(Báo Quảng Ngãi)- Bác sĩ Dương Quang Hùng sinh năm 1955 tại Quảng Ngãi. Anh không chỉ khoác trên mình chiếc áo blouse trắng để mang lại niềm vui cho mọi người, mà còn gắn bó với cây đàn ghi ta trong hình ảnh một nhạc sĩ - ca sĩ đích thực. Dù tạm biệt cõi thế khi đang ở độ tuổi giàu sức sáng tạo vì bệnh hiểm nghèo, nhưng anh vẫn kịp để lại cho đời những ca khúc trữ tình sâu lắng, thiết tha tình yêu cuộc sống, con người...
![]() |
Tôi không phải là một người am hiểu hay quá đam mê âm nhạc, nhưng âm nhạc thường đến với tôi rất tình cờ và ở lại trong tôi như một lẽ tự nhiên khi tôi gặp những ca từ đẹp trong một giai điệu đẹp. Ca khúc “Màu xanh thời gian” do nhạc sĩ Dương Quang Hùng phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của cố nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu là một ví dụ, có một thời gian dài tôi luôn lẩm nhẩm một mình những câu hát trong ca khúc này: “Trong cơn đau nghiệt ngã càng hiểu hơn lòng em/ Người nối dài nhịp sống ngày thường ta dễ quên...”.
Tôi được biết, trong một lần nằm viện, nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu cảm kích trước sự chăm sóc tận tình của các y, bác sĩ, ông đã chắp bút viết bài thơ “Màu xanh thời gian” như một lời tri ân dành cho họ và dường như có một mối lương duyên định sẵn, bác sĩ - nhạc sĩ Dương Quang Hùng đón nhận ngay bài thơ và mang âm nhạc đến cho lời thơ cất cánh. Tâm hồn giàu yêu thương của bác sĩ - nhạc sĩ Dương Quang Hùng đã thẩm thấu sâu sắc gửi gắm của người làm thơ đến những người thầy thuốc ngày đêm thầm lặng bên giường bệnh.
Trong ca khúc này, Dương Quang Hùng giữ lại gần như nguyên vẹn ý tứ của bài thơ nhưng những nhấn nhá của một nhạc sĩ có nghề đã khiến cho lời thơ trở nên da diết hơn: “Đôi khi ta vô tình/ Đôi khi ta vô tình/ Để một ngày ở lại/ Đôi khi ta vô tình/ Đôi khi em vô tình/ Để một ngày ở lại...”. Phải chăng Dương Quang Hùng muốn khẳng định cái “đôi khi” ta hay em “để một ngày ở lại” chính là cái ngày tất cả đều “hiểu hơn lòng em”, “trong cơn đau nghiệt ngã”? Bởi vì, là một lương y, hơn ai hết bác sĩ Dương Quang Hùng hiểu và đồng tình với ý tứ của nhà thơ khi “ngày thường ta dễ quên” những người đã dành cả cuộc đời mình để chọn một nghề vất vả với tâm nguyện “nối dài sự sống” cho mọi người. Có lẽ đây chính là lý do, cái giai điệu ngân lên từ sâu thẳm tâm hồn người nghệ sĩ, bên trong chiếc áo blouse trắng lại da diết và xúc động đến vậy.
![]() |
Tôi yêu thích cái cách mà nhạc sĩ - bác sĩ Dương Quang Hùng làm nhạc, xóa bỏ mọi ranh giới giữa các câu thơ, dùng âm nhạc để kết nối lời thơ và chủ ý lặp lại một ý thơ nào đó, anh kể lại câu chuyện của tâm hồn người bệnh - thi sĩ và người chữa bệnh - nhạc sĩ một cách tự nhiên: “Trong cơn đau nghiệt ngã càng hiểu hơn lòng em/ Người nối dài nhịp sống ngày thường ta dễ quên/ Em trong anh một nửa cho đời ta bớt đau/ Em trong anh một nửa cho mình luôn có nhau...”. Sự thăng hoa trong sáng tạo của nhạc sĩ - bác sĩ Dương Quang Hùng được thể hiện rõ nhất ở phần cuối ca khúc này, người nghe có thể cảm nhận được chất lãng tử, nhiệt huyết của người nghệ sĩ trong sự hòa điệu giữa ca từ và âm nhạc: “Câu thơ nào đẹp vậy xanh suốt cùng thời gian như hương hoa ngào ngạt nhớ vầng trăng long lanh/ Em trong anh một nửa như vầng trăng long lanh”. Nhạc sĩ thêm một chút lời và thay vài từ thôi đã khiến cho ý thơ thanh thoát, đượm tình hơn.
Nhạc sĩ - bác sĩ Dương Quang Hùng và nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu đều đã an nhiên nơi cõi khác, nhưng những câu thơ, những giai điệu đẹp cất lên từ tâm hồn họ vẫn ở lại trong “Màu xanh thời gian” cùng những người thầy thuốc ngày đêm tận tụy “nối dài nhịp sống” cho bao người với tinh thần: “Một chiếc lá vàng rơi/ màu xanh dường không đổi”.
TRẦN THU HÀ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: