Truyện ngắn: Tựa lưng vào núi

16:07, 15/10/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- 1.Tin bão hình thành ở khu vực Biển Đông, đêm mai sẽ vào đất liền, gây mưa to trên diện rộng, đường đi của nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến làng Bua khiến ông Phán đứng ngồi không yên. Ông đi từng nhà thông báo cho mọi người chuẩn bị tinh thần “chống bão” dù loa phát thanh đầu ngõ mấy hôm nay cứ sáng, chiều điểm tin ra rả.

Cũng như mọi năm, đám thanh niên trai tráng được giao nhiệm vụ đốn hạ cây hoặc chặt bớt cành cao. Các mẹ, các chị vội vàng lo thùng gạo, rau, mắm, củi khô mang chất đầy bếp, cả đèn dầu phòng khi điện cúp nữa. Chuồng heo, chuồng gà được chằng chống, che kín. Trên các mái tôn, người ta còn lèn những bao tải cát. Bây giờ, mùa mưa bão đến dân làng không còn lo lắng nhiều như xưa. Bởi họ đã có kinh nghiệm và tình làng nghĩa xóm cũng được thắp sáng để mỗi khi nhắc về, những người ở xa vẫn còn tự hào nhớ nhung.

Bão bắt đầu đến. Tín hiệu nhận biết là sự thay đổi bất thường của thời tiết. Trời đang nắng bỗng chuyển sang hanh, cảm giác bức bối, khó chịu. Bầu trời sa sầm xuống, những đám mây đen vần vũ và gió to nổi lên. Từng bầy ngỗng trời dáo dác, lũ lượt kéo về chân núi xa. Và những cơn mưa ào tới, lê thê suốt ngày đêm. Thường kèm theo mưa là gió, sấm sét. Hàng chục héc ta lúa vừa chín dưới thung bị chìm ngập trong mênh mông nước. Rừng keo sắp đến kỳ thu hoạch cũng chịu chung số phận, gió quật gãy hơn phân nửa.

MH: VÕ VĂN
MH: VÕ VĂN

2. Ông Phán lắc đầu, ngó vọng ra ngoài trời. Gió chuyển hướng liên tục và mưa tầm tã không có dấu hiệu dừng. Những tia chớp rực lửa kinh hoàng xé dọc ngang trên bầu trời. Giữa sự cuồng nộ của đất trời, đôi khi gió bất ngờ ngừng, mưa cũng ngớt khiến không gian rơi vào trạng thái im lặng, căng như sợi dây đàn làm con người thêm bất an, lo sợ.

Ông Phán mang ủng, khoác áo mưa đi ra ngoài. Bà Nay gọi với theo. Ông cố tình không nghe hay gió mưa đưa lời bà Nay chệch sang hướng khác cũng không biết nữa.

- Mưa bão mà đi đâu vậy trời? Nói thế nhưng bà Nay quá hiểu tính chồng. Ông đi tới những gia đình có người già, con nhỏ, những ngôi nhà nằm chênh vênh sườn núi hay cạnh bờ sông có nguy cơ bị sạt lở hay lũ quét.

 Bà Nay sốt ruột cứ đi qua đi lại trong nhà. Dù đã quá trưa, bà vẫn chưa chịu vào bếp nấu cơm. Từng chặp, gió kéo mưa về ràn rạt trên mái tôn, hắt vào hiên, lạnh tê tái. Bà Nay chép miệng rồi cúi xuống uông nhóm lửa nhưng chốc chốc lại nhìn ra ngõ. Mưa giăng đầy.

- Thiệt tình, già rồi mà cứ thích đi...
Gió vẫn rít từng cơn ghê rợn. Có tiếng la hét. Tiếng những mái tôn nhà ai đó bị gió thổi bay đi xa. Bà Nay bất giác co người lại, lùi vào sâu trong góc nhà, sợ hãi. Bà đang lo lắng mọi điều, từ đống củi chất sau hiên đến mấy con gà mái đẻ. Bà lo lắng cho bà con hàng xóm, lo lắng cho những chiến sĩ phải gồng mình giữa mưa bão để giảm thiểu thiệt hại cho người dân...

Một vùng quê mà bão lũ liên miên, đến nỗi trở thành quen thuộc thì việc đối phó với sự bất thường của thời tiết đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống của con người. Trong ký ức của bà Nay, bão tới là mất điện, chỉ có thể dùng đèn dầu, đốt nến. Nhà dột, xô chậu để khắp nhà hứng nước. Mà hình như năm nào vào tầm tháng Mười âm lịch cũng có bão lớn, mưa lũ kéo dài hằng tháng. Một năm tới năm, bảy cơn bão lớn, nhỏ. Bão gối bão, mưa liên tiếp mưa.

3.Trước làng là một đồi cỏ tranh rộng lớn, trên đồi có mấy bụi cây gai thân thấp mọc xen nhau. Chẳng kể mùa nắng hay mưa, cỏ cứ xanh rì mà vươn cao. Trước đây người ta hay cắt cỏ tranh về cho trâu bò ăn, hay bện thành tấm để lợp nhà. Cả một quãng đồi rộng lớn, hình như không có loại cỏ nào phát triển nhanh và khỏe như cỏ tranh cả. Mùa hè nắng cháy, đồi cỏ tranh trơ một màu vàng khô rụi nhưng hễ gặp mưa xuống, những giọt nước mát lạnh, trong suốt ngấm sâu vào trong từng thớ đất cỗi cằn khiến cỏ tranh nảy lên những mầm xanh. Một sự sống mới bắt đầu và chỉ một tuần sau, sắc xanh tràn khắp, bạt ngàn.

- Cây cũng như người, luôn có sức sống tiềm tàng mãnh liệt để thích ứng với môi trường, cuộc sống. Ông Phán từng nói như thế khi ông cùng bà con phát rẫy chuẩn bị giâm keo, cắm mì.

Ông Phán là cựu chiến binh, từng là bộ đội tình nguyện tại chiến trường K. Trở về quê nhà, ông Phán mang theo một vết thương trong người, cứ trái gió trở trời lại hành hạ ông. Nhưng ông bảo mình còn may mắn và hạnh phúc lắm. Nhiều đồng đội của ông đã nằm lại chiến trường, có người thân thể không còn nguyên vẹn. 

Ngày ông Phán về làng, bà Nay đã ngót nghét ba mươi. Trong lúc mọi người tíu tít chạy ra chào đón, hỏi han thì bà chỉ lặng lẽ đứng ở đầu hiên, chốc chốc lại liếc nhìn ông Phán đang chia quà cho bọn con nít. Bà đã chờ ông và ông đã trở về. Mối tình giữa hai người được thử thách qua một thời gian dài xa nhau, biết tin nhau qua những bức thư hiếm hoi được gửi.

Họ về sống với nhau sau đám cưới đơn sơ, giản dị. Căn nhà nhỏ của đôi lứa được dựng lên, nằm chót vót ở sườn núi, giữa bạt ngàn cỏ tranh. Ông Phán cần mẫn, chăm chỉ lao động, chẳng bao lâu quả đồi tranh đã thành một vùng xanh. Ông Phán còn nối ống cho nước sạch từ con suối trong rừng sâu về với làng, đủ cho bà con sinh hoạt và tưới tắm cho hoa màu. Đất núi cỗi cằn nhưng không phụ người chăm bón, cải tạo. Vườn ông Phán đầy đủ loại cây ăn trái, rau xanh. Ông còn chăn nuôi heo gà và đào ao thả cá. Thường mỗi buổi sáng, bà Nay lại mang rau, trứng, trái cây chín ra chợ bán.

4.Làng Bua nhỏ, chỉ hơn trăm nóc nhà. Nhìn xa như tựa lưng vào núi. Dãy núi cao, hình vòng cung ôm lấy làng, che chắn cho làng tránh được thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra. Người dân nơi đây sống đoàn kết, yêu thương nhau. Có việc vui chia sẻ, có chuyện buồn an ủi, động viên nhau. Mấy ngày mưa bão, tình cảm yêu thương lại càng rõ ràng. Ông Phán đã không sai lầm khi phản bác quyết định đưa ba mẹ vào thành phố sống của con trai. Ông biết con trai thương cha mẹ, theo con vào đấy thì sướng, được sống an nhàn nhưng điều quan trọng là ông không thể bỏ nhà, bỏ cửa mà đi khi ông còn ý thức được núi rừng từ bao đời đã thành nguồn sống, là chốn linh thiêng để người dân trú ngụ, tôn thờ. Từ khi mới sinh, uống ngụm nước đầu nguồn, ngọn rau, hạt thóc đã nuôi sống họ và khi giã từ cõi đời, rừng núi lại đón họ vào lòng, vỗ về, yên giấc. Vậy đấy, nếp sống tốt đẹp, tập tục truyền thống họ vẫn lưu giữ, như hòn than trong lò, như thanh củi còn đượm trong bếp, qua ngày này đến ngày khác, luôn giữ ấm căn nhà.

5. Cho đến bây giờ, ông Phán vẫn không hiểu sao bão lũ ở quê mình nhiều đến thế. Cuộc sống đã nghèo lại qua mấy đận bão dông nên càng khó khăn chồng chất. Nhớ lại trận bão năm 1981, trước ngày mình đi bộ đội, ông Phán chợt rùng mình. Một trận bão khủng khiếp tràn qua vùng đất bán sơn địa quê ông. Đường đi và sức tàn phá của nó không dễ gì lường trước. Bão vươn dài bước chân vạn dặm và lè chiếc lưỡi khổng lồ ngoạm lấy bóng đêm. Chốc chốc tru lên như bầy sói hoang hung hãn rồi sẵn sàng nuốt chửng những gì gặp trên đường đi. Sự cuồng nộ của nó khiến con người cảm giác số phận mình quá nhỏ bé và mong manh. Họ cố bấu víu, cố thu mình lại và cầu nguyện.

         
Dù chuẩn bị cẩn thận, đề phòng đủ cách nhưng mỗi lần cơn bão đi qua luôn khiến người ta ngỡ ngàng, thảng thốt. Bão làm mưa suốt mấy đêm khiến mực nước sông dâng cao, lũ lụt tràn vào nhà. Nước mênh mông khắp các ngả đường. Đồng ruộng bao la nước. Gió lớn quật ngã nửa rừng cây, làm sạt lở cả quả đồi.  Những cánh cò trắng đứng co ro khắp mặt ruộng trông thật tội nghiệp. Khi thấy bóng người chúng vù bay về rặng núi xa.   

6. Rồi bão cũng tan nhưng nỗi buồn thì vẫn còn ở lại. Nhà sập, cây đổ, đồng ruộng xác xơ. Sạt lở núi, lũ quét khiến hoa màu, cây cối chết héo. Nhưng vượt lên tất cả, người dân đã cố gắng đứng lên bằng tinh thần vốn có để khắc phục hậu quả. Họ xây dựng cuộc sống mới bằng niềm tin, bằng sự động viên, sẻ chia về vật chất lẫn tinh thần của người dân khắp mọi miền đất nước. Ông Phán lại vòng qua các con ngõ, ghé thăm từng nhà, ngước nhìn lên đồi tranh thấy mặt trời đang tỏa nắng để nhận ra rằng trong cuộc đời mình đi qua không biết bao nhiêu cơn bão nên đã luôn nhìn nhận hiện tượng này không còn là sự bất thường của thời tiết, mà là biểu hiện tất yếu của quy luật tự nhiên. Cũng như một sáng nào đó, sau bão, trước đồi tranh ngã rạp, nhiều chỗ đất bị xói lở, giữa những thân cây bị bứng đổ có những mầm non nhú lên thì khung cảnh vùng quê hiện lên có vẻ lung linh tươi mới hơn trong một bầu không khí trong lành, mát mẻ.

SƠN TRẦN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 16:07, 15/10/2024

Ý kiến bạn đọc


.