Truyện ngắn: Thướt tha tà áo dài

13:24, 26/10/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ai từng ở vùng cao, vùng sâu, gắn bó với đồng bào miền núi mới hiểu hết nét sinh hoạt văn hóa của bà con nơi đây. Họ suy nghĩ chân chất, thật thà, đơn giản trong sinh hoạt hằng ngày. Riêng tôi, một cô giáo từ khi ra trường, đến lúc rời bục giảng đã cùng ăn, cùng ở với đồng bào vùng cao ngót nghét mấy chục năm. Chừng ấy thời gian, biết bao nhiêu buồn vui lẫn lộn.

Đầu tháng Mười năm ấy, trời mưa không dứt. Vén tà áo dài lên, nhét trong quần, tôi bặm môi đẩy xe qua đoạn đường đất đỏ, lồi lõm. Càng đẩy, chiếc xe càng lún sâu, không nhúc nhích. Nước mắt chực trào ra. Ba mẹ nói, con gái với nghề dạy học là phù hợp nhất. Nghe vậy, tôi chọn vào sư phạm. Ba năm học đã qua. Cầm quyết định phân công công tác trên tay, lòng nghe rộn rã. Ngày mai mặc áo dài, đứng trên bục giảng, nhìn xuống học trò mà tâm hồn phơi phới. Đấy là ý nghĩ trong đầu tôi. Còn giờ đây,  học trò chưa có, bùn đất “phơi phới” vây quanh. Tôi đang lơ ngơ thì có tiếng nói từ phía sau:
- Bộ thích bùn đất đỏ lắm hả? Sao cứ đứng ngây ra vậy? Giọng nói của một chàng trai trẻ. Đã bực càng thêm tức, tôi ngoái lại. Chàng trai có vẻ tươm tất. Áo bỏ vô trong, quần xăn quá gối. Anh ta lội bộ, tay ôm cặp. Tôi mừng thầm trong bụng, chắc gặp đồng nghiệp rồi. Đồng nghiệp gì nói hơi bị sốc. Lẽ ra tôi trả treo anh ta một câu, nhưng trong hoàn cảnh này đành dịu giọng:
- Anh gì ơi! Giúp em với. Chiếc xe mắc sình, em đẩy không nổi.

Không nghe anh trả lời, anh chàng bước chậm ra vệ cỏ. Tôi nghĩ không lẽ điển trai vậy mà chẳng ra tay cứu giúp thì thật là... Tôi nửa khóc nửa cười. Vạt áo dài, nhét lên rớt xuống, chạm bùn, bết đất. Anh chàng để cặp trên đám cỏ, bước tới. Chưa giúp gì đã phán một câu nghe ấm ức:
- Đường sá như vầy, mặc áo dài chỉ để nhuộm bùn thôi! Với lại ở đây có đẹp mấy cũng chẳng ai đâu mà ngắm. Đưa tay lái đây, xắn cao quần lên, phụ đẩy xe. Tôi lí nhí “dạ”. Anh ta nói:
- Đoạn này sình dữ lắm, xe đầu kéo chở củi mỗi ngày qua đây, móc đường lở lói hết, có hôm, quần áo tôi lấm lem. Về nhà, mẹ hỏi con đi dạy hay đi cày vậy? Tôi nói con đi cày chữ trên trường, lúc về thì cày đường cái. Bà cười. Còn cô, cô đi đâu trên này?
- Dạ, em! Em... em đi đám cưới. Anh có biết Trường Tiểu học Mai Sơn không?
- Mai Sơn là đây. Đây là xã Mai Sơn,  điểm trường cách ba cây số. Trường  học mà, cưới hỏi gì ở đó?
- À, gần đó, anh là thầy giáo dạy trường Mai Sơn à?
-  Vâng! Đúng rồi. Xe tôi gửi trên kia, qua hết đoạn sình này lấy xe lên trường. Sao cô biết tôi dạy Mai Sơn? Cô đi dự tiệc hỏi trường Mai Sơn làm gì? Bộ có quen ai trên đó hả? 
- Chắc quen. 
- Nghe hơi lạ, quen thì nói quen, không quen thì không quen, chắc quen là sao? Câu này hơi bức bí nghen.
- Không bí đâu anh. Như anh đây, coi như đã quen rồi. Đúng không? Em nói “chắc” theo nghĩa đó. Mai mốt anh và em lỡ gặp nhau không lẽ tiếc nhau một nụ cười. Đúng không?
- Nghe cũng tạm được. 

MH: VÕ VĂN
MH: VÕ VĂN

Cuối cùng xe qua khỏi đoạn sình. Tôi nói lời cảm ơn anh, không có anh chắc em thành Từ Hải, chết đứng chỗ đó luôn. Mà trường hợp này Thúy Kiều chết đứng, không phải Từ Hải anh hả. Ơn này nguyện ngày sau sẽ trả. Là câu nói vu vơ vậy thôi. Anh chàng nói cô tự tin quá rồi đó, dám nhận mình là Thúy Kiều. Ở đây không hoa, không liễu, chỉ có bùn. Bùn ghen với cô nên giữ chân cô lại. Đúng không? Nghe anh nói, tôi tự ái. Anh này nói câu nào cũng gai góc. Chắc ngày xưa, mẹ sinh anh trong bụi tre. Tôi thầm nghĩ vậy mà không dám móc lại.
- Cô vào giếng bên đường rửa chân đi. Anh nói rồi quay lại lấy cặp sách. 
Chiếc  xe dở chứng. Chết máy. Anh chàng quay lại:
-  Sao cô chưa đi, không lẽ chờ ai nữa?
-  Đúng rồi. Em đang chờ anh. Anh ơi, đã giúp thì giúp cho trót. Chiếc xe em hỏng rồi. Anh coi giùm em.
 Anh chàng xem đồng hồ có vẻ nôn nóng. Hôm nay anh có cuộc họp hội đồng sư phạm đầu năm.
Anh chàng cúi xuống nói:
- Trời ơi, khóa xăng rồi, làm sao nổ máy được? 
- Vậy hả anh? Lúc nãy đẩy qua sình em nghe mùi xăng chảy nên khóa lại, quên mở ra. Em làm phiền anh quá. Có gì anh bỏ qua nghen. Em linh cảm, có ngày mình gặp lại nhau. Thôi chào anh.

Anh thanh niên đó là thầy giáo Công. Tên đầy đủ là Đỗ Hồng Công. Anh có vẻ nghiêm nghị, nhưng cũng dễ tính. Anh làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mai Sơn. Trường Mai Sơn xây tạm trên một ngọn đồi thấp. Hè rồi, người ta san lấp mặt bằng. Bà con góp công dựng tạm mái trường cho con em trong làng kịp ngày khai giảng. Trường có bốn lớp. Hai lớp Một, một lớp Hai và một lớp Ba. Vì có thêm lớp Một, thiếu giáo viên nên thầy hiệu trưởng đề nghị xin thêm một giáo viên. Ở đây, hai thầy là người địa phương, còn lại đều là người dưới xuôi lên. Đường xa, các thầy ở lại. Chưa ai có mảnh tình để vắt vai.

Chờ mọi người ổn định, thầy Công báo cáo nội dung cuộc họp. Ngoài việc thực hiện chương trình, kế hoạch giảng dạy năm học, hôm nay, trường có thêm một nữ giáo viên là người dưới đồng bằng. Thầy nhìn đồng hồ. Hơi sốt ruột. Sao chưa thấy cô ta đến? 
Bỗng từ cổng trường, có người ì ạch đẩy xe vào. Thầy Công nhìn ra. Sao lại thế này?
Cô ta vẻ mặt hớt hải, nước mưa nước mắt trộn lẫn. Áo dài nửa vạt bết bùn, nửa kia ướt nhẹp. Hất chân chống xe, cô bước vào lễ phép:
- Em xin chào các thầy. Cho em gặp thầy hiệu trưởng được không ạ? Thầy Công vẻ ngạc nhiên hỏi:
- Cô! Lại là cô. Hôm nay trường chúng tôi họp. Cô cần gì giải quyết nhanh đỡ mất thời gian.
- Ủa, lại là anh. Anh thấy chưa? Rồi cũng gặp lại thôi. Trái đất vốn tròn tuy hơi lồi lõm.
Các thầy nhìn nhau, không hiểu chuyện gì. Không lẽ họ đã quen nhau từ trước. Những tia mắt tinh nghịch nhìn nhau. Họ đoán già đoán non, qua nụ cười bí hiểm.

Thầy Công nói:
- Mời cô ngồi tạm. Văn phòng trường làm chưa xong. Tôi là hiệu trưởng trường này. Cô đi dự tiệc, gặp tôi làm gì?
- Anh! Anh là hiệu trưởng? Trời ơi, sáng nay nhờ thầy hiệu trưởng đẩy xe mà không biết. Em có lỗi quá. Thầy ơi! Sao mà khó hiểu. Em nói thiệt với thầy, em đi trình diện, em nhận công tác. Chớ có tiệc tùng gì đâu. Em nói dự tiệc, vì thấy ở đây không ai mặc áo dài. Một mình em nên mắc cỡ nói đại cho qua chuyện. Em đi tìm trường. Lúc nãy còn lạc đường, sụp ổ gà lại bị hai con trâu đuổi nhau, em sợ đứng tim, xe ngã, người ngã. Xe giờ tắt máy luôn. Em đẩy muốn hụt hơi. Em đến trễ mong thầy thông cảm. 

Lục trong túi xách, cái túi còn dính bùn bên ngoài, tôi lấy quyết định và giấy giới thiệu đưa hiệu trưởng. Anh đọc qua và cất vào kẹp hồ sơ. Anh nói:
- Cô để quyết định đây, lưu hồ sơ. Họp xong, cô nhận văn phòng phẩm và sách giáo khoa. Cô nhận lớp 1B. Lớp có 20 cháu.
Đúng là tôi ngây thơ quá, giờ mới biết vì sao ở đây không thấy người ta mặc áo dài. Một là đường đi khó, hai là chưng diện với ai? Học sinh lớp Một, chưa có khái niệm trang phục, mũi chùi chưa sạch. Vạt áo có tung bay cỡ nào cũng chưa thể nhấc được tâm hồn nhỏ bé của chúng lên. Đấy là một kỷ niệm khó quên.

  Ở chung bếp tập thể, tôi được mấy thầy cưng chiều lắm. Được miễn cõng củi, miễn hái rau, chỉ việc nấu cơm, canh. Nói chung là rất ổn. Lâu lâu có ngày nắng tốt, tôi đem mấy cái áo dài ra suối giặt, phơi lên bờ rào nhìn gió đong đưa, nhìn mát con mắt, đấy là cách làm vơi nỗi nhớ áo dài. Với lại cất hoài trong ba lô có khi bị mục cũng nên. Có lần, tôi khóc hết một ngày Chủ nhật, không ăn cơm. 

Chuyện là hôm đó, sáng thứ Bảy, nắng lên rất sớm. Một ngày mùa đông, được hôm nắng đẹp, ở miền núi rất hiếm hoi. Sáng sớm lấy áo dài ra giặt, phơi lên bờ rào như mọi khi. Dạy xong, tôi ra lấy áo. Trời ơi! Chỉ còn mấy miếng giẻ tả tơi lấm đầy bùn đất và  phân trâu. Đang ngơ ngác, chưa hiểu chuyện gì,  có người đi tới nói:
- Úi!  Cô giáo ơi! Cái con trâu đực nhà thằng Ní mới mua. Nó hăng lắm. Nó tắm suối lên, thấy áo cô phơi xanh đỏ, nó nhào vô ủi rách hết rồi. Gặp người nó cũng ủi luôn. Hăng lắm.

Tôi đứng đó rã rời chân tay. Thật ra, hai cái áo bằng vải lụa chẳng đáng là bao. Nhưng với tôi đã thành kỷ niệm. Mẹ may cho khi hết năm thứ hai đi thực tập. Mẹ ngắm nghía nói áo đẹp. Tôi chắc mẹ thấy tôi trưởng thành nên mắt mẹ rạng rỡ như vậy. Ngày ra trường, mặc lên bục giảng trong lễ nhận bằng. Vui biết mấy là vui. Tôi nâng niu chiếc áo là nâng niu kỷ niệm của mình. 

Phải mất mấy năm sau, trường lớp được xây mới, đường sá mở rộng, khang trang. Điện được kéo về làng. Chúng tôi thoát cảnh đốt đèn dầu soạn bài. Các thầy, xe nào cũng sáng bóng, đâu còn lấm lem bùn đất. Nhất là thầy Công, diện chiếc xe cáu cạnh. Giáo viên nữ, thường xuyên mặc áo dài lên lớp, trừ những ngày mưa gió. Tôi được dịp thả tà áo dài tha thướt sân trường. Thấy tôi diện áo dài, thầy Công nhắc hoài chuyện con trâu năm nào...

THOẠI VĂN

TIN, ÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 13:24, 26/10/2024

Ý kiến bạn đọc


.