Tư Nghĩa: Thiếu nhân lực y tế, cơ sở vật chất xuống cấp

07:05, 01/05/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đó là thực trạng ở huyện nông thôn mới Tư Nghĩa hiện nay. Một số trạm y tế xã xuống cấp nghiêm trọng, trong khi đội ngũ bác sĩ có trình độ chính quy ở tuyến huyện, xã đều thiếu, ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám, chữa bệnh cho người dân.
[links()]
Cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng
 
Thời tiết giao mùa, các loại bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu tăng cao trên địa bàn huyện Tư Nghĩa. Tại Trạm Y tế xã Nghĩa Điền, bình quân mỗi tháng có khoảng 400 bệnh nhân đến khám và điều trị. Từ đầu tháng 3 đến nay, số lượng bệnh nhân tay chân miệng, sốt xuất huyết tăng cao. Tuy nhiên, cơ sở vật chất ở trạm hiện không đảm bảo cho công tác khám và điều trị... 
Trạm Y tế xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) hiện đã xuống cấp, không đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Trạm Y tế xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) hiện đã xuống cấp, không đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Theo Trưởng Trạm Y tế xã Nghĩa Điền Lê Quang Huynh, ban đầu trạm chỉ có 2 phòng, được xây dựng từ năm 1995. Năm 1999, được Sở Y tế nâng cấp thêm 5 phòng; đến năm 2006, thông qua dự án Plan (tổ chức viện trợ phi chính phủ) trạm được hỗ trợ xây dựng thêm 3 phòng. Do chỉ được mở rộng diện tích xây dựng thêm phòng một cách chắp vá, nên đến nay, cơ sở vật chất không đảm bảo. Nhiều phòng ẩm thấp, hư hỏng không thể sử dụng được. Mặt bằng Trạm Y tế xã Nghĩa Điền thấp so với mặt đường Tỉnh lộ 624 hơn cả mét, nên mùa mưa bị ngập sâu, gây khó khăn trong công tác khám và điều trị cho người dân.
 
“Mỗi mùa mưa đến, trạm bị ngập sâu trong nước, người dân không đến trạm khám bệnh được. Như đợt bão số 9 năm 2020, khiến Trạm bị tốc mái, nước ngập cả mét, cơ sở hư hỏng buộc phải dừng hoạt động trong 3 tháng liền. Trong khi bệnh nhân bị bệnh đường ruột, đau mắt đỏ, viêm da và bệnh mãn tính được cấp thuốc theo diện BHYT tăng cao”, ông Lê Quang Huynh chia sẻ.
 
Hằng năm, Trạm Y tế xã Nghĩa Điền có khoảng 10 nghìn lượt người đến trạm khám, điều trị và sơ cấp cứu ban đầu. Tuy nhiên, những lúc mưa bão hay dịch bệnh xảy ra, trạm phải loay hoay ứng phó. Như đợt dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn tỉnh, theo quy định tất cả cơ sở khám, điều trị bệnh ở cơ sở đều phải tuân thủ theo phương án phòng, chống dịch, nhưng Trạm Y tế xã quá ọp ẹp, nên không thể phân luồng bố trí theo lối khám bệnh một chiều. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh hô hấp phải khám chung với bệnh nhân mắc bệnh thông thường...
 
Thiếu nguồn nhân lực 
 
Từ năm 2016, Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa bắt đầu thực hiện tự chủ kinh phí; đến năm 2020 thì tự chủ 100% kinh phí hoạt động phần khám và điều trị. Tuy nhiên, hiện đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn chính quy thiếu hụt trầm trọng, ảnh hưởng đến công tác điều trị nội trú ở đơn vị. Hiện Trung tâm có 157 biên chế chính thức và 14 hợp đồng (trong đó có 28 bác sĩ). Nhưng đa số các bác sĩ được đào tạo tại chỗ, từ y sĩ học nâng cao lên. Còn đối với 19 bác sĩ  tuyến xã, cũng được đào tạo từ y sĩ.  
 
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa Lê Tiên cho biết: Khó khăn nhất đối với trung tâm hiện nay là tự chủ kinh phí, nhưng trình độ chuyên môn, thiết bị ở đơn vị tuyến huyện và tuyến xã chưa thể triển khai một số kỹ thuật mới, để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh cho người bệnh, trong khi chính sách thu hút nguồn nhân lực bác sĩ trẻ thì còn hạn hẹp. Tâm lý bác sĩ trẻ ra trường đều có xu hướng tìm việc ở tuyến trên.
 
Cơ sở vật chất y tế trên địa bàn huyện Tư Nghĩa vừa thiếu, vừa xuống cấp. Trong 5 năm đến, số bác sĩ có trình độ chuyên môn nghỉ hưu nhiều. Do đó, nếu không có sự quan tâm đầu tư của ngành chức năng, huyện Tư Nghĩa ngay từ bây giờ, thì công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn sẽ rất khó đảm bảo.
 
Bài, ảnh: TRƯỜNG AN
 
 
 

.