Tác giả - Tác phẩm: Cuốn tiểu thuyết hào hùng về Hải đội Hoàng Sa

14:58, 01/12/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là “Hùng binh”, cuốn tiểu thuyết lịch sử thứ hai của tác giả Đặng Ngọc Hưng, sau “Bạch Đằng dậy sóng”(2011). Tác phẩm được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2018, đoạt giải B Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2019, giải Tư Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020.

“Hùng binh” được xem là tác phẩm tiểu thuyết lịch sử đầu tiên và có quy mô tương đối đồ sộ về Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên quê hương Cù Lao Ré (Lý Sơn) năm xưa. Sách dày hơn 500 trang, với 20 chương vừa bao quát vừa gợi dẫn: 1. Cơn bão biển; 2. Những ngôi mộ chiêu hồn; 3. Đội hùng binh Hoàng Sa; 4. Lễ khao lề thế lính; 5. Đi về phía Hoàng Sa; 6. Đặt chân lên đảo Hoàng Sa; 7. Những ngày đầu tiên trên đảo Hoàng Sa; 8. Quần đảo Lưỡi Liềm; 9. Đảo Phú Lâm; 10. Hai chiếc thuyền đắm; 11. Một vụ cướp ghe; 12. Những ngày gian khó; 13. Vạn lý Trường Sa; 14. Đội Bắc Hải; 15. Trở về với đất mẹ; 16. Những chiếc thuyền lạ; 17. Ông Hoàng Sa; 18. Câu chuyện ở điện Thái Hòa; 19. Những nhiệm vụ mới và 20. Về với biển.

 

Cuốn tiểu thuyết này kể lại câu chuyện về đội Hùng binh Hoàng Sa ở Cù Lao Ré dưới thời vua Minh Mệnh. Tác phẩm xoay quanh cuộc đời nhân vật trung tâm Triều, chàng ngư dân can trường của làng An Vĩnh từ năm 17 tuổi đã theo chân ông nội cùng Hải đội ra trấn giữ Hoàng Sa. Truyện dần khép lại với chuyến đi Hoàng Sa cuối cùng của nhân vật Triều khi đã ngoài 50 tuổi và cũng là chuyến đi không bao giờ trở về nữa.
Dài theo cuộc đời của nhân vật Triều, tác phẩm khắc họa thành công biết bao hiểm nguy, gian khổ mà những người hùng binh đi làm nhiệm vụ nơi Hoàng Sa, Trường Sa “trời nước mênh mông” phải đối mặt. Đó không chỉ là bão tố cuồng phong trên biển, mà còn là âm mưu, thủ đoạn xâm lấn bất hợp pháp của kẻ thù. Đã có những binh phu nằm lại với biển cả thăm thẳm, “chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây”. Thậm chí, có chuyến đi bị bão lớn, 43 binh phu bị sóng cuốn mất, chỉ còn 2 ghe câu tả tơi trở về cửa biển Thuận An đến nỗi người bộ Công nhìn mà rơi nước mắt. Nhưng vượt lên những hy sinh, mất mát, những người binh phu anh hùng đã hoàn thành nhiệm vụ mà triều đình giao phó là cắm mốc xác lập chủ quyền tại các đảo nổi, thu nhặt hải vật, đo đạc thủy trình, cứu giúp tàu thuyền và ngư dân không may gặp nạn...

“Hùng binh”cũng thành công trong việc thể hiện vai trò của Triều đình Nhà Nguyễn đối với việc thực thi, bảo vệ chủ quyền đất nước tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là những mẩu chuyện sinh động tại điện Thái Hòa, nơi vua Minh Mệnh cùng các vị đại thần đưa ra nhiều quyết sách mang tầm nhìn chiếc lược lâu dài đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng trên.

Đặc biệt, không chỉ có những chuyến vượt biển đầy kịch tính, tác phẩm còn hấp dẫn bởi một lượng thông tin vô cùng phong phú, mới lạ. Chẳng hạn, đó là vẻ đẹp trù phú của Hoàng Sa, nơi phân chim dày đến 2 - 3 tấc, chim nhiều đến mức chỉ cần đứng im cũng có thể bắt được, nơi bãi trứng vích dày bạt ngàn vào mùa đẻ, nơi có những tấm mai vích to bằng thúng chai, 5 - 7 người ngồi lên vẫn không chìm... Những thông tin về việc tuyển người vào Hải đội, cách sinh tồn giữa biển khơi, cách bó người thả biển khi đồng đội nằm lại, việc làm hình nhân thế mạng, lễ khao lề thế lính, những lần Hải đội được cá Ông che chắn, những lần dùng dây chão đưa cá Ông lụy bờ về Cù Lao Ré... được miêu tả cụ thể, sinh động không chỉ cho thấy ở tác giả sự đầu tư cần thiết, mà còn giúp người đọc hiểu hơn về hoạt động của Hải đội Hoàng Sa.

Trong lịch sử dân tộc, người Lý Sơn nói riêng, Quảng Ngãi nói chung có vai trò to lớn trong công cuộc xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong bối cảnh còn thiếu những tác phẩm nghệ thuật lớn nhằm tri ân, vinh danh những người hùng binh năm xưa, tiểu thuyết lịch sử “Hùng binh” của tác giả Đặng Ngọc Hưng là một đóng góp đáng trân trọng.

PHẠM KHÁNH NGÂN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 14:58, 01/12/2024

Ý kiến bạn đọc


.