(Báo Quảng Ngãi)- Thơ viết về người lính trong các cuộc kháng chiến thường được triển khai theo hai mạch chính, đó là lòng yêu nước thiết tha và tình đồng chí, đồng đội. Hai mạch nguồn này đã tạc nên hình tượng người lính với tình yêu Tổ quốc thiêng liêng và chan chứa tình yêu thương.
Nhà thơ Chính Hữu đã khắc họa hình ảnh người lính trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với những góc nhìn mới mẻ nhưng thấm sâu tình cảm của con người thời chiến. Có lẽ, lần đầu tiên trong thi ca kháng chiến Việt Nam xuất hiện hình ảnh người chiến sĩ vệ quốc với những chi tiết mộc mạc, chân chất. Họ ra trận mà mang cả hồn cốt quê hương theo cùng: “Anh với tôi đôi người xa lạ/ Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau/ Súng bên súng, đầu sát bên đầu/ Đêm rét chung chăn, thành đôi tri kỷ” (Đồng chí - Chính Hữu). Những con người xa lạ từ các làng quê, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã khoác ba lô lên đường. Là nông dân nên những người lính vệ quốc trở thành những “đôi tri kỷ” trong tình yêu thương đồng chí, đồng đội một cách chân thực, mộc mạc, chân thành. Dù mỗi người xuất thân mỗi hoàn cảnh, số phận không giống nhau nhưng cuộc chiến với môi trường khắc nghiệt đã khiến họ xích lại gần gũi, gắn bó nhau hơn: “Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh/ rét run người, vầng trán ướt mồ hôi”. Trong ranh giới tiệm cận giữa cái sống và cái chết, ánh lên rực rỡ nghĩa tình của những người đồng cam, đồng cảnh, đồng cảm. Sự giao thoa cộng hưởng của những nghĩa tình mới mẻ ấy đã hội tụ nên một tiêu điểm: Đồng đội. Khái niệm đồng đội lần đầu tiên xuất hiện với tất cả các sắc thái, được nhận thức với một định nghĩa cụ thể chính xác và đầy đủ trong thơ ca: “Năm mươi sáu ngày đêm bom gầm, pháo dội/ Ta mới hiểu thế nào là đồng đội/ Đồng đội ta/ Là hớp nước uống chung/ Là nắm cơm bẻ nửa/ Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa/ Chia khắp anh em một mẩu tin nhà/ Chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp/ Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết” (Giá từng thước đất - Chính Hữu).
![]() |
Đại tá Lương Đình Chung - Phó Chính ủy Quân khu 5 tặng hoa, động viên tân binh ở TP.Quảng Ngãi lên đường nhập ngũ. Ảnh: T.PHƯƠNG |
Chiến tranh như một cơn bão dữ quật lên cuộc đời, số phận, ở đó sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Đứng trước sự lựa chọn khó khăn và nghiệt ngã ấy, bản chất người lính hiện lên như một ngôi sao sáng lung linh về tình yêu đồng loại, về một nhân cách sống cao đẹp trong cuộc đời mỗi con người mà chúng ta cần hướng tới. Nơi chiến hào máu lửa, đối mặt với quân thù, mọi ranh giới sẽ rõ ràng, nói như nhà văn Chu Lai: “Không có chỗ cho sự giả trá nương náu, cái gì ra cái ấy, chẳng thể lập lờ đánh lận con đen. Cái cao cả, cái thấp hèn, cái trung thực, điều vị tha và sự độc ác... bao giờ cũng được bộc lộ đến tận cùng”. Nhà thơ Thanh Thảo đã cụ thể hóa thước đo phẩm giá lòng người bằng thực tại chiến trường. Nơi đây, con người đến với nhau mang theo trái tim chân thành và tấm lòng ấm áp của nghĩa tình đồng đội để họ có thể tự hào, có thể ngẩng cao đầu mà nhìn nhau, nhà thơ cho rằng: “Nơi máu đổ phải sống bằng thực chất/ Nơi cao nhất thử lòng ta yêu đất nước/ Thử lòng ta chung thủy vô tư/ Nơi vỡ vụn dưới chân ta những mảng đêm hèn nhát/ Những gương mặt ngẩng lên lấp lánh chất người” (Thử nói về hạnh phúc - Thanh Thảo). Trong kháng chiến, những người lính sống với nhau là chân thành, là dám vì đồng đội mà hy sinh. Tâm hồn người lính là tấm gương soi tất thảy những trong lành của sắc trời xanh và của cả ngày nắng: “Thế hệ chúng tôi không sống bằng kỷ niệm/ Không dựa dẫm vào hào quang có sẵn/ Lòng vô tư như gió chướng trong lành/ Như sắc trời ngày nắng tự nhiên xanh” (Một người lính nói về thế hệ mình - Thanh Thảo). Những câu thơ trên ẩn chứa tâm trạng sâu kín mà dữ dội, cái dữ dội bùng nổ ở bên trong tâm hồn của một người lính đã trải qua hết thảy những khắc nghiệt của chiến trường. Và đấy cũng chính là những lời khẳng định rằng, cái thời ấy, đồng chí, đồng đội chúng tôi sống với nhau như thế.
Cùng mạch viết ấy, Nguyễn Đức Mậu viết về hình ảnh bạn bè, đồng chí rất đỗi thiêng liêng, cảm động. Nhà thơ gửi nỗi niềm thương tiếc, xót xa vào hương trầm bên mộ người bạn, người đồng chí đã ngã xuống: "Đất đắp mộ Hùng, bom trộn lẫn/ Cây trầm cháy dở thay nén nhang” (Nấm mộ và cây trầm - Nguyễn Đức Mậu). Tình đồng chí, đồng đội của những người lính trở thành tiếng nói chung cho tình đoàn kết, yêu thương, đùm bọc, chở che nhau trong những năm tháng chiến tranh. Khi chiến đấu hay trong đời sống hằng ngày, tình cảm người lính trở thành những bức tranh đẹp về tình người, về lẽ sống qua bao nhiêu mất mát, hy sinh: "Trong chiến đấu một điều đơn giản nhất/ Mỗi con người đều biết sống thương nhau/ Đều muốn thành công sự chở che nhau” (Công sự trên điểm cao - Nguyễn Đức Mậu).
Tình đồng chí, đồng đội cao cả như mạch nước ngầm cứ tuôn chảy bất tận, tiếp nối hết thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là một tình cảm thiêng liêng đã trở thành ý thức hệ, một lối sống đẹp của cả dân tộc Việt Nam trong những năm chiến tranh. Khi đất nước hòa bình, tình cảm ấy vẫn mãi thắp sáng theo năm tháng. Những người lính từ mọi miền quê hương lên đường nhập ngũ. Mỗi con người trong số họ có những cá tính, những đặc điểm khác nhau nhưng trải qua bao bom đạn dập vùi, trải qua bao hiểm nguy cay đắng, tình đồng chí, đồng đội trở thành hai tiếng thiêng liêng, là điểm tựa, là sức mạnh giúp nhau vượt qua những tháng năm nhiều gian khó.
VÂN ĐAM
TIN, BÀI LIÊN QUAN: