(Báo Quảng Ngãi)- Tháng 9 năm 1979, tôi và Ngô Thế Oanh được về Quy Nhơn (Bình Định) công tác. Những ngày đầu ở Quy Nhơn, chiều chiều tôi với Ngô Thế Oanh hay đạp xe đi lang thang trong thành phố, và chúng tôi gặp một người bạn từ trong kháng chiến của Oanh - anh Mai Hoàng.
Gặp chúng tôi, anh Mai Hoàng mừng lắm. Ngồi cà phê, anh Hoàng nói anh vừa đọc báo biết tin tôi được giải thưởng Hội Nhà văn nên rất vui. Hỏi ra mới biết anh quê Đức Phổ, từng tham gia kháng chiến, trong đội công tác của thị xã Quảng Ngãi, thường xuyên qua lại sông Trà. Cách thể hiện chân tình của Mai Hoàng khiến tôi mới gặp đã thân thiết ngay với anh. Những tháng ngày sau đó chúng tôi càng thân nhau hơn, Mai Hoàng hay đến nhà tôi đàm đạo chuyện văn chương, vì anh rất yêu văn học, nhất là yêu thơ. Tôi cũng đến chơi nhà Mai Hoàng, và biết gia đình anh cũng nghèo khó chẳng khác gia đình tôi, dù anh làm ở Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy.
Từ đó, hằng tuần chúng tôi đều gặp nhau, không ở quán cà phê thì ở nhà tôi. Vợ tôi cũng rất quý Mai Hoàng, và anh cũng hay ăn cơm với vợ chồng tôi. Dạo đó tôi tập trung viết trường ca, có những trang viết mới tôi đều đọc cho Mai Hoàng nghe. Tình bạn chúng tôi còn là tình tri âm. Năm 1982 khi tôi in bộ ba trường ca “Những ngọn sóng mặt trời”, Hội Văn nghệ Nghĩa Bình có gửi một cuốn biếu bác Phạm Văn Đồng. Bác Đồng đã gửi thư cho tôi, qua Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Quang Thắng, cảm ơn vì cuốn sách tặng. Anh Mai Hoàng nhân dịp này đã đưa ông Đỗ Quang Thắng tới nhà tôi, vừa thăm vừa xem cảnh sống khó khăn của gia đình. Sau đó, ông Thắng đã quyết định sẽ cấp cho gia đình tôi một căn hộ mới xây rộng rãi hơn. Tôi biết ơn Mai Hoàng vì chuyện đó.
Rồi chẳng bao lâu sau lại xảy ra một chuyện với gia đình Mai Hoàng, đúng là chuyện “cười ra nước mắt”. Số là, có một lần, một cậu đi xe máy tới nhà tôi xưng là nhà báo ở Báo Sài Gòn Giải Phóng, hôm đó Mai Hoàng đang ở căn hộ mới được cấp của gia đình tôi. Cậu ta đưa chúng tôi xem thẻ nhà báo hẳn hoi, ghi tên là Trần Trung Phương, Báo Sài Gòn Giải Phóng. Tin ngay thôi. Được gặp nhà báo từ Sài Gòn ra, Mai Hoàng rất vui. Anh nói, mời nhà báo về nhà anh ngủ một đêm cho biết nhà. Cậu nhà báo vui vẻ nhận lời. Sáng hôm sau, Mai Hoàng hớt hải chạy tới nhà tôi báo tin: “Ông nhà báo dậy sớm, quơ hết đồ nhà tôi đi mất rồi anh ơi!” Tôi sững sờ. Hỏi Mai Hoàng mất những gì, anh nói mất một số đồ gia dụng như phích nước, quần áo, chăn màn... Những thứ với gia đình nghèo như nhà Mai Hoàng và nhà tôi là “của nả lớn” rồi. Cậu “nhà báo” dỏm này lại đi xe máy, biết đâu mà tìm. Mãi sau này, tôi mới biết, cái thẻ nhà báo mang tên Trần Trung Phương là cậu ta ăn cắp của nhà thơ - nhà báo Hoài Anh, tên thật là Trần Trung Phương. Còn cái xe máy, cậu ta chôm của ai thì không biết. Có giấy tờ đầy đủ, thêm xe máy, thế là lên đường xuyên Việt chôm chỉa. Khổ thân bạn Mai Hoàng của tôi, lấy của ai không lấy, lại lấy đúng nhà nghèo.
Mai Hoàng thật thà, cả tin và quý người mới gặp như thế đó.
Những đồng đội hoạt động cùng Mai Hoàng trong kháng chiến ở Quảng Ngãi đều biết anh bị bom napal, những vết cháy còn lưu rất nhiều trên cơ thể. Bạn bè gọi anh là “Hoàng xăng” vì lẽ đó. Trước khi chia tỉnh mấy năm, Mai Hoàng bị đau nặng, từ di chứng của bom xăng, anh phải nằm ở bệnh viện Quảng Ngãi. Khi về Quảng Ngãi công tác, tôi có đến bệnh viện thăm anh, thấy bệnh tình anh rất nặng, khó qua khỏi. Hồi đó nằm bệnh viện nhưng thuốc thang chẳng có gì, nên bệnh nặng thì đành chịu. Người bạn Mai Hoàng của tôi qua đời ít lâu sau đó.
Anh mất đã mấy chục năm rồi, nhưng tôi vẫn nhớ anh, nhớ bài thơ “Vượt sông Trà” của anh viết từ những năm kháng chiến. Người đã mất, nhưng bài thơ vẫn còn. Có điều, tôi không giữ được bản thảo. Nhưng may quá, tôi nhớ tới một người bạn, chị Mai Nhung, từng ở chiến khu Quảng Ngãi, biết Mai Hoàng. Gọi điện cho chị Nhung, nhờ chị hỏi xem bạn bè của chị hồi đó có ai nhớ hay giữ bài thơ của Mai Hoàng thì cho tôi xin. Chỉ mấy ngày sau, chị Mai Nhung đã tìm được người bạn cùng hoạt động trong đội công tác với Mai Hoàng, và nhớ bài thơ “Vượt sông Trà”. May mắn quá, tôi đã có bài thơ trong tay. Xin giới thiệu với bạn đọc bài thơ này, một bài thơ thời kháng chiến nói lên cả lý tưởng và tính cách hồn hậu, chân thành của bạn tôi, anh Mai Hoàng.
THANH THẢO
Vượt sông Trà
MAI HOÀNG
Vượt sông Trà đêm nay không trăng sao
Gió thì thầm và sóng vỗ xôn xao
Mưa lất phất chập chờn pháo sáng
Thuyền lướt nhanh lòng ta nôn nao
Mỗi lần sang sông ta biết mình có thể
Nằm xuống đất này thơm ngát phù sa
Vui gì bằng những chuyến ta qua
Sóng Long Đầu như Bạch Đằng xung trận
Gió lùa bờ tre Thạch Bích gầm lên căm giận
Bờ xe nước chuyển mình như lịch sử đi qua
Lời anh Nghiêm thúc giục ta băng mình vươn tới
Ôi thị xã thân yêu trước mắt ta vẫy gọi
Có nghìn pháo đêm thắp sáng đợi chờ
Những phố phường đều cựa mình thao thức
Mỗi trụ đèn, mỗi ghế đá công viên
Cũng mang nỗi buồn đau nhức
Vì phố mẹ ta băng mình lướt tới
Vì trận cuối cùng ngày đêm mong đợi
Ta nguyện làm một mũi tên lao...
(Quảng Ngãi 1969)
TIN, BÀI LIÊN QUAN: