(Báo Quảng Ngãi)- Trong kháng chiến chống Mỹ, nhà thơ Tố Hữu đã sáng tác bài thơ rất xúc động về một nữ liệt sĩ người Quảng Ngãi, đó là tác phẩm “Chị là người mẹ”.
Liệt sĩ, nhà giáo Nguyễn Thị Diệu (1926 - 1955) sinh ra ở làng Tân Phong, xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ (nay là TX.Đức Phổ). Từ nhỏ, chị theo cha là quan Thượng thư Nam triều vào tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang) học tiểu học, rồi lên Sài Gòn học trung học và thi đỗ tú tài. Tuy là con nhà quan, nhưng chị Diệu giác ngộ và dấn thân vào con đường cách mạng từ sớm. Chị hoạt động ở nội thành rồi lại vào chiến khu, sau Hiệp định Giơnevơ, chị được phân công ở lại Sài Gòn hoạt động công khai với tư cách là nhà giáo, giảng dạy tại Trường Nữ trung học Đức Trí ở quận 1 và hoạt động trong Nghiệp đoàn Giáo học tư thục và trong phong trào hòa bình Sài Gòn - Chợ Lớn. Ngày 6/7/1955, bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt, tra tấn dã man, chị vẫn một lòng kiên trung. Chính vì vậy, kẻ thù đã thủ tiêu lúc chị chưa tròn 30 tuổi, khi đang là mẹ của ba đứa con và đang mang thai đứa con thứ tư được ba tháng. Chị Nguyễn Thị Diệu hy sinh vào ngày 10/7/1955. Xúc động và cảm phục trước tấm gương của nữ liệt sĩ Nguyễn Thị Diệu, gần hai tháng sau (5/9/1955), nhà thơ Tố Hữu đã sáng tác bài thơ “Chị là người mẹ” để ca ngợi tấm gương hy sinh của chị và tố cáo tội ác man rợ của kẻ thù nhằm cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng. Năm 1961, bài thơ được in trong tập thơ “Gió lộng”.
Liệt sĩ Nguyễn Thị Diệu. Ảnh: TL |
Sáu khổ thơ đầu được tác giả chia làm ba đoạn với ý đồ nghệ thuật rất rõ rệt. Dù là 6 khổ, nhưng thực chất chỉ khác nhau ở khổ đầu mỗi đoạn (miêu tả công việc chị đang làm lúc bị kẻ thù dã tâm giết chết). Còn khổ thứ hai mỗi đoạn, tác giả dùng biện pháp lặp lại, chỉ thay đổi duy nhất một từ, mà thực chất là ba tiếng kêu thương của chị gửi lại cho con, cho học trò và cho người chồng yêu quý: “Ai nghe tiếng chị kêu hoài: Con ơi!”, “Ai nghe tiếng chị kêu hoài: Em ơi!”, “Ai nghe tiếng chị kêu hoài: Anh ơi!”. Đây là tiếng kêu của người mẹ ở đoạn thơ đầu: “Chị là người mẹ bốn con/ Hỡi ôi thân chị, bụng còn mang thai/ Còn ba con dại gái trai/ Bỗng mồ côi mẹ, còn ai bế bồng!/ Nửa đêm chúng vào buồng bắt chị/ Lôi chị đi, súng gí vào tai/ Thịt rơi, máu chảy đêm dài/ Ai nghe tiếng chị kêu hoài: Con ơi!”. Chúng giết chị là đã giết đi một người mẹ của bốn đứa con!
Xin đọc tiếp đoạn thơ thứ hai: “Chị là cô giáo hiền tươi/ Bàn tay chăm chút như người mẹ yêu/ Hỡi ôi, sớm sớm chiều chiều/ Còn đâu tay chị dắt dìu tay em!/ Nửa đêm chúng vào buồng bắt chị/ Lôi chị đi, súng gí vào tai/ Thịt rơi, máu chảy đêm dài/ Ai nghe tiếng chị kêu hoài: Em ơi!”. Chúng giết chị là đã giết đi một cô giáo của cả đàn em thơ dại!
Và hai khổ thơ của đoạn thứ ba: “Chị đang thêu tiếp cuộc đời/ Hòa bình trở lại, ngời ngời xuân xanh/ Tưởng là hoa lại liền cành/ Hỡi ôi chăn gối tan tành mộng êm!/ Nửa đêm chúng vào buồng bắt chị/ Lôi chị đi, súng gí vào tai/ Thịt rơi, máu chảy đêm dài/ Ai nghe tiếng chị kêu hoài: Anh ơi!”. Chúng giết chị là giết đi một người vợ hiền chung thủy! Vâng, bằng thủ pháp nghệ thuật điệp khổ thơ thứ hai trong từng đoạn, Tố Hữu đã cho người đọc nhận ra rằng: Kẻ thù giết một chị Diệu, nhưng chính là đã giết ba con người. Đau thương nhân lên gấp ba. Và từ đó lòng căm thù giặc cũng nhân lên gấp bội.
Hai khổ thơ tiếp theo, Tố Hữu tố cáo tội ác man rợ của chế độ Mỹ - Diệm thông qua hình ảnh cụ thể của bọn tay sai quên tình dân, nghĩa nước: “Ôm chân liếm gót giặc ngoài/ Chém cha cái lũ vô loài bất nhân/ Biết chi tình nghĩa ái ân/ Biết chi là nước là dân là nòi!”; “Bay đã giết một đời trong trắng/ Máu oan hồn quyết chẳng dung tha/ Hồn kêu trên mái muôn nhà/ Hồn kêu trai gái trẻ già đứng lên!”.
Phải đứng lên, đoàn kết chống lại quân thù, đó là mệnh lệnh tối cao để “Cứu những mẹ hiền con dại’, để những người thân yêu “không phải chết oan” và gia đình không phải nát tan, nghĩa tình không còn chia cắt: “Phải cứu những mẹ hiền con dại/ Những người yêu không phải chết oan!/ Gia đình không phải nát tan/ Nghĩa tình không phải cách ngăn đôi đường”. Hỡi kẻ thù xâm lược và bọn tay sai bán nước, hãy nên nhớ rằng: Nước Việt Nam, Bắc - Nam là một, không ai có thể phân chia, dù chỉ một ngày: “Bắc - Nam ruột thịt tay chân/ Nước non không thể chia phân một ngày!”.
Vì lẽ đó, chị Diệu mất đi, nhưng những người con, người học trò, người thân của chị cùng tất cả nhân dân miền Nam đã nghe tiếng chị kêu như một lời nhắn gửi. Lòng căm thù sẽ “cháy mãi trong tim”. Bài thơ kết thúc bằng lời tâm nguyện: Một lòng đứng lên đánh tan giặc ngoại xâm để đất nước hòa bình, thống nhất: “Chị Diệu ơi!/ Chị mất rồi, còn chúng tôi đây/ Đã nghe tiếng chị kêu hoài suốt đêm/ Căm thù cháy mãi trong tim!”.
Trọn một đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, tấm gương chiến đấu kiên cường và hy sinh bất khuất của chị Nguyễn Thị Diệu - người phụ nữ kiên trung của quê hương Quảng Ngãi sẽ mãi vang vọng đến muôn đời sau. Ghi công chị, tại TP. Hồ Chí Minh - nơi chị trực tiếp hoạt động và hy sinh, hiện nay có một con đường và một ngôi trường THPT mang tên Nguyễn Thị Diệu.
MAI BÁ ẤN