Tác giả - Tác phẩm: Mười năm rưng rưng nỗi nhớ

14:16, 09/08/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mười năm trôi qua, khi ngoái lại mà rưng rưng với bao hoài niệm. Hãy lắng nghe nỗi lòng sau mười năm chia xa của nhà thơ Phạm Đương qua tác phẩm "Mười năm".       

Đời người được chia thành nhiều giai đoạn. Cứ mười năm là một giai đoạn của cuộc đời, người xưa đã chia ra như vậy. Đó là dấu mốc, là bước ngoặt cuộc đời của mỗi con người. Trong mỗi giai đoạn ấy, ta đã giao cảm cùng thiên nhiên, cùng xã hội, cộng hưởng thành nhiều cung điệu cảm xúc và xâu kết thành nhiều ký ức. Thế rồi, mười năm trôi qua, khi ngoái lại mà rưng rưng với bao hoài niệm. 

"Ngày em đi một chiều thu lá đổ", câu thơ mở đầu với giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng đã gieo vào lòng người nỗi man mác buồn cùng với nỗi niềm trống vắng. Chữ nào cũng gợi nhớ, gợi thương, khơi dòng hồi tưởng: “Ngày em đi” là sự kiện tiếc nuối, “chiều thu lá đổ” là thời gian và không gian gợi cảm về nỗi biệt ly, nhung nhớ.

Người ta thường nói, mùa thu là mùa của biệt ly. Bởi nắng thu vàng vọt, nhất là nắng chiều thu, có lá vàng bay bay luôn làm cho lòng người bâng khuâng, hiu quạnh khơi gợi nỗi chia xa, ngăn cách. Người và cảnh cùng giao thoa nỗi niềm ly biệt. Nỗi lòng này Chế Lan Viên cũng từng thốt lên: “Chao ôi! Mong nhớ! Ôi mong nhớ!/ Một cánh chim thu lạc cuối ngàn”.

Trong bài thơ này, tác giả đã mượn lời: "Ngày em đi một chiều thu lá đổ/ Tôi ngẩn ngơ trông cây trúc đầu đình/ Em vẫn xinh dẫu chỉ bước một mình/ Cây trúc mọc... tang tình... Ai đó hát". Hai nhân vật trữ tình “em” và “tôi” có đặt trong cuộc tình đôi lứa? Có trở thành người cũ - tình xưa hay không mà nỗi lòng tương tư của chàng trai đạt đến cấp độ tăng dần đến mức: "Cúi mặt tôi về tơ vò chín khúc/ Em xa hút cuối trời nên nhớ nên thương"?

Nếu như “Ngày em đi” làm cho tâm hồn chàng trai cảm thấy xa vắng, luyến thương đến “ngẩn ngơ”, thì trong lầm lũi đi về, ngoái nhìn hình bóng em nơi cuối trời xa hút, tâm trạng người lữ hành thêm nỗi nhớ thương day dứt đến quặn đau từ chín cung bậc buồn thương, xuất phát từ trái tim chân thành.

Theo tôi, đây không phải là cuộc tình đôi lứa. Bởi đại từ nhân xưng “tôi” thường không sử dụng trong tình yêu da diết lứa đôi mà thường xưng “anh”. Thêm nữa, hai câu thơ tiếp theo lại bừng lên biểu tượng của tuổi học trò. Lứa tuổi hoa niên được xem như đẹp nhất đời người: "Dăm tiếng ve rớt lại góc sân trường/ Mùa hạ sót lèo tèo đôi cánh phượng". 

Từ “dăm” và “đôi” là từ chỉ số lượng mang tính ước lệ. Âm thanh và hình ảnh thân thương ấy đã khơi gợi biết bao nỗi niềm về trường xưa bạn cũ. Nó có sức giao thoa, lan tỏa và vang vọng tới vô cùng. Nó đánh thức cả không gian và thời gian thăm thẳm làm lay động tâm hồn! Và để lại trong ta bao luyến thương nuối tiếc, để lại khoảng trống vắng trong cõi lòng không dễ gì bù đắp được. Đấy là tuổi học trò. Giờ chỉ còn trong hoài niệm.

Như vậy, “Ngày em đi” chính là ngày ta rời khỏi ghế nhà trường ở bậc phổ thông, để bước vào đời bằng nhiều ngả khác nhau. Và “em” ở đây theo tôi là đại từ chỉ tuổi học trò, tuổi tinh khôi, tuổi đẹp nhất đời người. Để rồi, khi phải chia tay, phải giã từ ai mà chẳng tiếc nuối, nhớ thương.

Cái “Ngày em đi” ấy đã để lại đằng sau biết bao tâm trạng, không chỉ của một người, mà là của nhiều người, của những ai đã từng cắp sách đến trường. Thế mà tác giả lại dùng đại từ nhân xưng “tôi”: “Tôi ngẩn ngơ trông cây trúc đầu đình” chứ không xưng “ta”.

Suy cho cùng, trong cái chung luôn có cái riêng. Cặp phạm trù chung - riêng luôn gắn bó với nhau. Trong ký ức tươi đẹp của tuổi học trò, luôn có những kỷ niệm ngọt ngào, những khoảnh khắc thuần khiết của từng cá nhân. Nó sẽ ngân rung, vang vọng khi chạm đến. Dẫu sao vẫn là niềm luyến thương, nuối tiếc sau mười năm qua đi như được dồn nén không thể nào nguôi quên, cứ chong chong dõi về thuở ấy mà thao thức hoài thương: "Như thế đó đủ thắm lòng nồng đượm/ Mười năm rồi mà đâu đã nguôi quên/ Như thế đó đủ một đời mỏi mắt/ Mười năm rồi em còn nhớ không em...". 

Bài thơ có cấu tứ không mới, không lạ, nhưng tình thơ lại da diết, dễ đi vào lòng người. Tác giả khéo diễn đạt theo lối hiển ngôn mà thông điệp lại hàm ngôn, để lại nỗi đau đáu nhớ thương, nỗi luyến tiếc ngậm ngùi trong lòng người đọc.

BÙI HUYỀN TƯƠNG 

Mười năm
Ngày em đi một chiều thu lá đổ
Tôi ngẩn ngơ trông cây trúc đầu đình
Em vẫn xinh dẫu chỉ bước một mình
Cây trúc mọc... tang tình... Ai đó hát

Cúi mặt tôi về tơ vò chín khúc
Em xa hút cuối trời nên nhớ nên thương
Dăm tiếng ve rớt lại góc sân trường
Mùa hạ sót lèo tèo đôi cánh phượng

Như thế đó đủ thắm lòng nồng đượm
Mười năm rồi mà đâu đã nguôi quên
Như thế đó đủ một đời mỏi mắt
Mười năm rồi em còn nhớ không em...

                                       PHẠM ĐƯƠNG

Xuất bản lúc: 14:16, 09/08/2024

Ý kiến bạn đọc


.