Truyện ngắn: Mùa hè đáng nhớ

09:35, 12/08/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dãy phố nằm ở xa trung tâm, chẳng kinh doanh được gì nên toàn những gia đình có thu nhập tầm trung đến ở. Chín cái nhà liền kề chí ít cũng lên được hai tầng, khoác màu sơn mới, chỉ riêng nhà cuối cùng lợp tôn ngang phè phè.

Phố ngắn nên mọi quy định đều thực hiện răm rắp. Nhưng bao giờ cũng thế, chỉ thực hiện được từ nhà số một đến nhà thứ chín thì dừng lại. Chủ nhà số mười là một cô gái trẻ ở trọ. Cả ngày nhà đóng cửa im ỉm. Ai hỏi thì chủ nhà nói vọng ra bằng cái giọng ngáo ngơ: “Cháu biết gì đâu?”, “ơ, thế ạ”. Bà Nhan, khu trưởng coi cái đứa con gái ấy như người giời, nhắm mắt làm ngơ cho xong chuyện cốt để khỏi bị tăng huyết áp.

Mùa hè, tiền điện cao chót vót. Phụ huynh bắt đầu bày ra những cách giữ chân trẻ con mà không phải tốn tiền. Có nhà cho con đi trải nghiệm thực tế được ba ngày cũng tiền triệu, lại còn lo ngay ngáy nhỡ con cái hiếu động, nghịch ngợm. Có phụ huynh nhắn tin cho con đi học hè, cô giáo khuyên nhủ: “Các bác nên cho các cháu thư giãn sau một năm học để không đánh mất tuổi thơ”. Ô hay, để cho chúng đi tìm tuổi thơ thì “báo nhà”, “báo xóm à”? Cửa kính nhà vỡ, chậu cây cảnh “toang”, nước lênh láng, mèo chó chạy tán loạn...

Bà Nhan nghĩ ra một cách, bèn họp phụ huynh trong phố lại. Ông bố bà mẹ nào họp xong về cũng khấp khởi như vừa tháo được quả bom nổ chậm trong nhà. Sáng thứ Hai, đứa lớn, đứa nhỏ háo hức mang sách vở đến nhà bà trưởng khu. Bà giáo già ba mươi năm gõ đầu trẻ đầy kinh nghiệm cẩn thận chép bài thơ lên bảng bằng nét chữ nắn nót như khuôn vàng thước ngọc. Nhưng khi bà quay lại, hỡi ôi chỉ còn dép và dép, chúng đã lẻn ra kia trèo cây, hái quả, té nước vào nhau như một toán cướp biển. Bà cố gắng quát nhưng chúng cứ trơ ra như điếc... Bà Nhan mệt, nằm bẹp trên giường, khăn mặt đắp trên trán, quạt bật nhẹ, người như sắp sốt. Cứ thế, nửa tỉnh nửa mơ bà chìm vào ký ức hôm nào.

Năm ấy, Nhan mới ngoài ba mươi tuổi. Sáng sáng, cô chở rau củ từ các làng vào thành phố. Giá cả chênh lệch chả đáng là bao, gặp hôm mưa sấp mặt, gặp ngày nắng há miệng ra để thở nhưng đi bán cho đỡ chán nản. Dần dà, Nhan nhận ra những người tham gia đội xe thồ với mình đều éo le như thế cả. Chị thì chồng dẫn bồ về ở chung nhà, nếu tự ái bỏ đi thì mất trắng nên cố bám trụ lại giữ phần cho con. Một anh thì con mắc bệnh nan y, còn mất tiền thuốc thang là còn giữ được con bên mình. Có người nhà cửa êm ấm nhưng nợ nần đầm đìa vì con cái làm ăn thua lỗ. Có con cũng khổ nhưng “không biết đẻ” như Nhan còn khổ tâm hơn.

Sáng ấy, chẳng hiểu sao Nhan dậy trước cả giờ báo thức. Chụp cái mũ bảo hiểm lên đầu, nổ máy phóng xe lao vào màn sương sớm mùa thu lành lạnh. Chợ vắng, mọi khi tầm này là bà cụ góc kia đã nhóm lửa đun ấm trà xanh. Nhan ngồi co ro, cố nhai cái bánh mì mà miệng đắng ngắt. Đâu đây có tiếng trẻ khóc, chắc con anh quản lý chợ, nó khóc vì mẹ nó mất sữa, uống sữa ngoài nhanh đói bụng. Nhưng vợ chồng anh ta đã đưa nó về ngoại từ hôm qua cơ mà. Một cơn gió thổi dọc sống lưng khiến những sợi tóc sau gáy Nhan như dựng đứng lên. Mất mấy phút lấy lại sự can đảm, cô tiến đến góc chợ. Trước mặt cô là mấy con chó hoang đang vây quanh cái thùng xốp cũ mà ai đã bỏ lại. Một đứa bé gái bị bỏ rơi...

Mấy chị bán hàng khuyên Nhan nên đón đứa trẻ về nuôi nhưng cuối cùng cô chỉ có thể gửi nó đến trung tâm bảo trợ xã hội. Cô chưa có thu nhập ổn định, chưa đủ quả quyết để chống lại định kiến nhà chồng. Thế rồi, con bé ấy đã lớn lên như cái cây, ngọn cỏ gan góc. Nhan hay ghé qua đấy nhưng chỉ đứng ở cổng nhìn con bé từ xa, nó thích chơi với những con trâu, con vịt, con heo mà nó gọt từ những mẩu gỗ, từ cái gốc tre già, từ con búp bê tết bằng rơm nhặt được ngoài đường... Ông trời đã bù đắp cho con bé một tâm hồn sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo như thế. Nhan sợ nếu gặp nó, cô sẽ không cầm được nước mắt.

Một hôm, Nhan chờ mãi không thấy con bé ra chơi đồ hàng dưới gốc xà cừ như mọi khi. Thấy Nhan ngó nghiêng, một cô nhân viên dọn vệ sinh đi tới.
- Chị hỏi mua phế liệu sao?
- Không ạ. Tôi muốn hỏi thăm một bé gái hay chơi dưới tán cây kia. Có phải cháu ốm hay sao chị nhỉ?
À, cháu Nguyệt khéo tay đấy phải không chị. Cháu được một gia đình tốt bụng đón về nuôi rồi chị à. Họ vừa đón cháu chiều qua...
 Nhan đánh rơi chiếc mũ bảo hiểm, rơi chùm chìa khóa nhưng có lẽ cô đang đánh rơi một thứ gì lớn hơn. “Sao mình yêu con bé đến thế? Trời ơi, sao mình có thể ngu dại đánh mất đứa con đã ẵm từ thùng rác, đã hít hà đến căng lồng ngực mùi mồ hôi của nó”. Một người mẹ yêu con đâu nhất thiết phải có dòng sữa ngọt, có chín tháng mang nặng đẻ đau mà chỉ cần từng tế bào trong mình rạo rực một khát vọng được hy sinh cả cuộc đời cho sinh linh bé nhỏ ấy.

Những ngày sau Nhan bỏ ăn, cô đi lang thang trên phố để nhìn những đứa trẻ tầm tuổi con bé Nguyệt. Cô thấy khát như người đi trên sa mạc. Khát khuôn mặt, khát tiếng cười, khát được thấy hình hài nó đến phát bệnh. Nhan bất giác sờ lên ngực mình thấy cái mặt dây chuyền đã biến mất. Nó không đáng bao tiền nhưng là thứ duy nhất mẹ cô để lại trong lần hai mẹ con ra tận tiệm kim hoàn ở Hà Nội để mua. Nó đâu rồi, đâu rồi, sao tất cả cứ bỏ mình đi như thế. Đầu óc cô u mê không còn nhớ ra điều gì nữa...

Sáng nay, cả xóm bị đánh thức bởi tiếng trẻ con huyên náo. Chúng hò hét như một đội quân chứ không như mọi khi. Bà Nhan bò dậy, miệng đắng ngắt, người mỏi rã rời nhưng vẫn cố mở cửa ngó ra. Với bà, đám trẻ trong xóm tuy chẳng máu mủ gì nhưng là thứ quý giá nhất với cuộc đời lận đận này.
Gì thế kia? Bà dụi mắt, mỗi đứa một cái mũ nan được vẽ vời trông đến lạ, đứa dọn rác, đứa cạo tường như thể một đội quân đã được huấn luyện bài bản. Nhưng cứ thế này, chả mấy chốc mà khu phố này loạn mất, dù gì bà vẫn ưa cái trật tự cũ kỹ của nó. Bà chạy vào nhà lấy cái kính đeo, cầm thêm cái nón phăm phăm bước ra, mấy phụ huynh cũng đang chống nạnh vây quanh bức tường rào cuối ngõ. Hóa ra, trên bức tường ẩm mốc ấy đang dần hiện lên bức họa độc đáo mà bà đã từng thấy người ta vẽ ở làng chài Tam Thanh, Quảng Nam.

MH: VÕ VĂN
MH: VÕ VĂN

Mọi người xôn xao, có ai đó la toáng lên: “Cái chậu cây cũ nhà tôi đâu?”, người khác lại thắc mắc: “Sao giống cái lốp xe cũ nhà mình thế nhỉ?”. Nhưng sau ít phút lại bắt đầu có những lời khen: “Tụi trẻ khéo tay quá”, “May quá có người biết dạy trẻ con như cô Nguyệt”, “Thì ra cô cháu nhà chúng nó bí mật tổ chức nhóm này lâu rồi”... Bà Nhan rẽ đám đông bước vào, sự tự ái khiến mặt bà cau có, một sự bực tức khó có thể nuốt trôi được. Bà nhìn chằm chằm vào đứa con gái trước mặt. Nó mặc quần jean lửng, áo thun thô, da rám nắng nhưng đôi mắt sáng bừng lên nét gì rất quen.

- Ai cho cô tự tiện...
Đứa con gái ấy ngẩng lên, bất chợt sợi dây chuyền mắc ở cổ áo thõng xuống khiến bà Nhan nhìn rất rõ, bà giật mình. Cái mặt dây chuyền, còn của ai nữa, bà chỉ kịp thốt lên:  “của tôi... Nguyệt ơi, con...” rồi tối tăm mặt mũi.

Bà Nhan tỉnh dậy trong nhà Nguyệt. Bà liếc nhìn căn nhà tuềnh toàng một ấm đun, một nồi cơm, vài cái bát và giá vẽ... Có một lần, đúng rồi cái lần ấy con bé đã giận dỗi giật mặt dây chuyền và cương quyết không chịu buông ra trả cho bà. Sự cô đơn đã làm nó ương bướng, bàn tay bé nhỏ nắm chặt như một con thú nhỏ ương bướng. Bà kệ, bà cưng nựng nó, coi nó như máu thịt của mình.
Giờ thì bàn tay nó đang nắm chặt tay bà, nó đang khiến khu phố này thay đổi, đang dẫn dắt được bọn trẻ và trở về bên bà như một giấc mơ.
- Mẹ nuôi con đã mất sau khi con ra trường, con làm giáo viên mỹ thuật, chuyển trường mấy lần chẳng biết xui khiến thế nào lại về đây... Thế còn bác?

Bà Nhan chỉ cười, bà không muốn kể cho nó nghe phần đời còn lại sau khi ly hôn, lúc này mắt bà ánh lên một niềm vui.
Những ngày sau đó người ta thấy bà Nhan tất tả pha nước sấu, nước chanh ra “chi viện” cho Nguyệt và đám trẻ đang hăng hái cải tạo khu phố buồn tênh này thành một không gian lạ mắt và xanh, sạch. Hình như mùa hè đã đem đến niềm vui cho cả khu phố này. Một mùa hè thật đáng nhớ.

BÙI VIỆT PHƯƠNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:35, 12/08/2024

Ý kiến bạn đọc


.