(Báo Quảng Ngãi)- Kể từ Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hội Sinh vật cảnh (SVC) tỉnh đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện hoạt động của UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan; sự tham gia nhiệt tình của hội viên, những người yêu thích nghệ thuật cây cảnh. Các phong trào thi đua làm SVC, trồng cây tại cơ quan, công sở, trường học, các tuyến đường nông thôn... ngày càng lan tỏa sâu rộng.
Phong trào SVC đã có nhiều đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Đồng thời cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.
Các đại biểu dự ngày Bonsai - Mai vàng huyện Nghĩa Hành lần thứ I, năm 2023. Ảnh: Lương Hữu Nhơn |
Chủ tịch Hội SVC tỉnh Trần Bảo Phát chia sẻ, thế mạnh hàng đầu về SVC của tỉnh trong những năm qua là, các cấp hội từ tỉnh đến cơ sở đã duy trì nhiều loại hình sinh hoạt như câu lạc bộ cây cảnh nghệ thuật, đá cảnh, đá phong thủy, hoa phong lan, cây mai vàng... Kinh phí hoạt động của các câu lạc bộ dựa trên nguyên tắc tự nguyện và chủ động của các hội viên. Thông qua các câu lạc bộ đã tạo sân chơi cho các hội viên có niềm đam mê cây cảnh trao đổi học tập kinh nghiệm về tạo dáng, thế tác phẩm cây cảnh theo những nét chấm phá trong nghệ thuật bonsai như “cổ, kỳ, mỹ, văn”.
Để phục vụ cán bộ, nhân dân và khách tham quan thưởng lãm nghệ thuật SVC, được sự đồng ý, cho phép và chỉ đạo của UBND tỉnh, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh và Hội SVC tỉnh sẽ tổ chức triển lãm, hội thi, hội chợ SVC tỉnh Quảng Ngãi mở rộng năm 2023 tại Quảng trường đường Phạm Văn Đồng (TP.Quảng Ngãi), từ ngày 16 - 27/4/2023. Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng tỉnh Quảng Ngãi (24/3/1975 - 24/3/2023) và Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023). |
Hằng năm, Hội SVC tỉnh, các địa phương, câu lạc bộ tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, triển lãm, hội thi cây cảnh nghệ thuật, chim hót nhân các ngày lễ, Tết. Điển hình như các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, Bình Sơn, TX.Đức Phổ, TP.Quảng Ngãi, các xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi), Hành Trung (Nghĩa Hành), Phổ Phong (TX.Đức Phổ). Mỗi hội thi, triển lãm SVC đều để lại những ấn tượng sâu sắc cho người dân địa phương và khách tham quan.
Những năm qua, phong trào SVC trên địa bàn tỉnh phát triển đa dạng và phong phú về các chủng loại như cây bonsai, gỗ lũa, chim hót, hoa phong lan... Một số nhà vườn đạt doanh thu từ 100 triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm từ phong trào SVC. Tiêu biểu như các nhà vườn SVC Khánh Nguyễn (Tư Nghĩa), Phương Mai, Hoàng Vũ, Thái Thuận (TP.Quảng Ngãi), Võ Hòa (TX.Đức Phổ). Các nhà vườn này đã góp phần tạo nên sự đa dạng SVC, chuyển đổi cơ cấu cây trồng tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân.
Bên cạnh phát triển các loại hình cây cảnh nghệ thuật, cây thế, mô hình trồng, chăm sóc các loại hoa phong lan, địa lan phát triển mạnh. Câu lạc bộ Hoa lan tỉnh được thành lập gần 10 năm, do ông Phan Văn Ơn làm chủ nhiệm, có hơn 80 hội viên. Trong đó có nhiều hội viên sở hữu nhà vườn hoa phong lan quy mô, đẹp như các nghệ nhân Nguyễn Văn Quỳnh, Nguyễn Cường (TP.Quảng Ngãi), Võ Khắc Dũng (Nghĩa Hành).
Trong hoạt động văn hóa SVC, Hội SVC tỉnh đã cử nghệ nhân tham gia và tuyển chọn tác phẩm SVC trưng bày trong các hội thi: Cây Bonsai Festival tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk; cây Bonsai Châu Á Thái Bình Dương tại TP.Hồ Chí Minh; cây mai vàng tại TP.Đà Nẵng. Những tác phẩm SVC tham gia hội thi, trưng bày được ban tổ chức đánh giá cao và đoạt nhiều huy chương vàng, bạc, đồng...
Du khách chiêm ngưỡng những cây mai có giá trị kinh tế cao tại thôn Xuân Vinh, xã Hành Đức (Nghĩa Hành). Ảnh: MỸ HOA |
Cùng với cây bonsai và mai vàng, Quảng Ngãi còn nổi tiếng về truyền thống trồng hoa cúc tại các xã Nghĩa Hà, Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi), Nghĩa Hòa, Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), Đức Chánh (Mộ Đức)... Vào các ngày giáp Tết hằng năm, thông qua các thương lái, nhà vườn xuất bán cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh hàng chục nghìn chậu hoa cúc, hoa hồng, thược dược các loại. Ngoài ra, nhiều sản phẩm gỗ lũa, chim hót, chậu cảnh... cũng ngày càng phát triển.
Hội SVC tỉnh phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, Sở Xây dựng tổ chức Hội thảo chuyên đề “cây xanh đô thị, đồng bằng, ven biển Quảng Ngãi đến năm 2030”. Đồng thời tích cực tham gia các cuộc hội thảo, tư vấn, phản biện, giám định xã hội do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức; góp ý dự án Làng hoa và cây cảnh xã Nghĩa Dõng.
Hội Sinh vật cảnh tỉnh tổ chức trưng bày các loại sinh vật cảnh. Ảnh: Lương Hữu Nhơn |
Cùng với lãnh đạo các hội SVC huyện Nghĩa Hành, TP.Quảng Ngãi, các nhà vườn SVC trong tỉnh tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực SVC, nhằm thúc đẩy phong trào SVC không ngừng phát triển. Hội SVC tỉnh còn tổ chức trao danh hiệu “Nhà vườn SVC tiêu biểu toàn quốc” năm 2021 cho 3 chủ nhà vườn là nghệ nhân Phương Mai (TP.Quảng Ngãi), nghệ nhân Phan Bình (Nghĩa Hành), nghệ nhân Khánh Nguyễn (Tư Nghĩa). Ngoài ra, tổ chức buổi ra mắt “Ngày Bonsai - Mai vàng” huyện Nghĩa Hành lần thứ I, năm 2023.
Hội SVC tỉnh, đặc biệt là những người làm và chơi SVC trên địa bàn tỉnh, với niềm đam mê lớn lao vẫn tiếp tục cần mẫn, tìm tòi, sưu tầm, trao đổi cây cảnh, các tác phẩm nghệ thuật và thường xuyên chăm sóc các vườn cây cảnh luôn xanh tốt. Thú chơi nhân văn này đang dần trở thành một ngành kinh tế sinh thái phổ quát tới các tầng lớp nhân dân, đưa phong trào SVC của Quảng Ngãi ngày càng phát triển.
LƯƠNG HỮU NHƠN