Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi: Thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai tại địa phương

23:22, 29/04/2023
.
(Baoquangngai.vn)- Đất đai thuộc sở hữu toàn dân được xác lập từ Hiến pháp năm 1980 (dự thảo Hiến pháp năm 1980 được cho ý kiến tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV); tiếp tục được khẳng định qua nhiều văn kiện của Đảng, Hiến pháp và gần nhất là tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã nhấn mạnh và làm rõ hơn quan điểm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.

Thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai
Để đầu tư Khu đô thị- dịch vụ và công nghiệp VSIP, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua nghị quyết chuyển đổi nhiều diện tích đất trồng lúa của người dân.
Để đầu tư Khu đô thị- dịch vụ và công nghiệp VSIP, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua nghị quyết chuyển đổi nhiều diện tích đất trồng lúa của người dân.

Luật Đất đai cũng quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai, đồng thời giao cho Quốc hội, Chính phủ, HĐND và UBND các cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai. Đối với HĐND cấp tỉnh, từ khi Quốc hội thông qua Luật Đất đai năm 2013, thì quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai của HĐND tỉnh được tăng cường. Ngoài việc thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thông qua bảng giá đất và giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai tại địa phương như Luật Đất đai năm 2003, thì HĐND tỉnh còn thông qua việc thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng theo thẩm quyền.
Thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai, từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực (ngày 1/7/2014) đến nay, HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành 30 nghị quyết, trong đó bao gồm 25 nghị quyết về thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ sang đất phi nông nghiệp; 4 nghị quyết về giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất; 1 nghị quyết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.

Đối với việc thông qua danh mục thu hồi đất, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII đã thông qua danh mục thu hồi đất của 700 công trình, với diện tích khoảng 5.631 ha. Sau khi HĐND tỉnh thông qua, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện, làm cơ sở thực hiện bồi thường, thu hồi và giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Đối với việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ sang đất phi nông nghiệp, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII đã thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất 318 công trình, với diện tích đất lúa khoảng 313 ha, đất rừng phòng hộ hơn 14 ha. Thực tế trên cho thấy, nhu cầu thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai để phát triển kinh tế-xã hội của địa phương là rất lớn. Do đó, việc làm thế nào để vừa đáp ứng được yêu cầu phát triển, vừa đảm bảo triển khai các quy trình thủ tục theo quy định pháp luật là rất quan trọng.  

Đề cao trách nhiệm quyền đại diện chủ sở hữu

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền kiểm tra việc cấp phép khai thác các mỏ đất phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền kiểm tra việc cấp phép khai thác các mỏ đất phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam.

Để thực hiện tốt quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai theo quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong thời gian qua HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII đã thực hiện một số biện pháp, giải pháp, gồm: Tổ chức nhiều kỳ họp HĐND tỉnh để kịp thời thông qua danh mục công trình phải thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ. Thực tế cho thấy, đã có 10/13 kỳ họp của HĐND tỉnh khóa XIII có phát sinh việc trình HĐND tỉnh nội dung này. Nhờ vậy, phần nào hạn chế được việc các địa phương đưa vào danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất những công trình chưa đủ điều kiện.

Hội đồng nhân dân tỉnh cũng chỉ đạo rà soát, kiểm soát ngay từ bước đầu để đảm bảo thông qua danh mục những công trình đủ điều kiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Nếu chưa đủ điều kiện thì sau khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện phải chờ hoàn tất thủ tục, chờ bố trí vốn mới thực hiện bồi thường, thu hồi đất; ảnh hưởng việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất, cũng như quyền của người sử dụng đất.

Kết quả quá trình rà soát sau thẩm tra, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII đã thống nhất không đưa vào danh mục thu hồi đất của 276 công trình, diện tích 3.824 ha và danh mục chuyển mục đích sử dụng đất của 123 công trình với diện tích đất lúa 159 ha, đất rừng phòng hộ hơn 11 ha.
Thường trực HĐND tỉnh thường xuyên tổng hợp những vấn đề khó khăn, vướng mắc khi thực hiện pháp luật về đất đai tại địa phương, gửi trực tiếp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, những vướng mắc về thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trong Khu kinh tế Dung Quất quy định tại Điều 62, Điều 151 Luật Đất đai năm 2013 đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tiếp thu ngay từ bước đầu xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Mặt khác, Thường trực HĐND tỉnh còn thông qua kênh ý kiến, kiến nghị cử tri gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội, nhờ vậy mà những khó khăn, vướng mắc của chính quyền địa phương được các cơ quan liên quan của trung ương trả lời kịp thời.

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Quảng Ngãi phải thu hồi diện tích đất khá lớn, nhưng tỉnh đã chủ động thực hiện, đến nay giải phóng mặt bằng được hơn 70% diện tích.
Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Quảng Ngãi phải thu hồi diện tích đất khá lớn, nhưng tỉnh đã chủ động thực hiện, đến nay giải phóng mặt bằng được hơn 70% diện tích.

Tăng cường công tác giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai tại địa phương vừa để thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai, vừa nâng cao năng lực của HĐND tỉnh Quảng Ngãi trong việc thực hiện chức năng quyết định đối với các nội dung khác thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai. HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã giao cho Thường trực và các Ban HĐND tỉnh thực hiện nhiều nội dung giám sát chuyên đề. Riêng năm 2023 sẽ thực hiện 2 chuyên đề giám sát về lĩnh vực đất đai, gồm: Tình hình thực hiện công tác tái định cư trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 – 2022; Việc lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các huyện, thị xã, thành phố. Trước đó, HĐND tỉnh đã có những chuyên đề giám sát được cử tri, nhân dân quan tâm, như giám sát việc thực hiện các dự án khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2011-2017.

Ngoài ra, HĐND tỉnh cũng đã đổi mới, nâng cao chất lương hoạt động giám sát nói chung và lĩnh vực đất đai nói riêng. Trước hết là đổi mới phương thức giám sát, trong đó kết hợp giám sát qua báo cáo, nghiên cứu hồ sơ, giám sát thực tế và làm việc trực tiếp với đối tượng được giám sát. Các kiến nghị sau giám sát đều nêu cụ thể, không kiến nghị chung chung, để làm cơ sở cho việc thực hiện cũng như đánh giá kết quả giải quyết kiến nghị sau giám sát. Tuy nhiên, việc giải quyết kiến nghị đối với các giám sát chuyên đề về đất đai vẫn còn chậm, do tính chất phức tạp và liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân.

Nhìn chung, trong giai đoạn vừa qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, kế thừa và học tập kinh nghiệm của HĐND các khóa trước, HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, từng bước đổi mới hoạt động trên nhiều mặt công tác và đạt được những kết quả nhất định, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


Cần nghiên cứu, bổ sung hoàn chỉnh dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý
Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý tại dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Trong thời gian đến, để thực hiện tốt hơn quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai, thiết nghĩ cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh một số nội dung thuộc phạm vi quyền hạn của HĐND cấp tỉnh tại dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Cụ thể là, về kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) quy định căn cứ, nội dung kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện gồm “danh mục các công trình, dự án đã có chủ trương đầu tư” là chưa đảm bảo về tính khả thi để thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích trong năm kế hoạch, nhất là đối với dự án đầu tư công phải chờ phê duyệt dự án, bố trí kế hoạch vốn thực hiện đầu tư. Quy định này, vô hình chung dẫn đến việc xác định chỉ tiêu sử dụng đất không sát và ảnh hưởng kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất, trong khi Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu việc xác định chỉ tiêu sử dụng đất phải phù hợp với nhu cầu sử dụng đất, tránh lãng phí trong phân bổ, quản lý và sử dụng đất.

 Về thời hạn thực hiện kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện, Luật Đất đai năm 2013 quy định trong 3 năm, nhưng từ thực tế của các địa phương, có những công trình do nhiều nguyên nhân như vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, công trình dạng tuyến, công trình có quy mô diện tích đất lớn..., sau 3 năm vẫn còn dở dang, chưa hoàn thành việc thu hồi đất. Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang dự thảo quy định là 2 năm, nhưng căn cứ, nội dung đưa vào kế hoạch sử dụng đất cấp huyện lại “mở hơn” so với pháp luật về đất đai hiện hành, nhất là đối với các dự án đầu tư công “chỉ cần có chủ trương đầu tư” nên khả năng thực hiện kế hoạch sử dụng đất trong 2 năm càng khó hơn đối với các địa phương.

 Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) hiện nay cũng quy định hết thời hạn thực hiện kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện mà chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ. Thực tế đã có vướng mắc khi thực hiện Luật Đất đai năm 2013 đối với nội dung quy định này, nên cần đánh giá kết quả thực hiện tại các địa phương thời gian qua, đánh giá những vấn đề phát sinh khi phải thực hiện điều chỉnh, hủy bỏ những công trình do nguyên nhân khách quan, sau 3 năm vẫn còn dở dang, chưa hoàn thành việc thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất.  Từ đó, có thêm cơ sở xem xét việc cần thiết quy định thêm những trường hợp được kéo dài việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng của HĐND cấp tỉnh (dự án Luật Đất đai sửa đổi quy định bổ sung đất rừng sản xuất), căn cứ các văn bản pháp luật hiện hành về đất đai, dự án thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất và có rừng phòng hộ, sẽ có 3 lần phát sinh thủ tục trình HĐND tỉnh (có trường hợp 4 lần nếu là dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của HĐND tỉnh): (1) Trình thông qua danh mục thu hồi đất để UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất; (2) Trình cho chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng (một trong các điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng là phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất); (3) Trình chuyển mục đích sử dụng đất (tại Điều 68a Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ quy định một trong các điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là có phương án trồng rừng thay thế hoặc văn bản hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; để được phê duyệt phương án trồng rừng thay thế thì phải có chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo Thông tư số 25/2020/TT-BNNPTNT). Do đó, cần nghiên cứu tích hợp các thủ tục đối với trường hợp này, vừa giảm thủ tục cho tổ chức, công dân nhưng vẫn đảm bảo về thành phần hồ sơ, thủ tục để HĐND tỉnh xem xét, quyết định.

Giải phóng mặt bằng phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam (đoạn qua Quảng Ngãi)
Giải phóng mặt bằng phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam (đoạn qua Quảng Ngãi).

Để HĐND tỉnh thực hiện tốt quyền mà cử tri và nhân dân giao cho, ngoài việc HĐND phải tiếp tục tự đổi mới, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động, thì một điều hết sức quan trọng là quy định của pháp luật về đất đai phải được tường minh, cụ thể, thống nhất. Chính vì thế, HĐND tỉnh Quảng Ngãi rất quan tâm đến việc tham gia góp ý kiến dự án Luật Đất đai (sửa đổi), cụ thể Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã tham gia 63 ý kiến qua 3 lần được giao chủ trì, phối hợp tham gia góp ý kiến dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Có thể nói, từ thực tiễn sinh động của địa phương, HĐND tỉnh Quảng Ngãi nhận thấy vai trò, vị thế của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương ngày càng được thể hiện rõ nét, thông qua việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương và qua hoạt động giám sát, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai. Điều đó, góp phần khẳng định thực chất và hiệu quả bản chất nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

ĐẶNG THỊ ÁNH
TIN,BÀI LIÊN QUAN

Ý kiến bạn đọc


.