(Báo Quảng Ngãi)- Một buổi chiều cuối xuân đầu hạ, nhìn những chùm hoa khế li ti hồng hồng chi chít khắp thân cành, làm tôi liên tưởng đến bài thơ "Cây khế" của Trần Cao Duyên - một người con của quê hương Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ). Lời thơ dung dị, đời thường nhưng mang đến nhiều cảm xúc cho người yêu thơ.
"Ngày ấy hai mình bé xíu/ Vườn nhà đôi mảnh kề bên/ Dây mướp nhà anh nghịch thế/ Băng rào kết nụ vườn em/ Thương cây lá muốn tìm nhau/ Mà ngọn cành vươn hụt hẫng/ Ghét một mảng trời cháy nắng/ Tìm cây khế nhỏ ta trồng". Ơ, bài thơ về cây khế nhưng sao lại có... dây mướp ở đây thế nhỉ? À, thì ra anh chàng thi sĩ này cũng khôn khéo thật, thể như trước khi viết về chị Hằng Nga, anh lại chấm phá vài cụm mây, dăm ba ngôi sao nhấp nháy ấy mà. Đã hết đâu, nếu lẩn thẩn nghĩ thêm một chiều hướng khác nữa theo nghĩa bóng hoặc thi pháp ẩn dụ, ta thấy cái dây mướp kia chính là hồn vía của chàng trai được thi sĩ "phù phép" vào đó. "Băng rào kết nụ vườn em" là có... ý đồ rồi, mà đó là ý đồ có phần tinh quái nhưng dễ thương, thông minh và đáng yêu lắm.
Cây khế Thương cây lá muốn tìm nhau Thế rồi hai đứa thầm mong Chiều nay trở lại vườn nhà Anh một mình nghe bão dông TRẦN CAO DUYÊN |
Tuy nhiên, cái dây mướp "Mà ngọn cành vươn hụt hẫng" này khó tồn tại lâu dài với thời gian, cũng như tình anh và em không thể mong manh như loài dây leo kia được. Thế là nhà thơ đã có sự tính toán về... chiến thuật: Thay dây mướp kia bằng một cây khế, ý chừng muốn khẳng định sự chắc chắn, bền lâu. Sau khi cây khế bé xíu được "yên vị" rồi, đôi bạn trẻ thay chăm cây, tưới nước mong cây tốt tươi, chóng lớn. Họ ước mong một ngày nào đó sẽ được hái quả tặng nhau, thể như mai này họ sẽ mang đến cho nhau một tình yêu ngọt ngào và hạnh phúc. Nhưng rồi, vì tương lai, chàng trai đành tạm biệt quê hương, gia đình và người yêu để đi tìm sự nghiệp. Cũng phải thôi, đã là trai thì phải có chí lớn, không thể cứ khư khư quẩn quanh mãi bên lũy tre làng. Đôi bạn trẻ tạm xa nhau với bao lời thề hẹn. Đợi anh, đợi anh về em nhé!
Thế nhưng, đời không ai biết được chữ ngờ. Một chiều nao chàng trai trở lại quê nhà, than ôi, đôi mảnh vườn vẫn còn đây, cây khế vẫn còn đây mà em giờ còn đâu nữa. "Em đã... về nơi phố thị" mất rồi. Em vắng xa rồi, anh thẫn thờ dưới bóng cây xanh. Tiếng gió động vòm lá thầm thĩ nhắc nhớ cho anh biết bao nhiêu là kỷ niệm. Cây khế của chúng mình chưa kịp ngọt thơm mùa trái bói, chỉ mới vừa lấm tấm hoa. Từng chùm hoa khế rưng rưng như hòa cùng tiếng lòng của chàng trai nức nở... "Anh một mình nghe bão dông/ Giữa vườn cây đang tĩnh lặng/ Chùm khế đầu mùa chưa nếm/ Mà lòng thấm thía vị chua...". Tĩnh trong động, động trong tĩnh được nhà thơ diễn tả hợp tình và tinh tế.
Đọc khổ thơ kết của "Cây khế", bỗng dưng tôi lại nhớ đến 4 câu thơ trong bài thơ "Khắng khít" của Yến Lan. Thi sĩ Yến Lan hạnh phúc biết bao vì lẽ: "Em gọt khế cuối mùa/Anh cắn từng lát nhỏ/ Ôi, quả khế vị chua/ Mà mọng nhiều thương nhớ...". Còn chàng trai trong bài thơ của Trần Cao Duyên thì không có được diễm phúc, bởi vì: "Chùm khế đầu mùa chưa nếm/Mà lòng thấm thía vị chua". Vâng, cũng vị "chua" nhưng một đàng chua trong ngọt ngào, đàng còn lại chua trong đắng đót. Buổi chiều quê yên bình, vẫn trời xanh mây trắng, vẫn tiếng chuông chùa từ xa vọng lại, vẫn những cánh ong ru ri đi tìm hoa hút mật, lòng chàng trai bỗng nổi dông bão!
Sau 45 năm đọc thơ và làm thơ, với chút hiểu biết của mình, tôi nghiệm ra rằng có quá nhiều bài thơ hay mà không cần đến những triết lý nhức đầu, hoặc rao giảng huyên thuyên về một điều gì đó khó hiểu. Nội dung bài thơ chỉ cần dung dị, đời thường, cảm xúc là đủ để gây xúc động cho người đọc. Bài thơ "Cây khế" của tác giả Trần Cao Duyên đã thể hiện được điều đó!
HÀ HUY HOÀNG