(Báo Quảng Ngãi)- Chiều đi làm về, tự nhiên chị thấy lòng chộn rộn. Nhất thời chị không thể gọi tên sự chộn rộn này là gì, bởi chị không có thói quen quan sát chung quanh (đầu tắt mặt tối, có rảnh đâu mà quan sát). Làm công nhân may, chị chúi đầu chúi cổ vào đường kim mối chỉ, sợ sản phẩm lỗi sẽ bị quản đốc ghi sổ, trừ điểm, trừ lương, có nguy cơ mất việc.
Tan ca, chị ghé chợ khi nắng đã héo, chỉ còn lại vài sợi tơ chiều. Bó rau đã bị tăng thêm 3 nghìn. Mớ cá vụn bèo nhèo cũng nhích lên 5 nghìn một ký. Thấy chị đứng tần ngần, người bán, một bà to béo oang oang: “Lúa tháng Giêng tiền tháng Chạp”. Xung quanh chị, kẻ bán người mua phàn nàn về “giá Tết” với thái độ cam chịu. Tết mà! “Đời từ muôn thuở” giá Tết có bao giờ xuống đâu. Không cam chịu thì làm gì nhau?
MH: VÕ VĂN |
Chị đọc trên mạng thấy có cái clip nói về “thiền buông bỏ” bằng phương pháp theo dõi hơi thở cho tâm an, dễ ngủ. Chị nghĩ cũng hay, mình đang làm quần quật, mệt đứt hơi. Biết đâu hơi thở “đứt gãy” được nối lại nhờ thiền. Sau vài lần thực hành “tôi đang hít vào, tôi đang thở ra”, chị thấy giấc ngủ càng thêm xa. Ngược lại, chị nghe rõ mồn một tiếng thở dài của chính mình, thấy rõ căn nhà đơn sơ ngoài quê, thấy rõ cái dáng tất bật của ba mở cửa chuồng bò khi sương chưa tan, thấy rõ dáng mẹ quày quả gánh rổ rau tươi ra chợ sớm. Những lam lũ thực tại bày ra trước mắt. Thôi, mình “thiền” trong xưởng với cái máy may được rồi. Thiếu tiền gửi về quê phụ ba mẹ lo Tết thì có thiền, có buông bỏ kiểu gì rồi cũng chỉ thấy những tờ tiền “cứu rỗi” lả tả bay trong những giấc chiêm bao.
Anh Hai, huyện đội phó, gọi điện hỏi 23 tháng Chạp em về được chưa, anh 29 mới chính thức nghỉ. Sau đó lại phải bù đầu trực chiến, xuống cơ sở kiểm tra tình hình. Em coi sắp xếp về sớm, “hợp tác” với con Út lo bánh trái bếp núc phụ mẹ. Phần dọn dẹp trang hoàng nhà cửa để anh lo.
Năm trước, mấy anh em mình “chốt” rồi, phải xáp vô lo Tết, không để mẹ lục đục cả nửa tháng trời, rồi ê ẩm, mỏi mệt, giao thừa không dậy nổi. Nói dại miệng, mẹ sắp thành “người muôn năm cũ”, đầu gối kêu “răng rắc”, lưng thì còng chút nữa là “song song với mặt đất”. Chị cười thầm, lính tráng gì mà nói dẻo quẹo như “nhà thơ”, chữ nào chữ nấy kêu như sáo. “Nghỉ cũng có chính thức nữa hả anh? Vậy anh nghỉ không chính thức nhiều ngày rồi phải không?”. Chị nhắn dòng tin đó cho ông anh khả kính, không quên thả biểu tượng cái mặt cười. Ổng nhắn lại, cái con này, dám cạnh khóe anh mày à.
Khó ngủ. Chị bấm điện thoại “chát” với em gái là Út, giáo viên mầm non, vừa “mất chồng” mấy tháng nay. Chồng Út là thầu xây dựng. Tay này mê cá độ, uống bia nhiều hơn uống nước. Nhận làm trường tiểu học, gã đánh tráo vật tư từ loại tốt xuống thứ rẻ tiền. Trong khi công an điều tra, gã bỏ trốn cùng bồ nhí là phụ hồ, “không quên” mang theo con xe tay ga của Út. Út uất nghẹn, lặng câm. Hàng xóm xỉa xói, rủa “giùm” Út, cái thứ phá nhà mình, xây nhà cho gái thì ba đời ngóc đầu lên hổng nổi. Để rồi coi, ngữ đó sớm muộn gì cũng trôi sông lạc chợ!
Những tin nhắn sắm Tết giữa hai chị em lao xao trong đêm. Chị mua cái này, em mua cái kia, em làm món này, chị làm món nọ. Phải nói trước cho mẹ sớm để mẹ yên tâm, khỏi chạy tung chạy tột. Còn ông anh lính tráng, ổng lì xì ba mẹ đồng nào hay đồng đó.
Năm ngoái mua vé Tết khó khăn, chen lấn tới nỗi người dẹp lép như chiếc dép vẫn không được, chị quay ra mua vé chợ đen gần hai triệu bạc. Chiều xuống bến, chưa kịp chạm cửa xe chị đã bị phát hiện vé giả. Tứ cố vô thân. May nhờ công đoàn công ty can thiệp kiếm cho suất vé từ chuyến xe thiện nguyện cuối cùng, không thì chị có nước quay về phòng trọ khóc thầm. Năm đó chị chạm thềm nhà tối 29 Tết, coi như vắt qua ngày cuối năm. Người về lóng ngóng, vấp ngạch cửa muốn té. Mẹ mếu máo đứng vịn thành ghế. Mắt Út đỏ hoe. Ba lăng xăng xách mớ hành lý. Ông mắng yêu, thằng cha mày, miết bữa nay mới ló mặt về, cả nhà trông muốn chết.
Năm nay khỏi lo. Phân xưởng của chị tổ chức mua vé tập thể cho công nhân các tỉnh miền Trung. Ngày về cũng đẹp lắm: 25 tháng Chạp. Gọi điện cho Út, chị xúc động nói công ty tao năm nay chơi quá đỉnh. Chị khoe, cái hũ tiết kiệm dành để mua vé Tết được gần 3 triệu. Phấn khích thì hay “nổ”, chị nói riêng khoản “dôi dư” này, chị về “đốt” em như chơi. Nhắm mắt, chị nghe hương vị Tết quê nhà bay vào giấc ngủ.
Chị xuống xe nơi ngã ba cây gòn lúc mờ sáng. Đón chị là mùi gừng hăng nồng, mùi nếp thơm dịu, mùi cỏ ướt thanh tao, mùi rơm mộc mạc. Mùi mạ non lẫn mùi bông vạn thọ nữa, cứ bay ngoằn ngoèo trên đường quê đẫm sương. Lòng chị rộn ràng, chật ních, căng tràn niềm vui. Tết quê mở ra ngay từ đầu tháng chạp. Ai cũng có “tâm lý” Tết tới bên hè. Người quê nghe được lời đất quê. Họ lúi húi cuốc xới khoảnh sân nhà mình. Những gói bông vạn thọ khô treo giàn bếp từ sau Tết năm ngoái được gỡ xuống, rải đều trên từng luống. Rồi búp, rồi bông hé vàng lấm tấm miên man khắp xóm. Sân nhà chị rực rỡ hơn vì ngoài bông thọ, ba còn làm siêng gieo thêm mồng gà, móng tay, sao nhái. Tụi nó đua nhau bừng nở khiến đêm tháng Chạp chừng như ngắn hơn, và ngày dài hơn.
Chị ngã cái nong dưới mái hiên, lót lá chuối, dàn trận gói bánh chưng. Đội hình lá dong, nếp ngự, thịt mỡ, thịt ba chỉ, đậu xanh, các loại gia vị, bó lạt... xếp giăng giăng thấy vui con mắt. Út nói Tết nhà mình “cô” lại trong cái nong này đây. Chị cười, bộ mày không thấy Tết trên cái áo phông “Lovely” chị tặng hả? Út nói đẹp thì có đẹp, nhưng chữ “đáng yêu” dành cho ai đây? Em lỡ nhịp rồi. Giờ có áo nào in hình cái nong bánh rộn ràng này, giá mấy em cũng mua. Anh “bộ đội” đang bày biện nhà trong nói vọng ra, em đừng như chim chết hụt thấy cành cong là sợ. Anh có mối này, thằng thiếu úy đẹp trai mới trình diện cơ quan anh, nó chưa có gì hết nghen. Sĩ quan đàng hoàng đứng đắn chứ không ẩu tả cà chớn như “người cũ” của em đâu. Út bĩu môi, xin anh đi, em mệt hung rồi. Chị đưa mắt nhìn anh cười ý nhị, ông thiếu tá ơi, ông cứ để cho Út nó lấy lại thăng bằng cái đã.
Mẹ ngồi trên ghế dựa, bên cái nong bánh, móm mém cười. Khuôn mặt mẹ giãn ra nhẹ nhõm, mắt mẹ vui như vừa xong mùa gặt. Nhưng tay chân mẹ không yên, hay ngọ nguậy. Phải rồi, gần hết một đời cặm cụi tảo tần, tay liền miệng, miệng liền tay, đây là lần đầu mẹ buộc phải ngồi nhìn con cái gói bánh Tết. Với mẹ, hình như ngồi không chẳng khác nào bị... trói hai tay. Chiều hôm qua, chị và Út dìu mẹ xuống bếp, chỉ từng món đã hoàn thành cho mẹ “duyệt”: Nồi thịt kho, hũ thịt ngâm mắm, dưa chua, mứt gừng, mứt dừa, củ kiệu, bánh thuẫn, bánh bông lan... Mẹ ngỡ ngàng, xuýt xoa nói tiền đâu bay sắm dữ? Út cười, tiền từ hai bàn tay chăm chỉ chui ra đó mẹ. Tụi con không xéo xắt, tráo trở, lọc lừa ai... nên mẹ đừng nghi vấn. Mẹ nói cha tổ tụi bay, bay mà làm vậy thì một rừng của tao cũng đổ sông đổ biển.
Ông anh “dọa”, mẹ uống thuốc mà không nghỉ ngơi thì xương khớp mau “mục” lắm. Ba nhẹ nhàng, bà cố gắng dưỡng bệnh. Còn chuyện Tết nhứt, bốn cha con tui chia nhau lo. Mẹ sắp nhỏ thấy đó, ngoài sân bông không là bông đều do một tay tui trồng tỉa. Út “chọc” ba, con thấy ba trồng hai tay mà! Pha hài này khiến ai cũng cười. Mẹ vui lắm, nói cũng nhờ ba lũ nhỏ mà sân nhà năm nào cũng tươi nhứt xóm. Thiệt đó! Ông bà về ăn Tết thấy cái sân quá trời bông cũng thấy ấm lòng.
Gia đình “họp nóng” quanh nong bánh. Ba nhìn mẹ, mấy món Tết tụi nhỏ lo hết rồi. Bỗng ba nghiêm giọng, nồi bánh chưng đêm nay giao thằng thiếu tá (cách gọi anh Hai, vừa bỗ bã vừa tự hào). Nó chỉ huy ai mặc kệ, nhưng chiều tối nay nó phải làm hỏa đầu quân “chỉ huy” củi lửa, đánh đẹp mấy chục cái bánh chưng để đơm bàn thờ trước giao thừa. Ông thiếu tá đứng bật dậy chào cái rụp: “Tuân lệnh sếp. Con mà đánh thì tụi nó chín nhừ luôn”.
Hai chị em vừa gói bánh vừa râm ran trò chuyện. Ông bộ đội làm đẹp nhà xong cũng ngồi cà vui với mấy đứa em. Ba anh em mừng như trẻ nhỏ được mẹ mua quần áo Tết khi mẹ chịu bắc ghế ngồi coi con gái trổ tài nữ công gia chánh. Có lẽ hai “nàng” gói không khí ấm cúng, gói luôn nắng vàng trên vạt bông vạn thọ vô cái bánh chưng nên cái nào cái nấy vuông vức, xinh xắn. Câu chuyện len qua từng chiếc lá dong, từng hạt nếp, từng nuột lạt. Ai khéo đặt bày ra Tết để ngày tháng Chạp hối hả, để chiều ba mươi bận rộn, để đêm giao thừa thiêng liêng, để sáng mùng Một sum vầy. Hay thiệt nghen chị, Út nói, dù công lên chuyện xuống gì cũng phải xong trong chiều muộn cuối năm. Con tàu ngày mai đầu năm đầu tháng không nhận chở những món đồ cũ, những câu chuyện cũ.
TRẦN CAO DUYÊN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: