NLĐ mất đi cơ hội được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu, trong khi đó, tuổi già thường xảy ra nhiều bệnh tật nên rất cần được hỗ trợ y tế. Số tiền NLĐ nhận BHXH một lần thiệt hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH, Nếu NLĐ hưởng BHXH một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Như vậy, nếu lĩnh BHXH một lần, NLĐ sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014. Đó là chưa kể khi người rút BHXH một lần không may qua đời thì thân nhân không được hưởng chế độ tử tuất.

PV: Vậy đâu là giải pháp để giúp NLĐ tiếp tục tham gia BHXH khi gặp khó khăn?

Ông Trương Quang Hùng: Người lao động nên bảo lưu thời gian tham gia BHXH tự nguyện, thay vì nhận BHXH một lần. Trường hợp gặp khó khăn trước mắt (do mất việc làm, giảm sút thu nhập gây nên) NLĐ hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH, để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện. Trong thời điểm này, nếu không may bị thất nghiệp, NLĐ nên đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp học nghề rồi chuyển nghề để vượt qua khó khăn. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc 5 lần mức lương tối thiểu vùng. Người lao động cũng được hưởng chế độ BHYT theo quy định để khám, chữa bệnh BHYT khi không may ốm đau; được hỗ trợ học nghề (tối đa 1 triệu đồng/người/tháng); được hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề...

PV: Xin cảm ơn ông!


TRƯỜNG AN (thực hiện)


TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 


Ý kiến bạn đọc


.