Hơn 55 năm giữ nghề làm quạt mo cau

08:34, 10/05/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ở thôn Kỳ Thọ Nam 2, xã Hành Đức (Nghĩa Hành), có một người phụ nữ hơn 55 năm gắn bó và giữ nghề làm quạt mo cau, đó là bà Trương Thị Sáu (70 tuổi).
 
Theo bà Sáu, nghề làm quạt mo cau đã gắn liền từ thời cha ông của bà. Ngày ấy, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ bà một mình nuôi 4 người con, nên từ nhỏ, bà đã phụ giúp mẹ nhặt mo cau làm quạt. Năm 15 tuổi, khi thấy mẹ bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man, bà Sáu đã tình nguyện viết đơn tham gia cơ sở trong vùng địch.
 
Ngoài những lúc tham gia công tác liên lạc, cung cấp tin tức cho cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Bà Sáu làm quạt mo cau để đổi gạo hoặc bán lấy tiền mưu sinh qua ngày. Bà Sáu cho hay: “Ngày ấy, tôi vừa tham gia cơ sở, vừa làm quạt mo cau rồi mang đi khắp nơi trong tỉnh để bán. Cũng chính công việc mưu sinh này, mà tôi ngụy trang thuận lợi, biết được nhiều tin tức của địch, để cung cấp cho cán bộ, chiến sĩ cách mạng”. 
Bà Trương Thị Sáu, ở xã Hành Đức (Nghĩa Hành) gắn bó 55 năm với nghề làm quạt mo cau.                                          Ảnh: Hải Châu
Bà Trương Thị Sáu, ở xã Hành Đức (Nghĩa Hành) gắn bó 55 năm với nghề làm quạt mo cau. Ảnh: Hải Châu
Để tạo ra những chiếc quạt mo cau dẻo dai, đẹp mắt, bà Sáu chọn lọc những tàu cau khô vừa rụng, bẹ to, trắng nõn, không rách, không mốc. Trước khi tiến hành làm, mo cau phải được ngâm qua đêm với nước cho mềm, sau đó dùng kéo cắt tạo hình quạt. Để phần tay cầm được cứng cáp, bền hơn, bà khéo léo uốn nắn 2 bên viền tay quạt vào giữa, rồi nẹp cố định lại tay cầm bằng một chiếc xiên tre. Cuối cùng, đem quạt mo cau đi phơi dưới nắng non một tuần, phía trên dùng gạch hay đá chèn xung quanh để quạt được phẳng phiu.
 
Ngày trước, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn đủ bề, nhất là chưa có điện, nên quạt mo cau là đồ dùng không thể thiếu trong mỗi gia đình. Do vậy, sản phẩm quạt mo cau của bà Sáu được nhiều người ưa chuộng. Qua thời gian, đời sống ngày càng phát triển, quạt mo cau dần đi vào quên lãng, thay vào đó là các loại quạt máy hiện đại và tân tiến hơn. Dẫu vậy, trong suốt hàng chục năm qua, người phụ nữ lớn tuổi này vẫn cần mẫn gắn bó, giữ nghề làm quạt mo cau truyền thống.
 
Bà Sáu trải lòng: “Thời chiến tranh chưa có điện, nghề làm quạt mo cau giúp tôi có nguồn tiền trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, hơn 30 năm nay, thu nhập từ nghề làm quạt mo cau rất thấp. Hiện nay, thỉnh thoảng, tôi làm theo đơn đặt hàng từ các cụ già, khu du lịch, từ những khách hàng yêu thích sản phẩm truyền thống. Dù số lượng đơn đặt hàng không nhiều, nhưng nhiều người vẫn yêu thích, tìm mua những chiếc quạt mo cau của tôi, nên tôi cảm thấy rất vui, không nỡ bỏ nghề, thấm thoắt cũng đã gắn bó với nghề suốt 55 năm nay”.
 
Với bà Sáu làm quạt mo cau không chỉ là nghề để kiếm thêm thu nhập, mà là kỷ niệm, gắn liền với cả cuộc đời của bà trong những ngày gian khó. Với ý nghĩa ấy, những chiếc quạt mo cau của bà Sáu vẫn tiếp tục được làm ra, phục vụ nhu cầu của khách hàng.
 
HẢI CHÂU
 
 

.