(Báo Quảng Ngãi)- "Gió qua sông rộng" là tập truyện ngắn đầu tay của tác giả Võ Văn Minh, vừa được Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành, với 13 truyện ngắn. Truyện ngắn của Võ Văn Minh ngồn ngộn vốn sống, đặc biệt là những triết lý nhân sinh thấm đẫm chất nhân văn. Tác giả Võ Văn Minh sinh năm 1959, hiện đang sinh sống tại thị trấn La Hà (Tư Nghĩa). Tốt nghiệp Trường Đại học sư phạm Quy Nhơn năm 1983, anh về dạy môn Vật lý, Trường THPT Tư Nghĩa 1 cho đến lúc về hưu.
Anh Minh trầm lặng, ít nói. Nhìn dáng vẻ anh, tôi nhận ra ở anh nét thâm trầm, đôi điều trăn trở... Vì vậy, vừa như ngạc nhiên lại vừa như một tất nhiên khi anh mang bản thảo tập truyện ngắn của mình đến Hội VH - NT tỉnh nhờ tôi xem hộ. Đây là một tập bản thảo truyện ngắn dày cộp có đến mười mấy truyện. Điều nung nấu để ông giáo dạy môn tự nhiên kỳ công ngồi viết nên bấy nhiêu trang bản thảo, nhất định không phải chuyện đùa. Và thật bất ngờ, tôi đã đọc những truyện ngắn đầu tay của người thầy giáo này với một niềm rung cảm sâu xa cùng những trường đoạn vui buồn đầy ắp hơi thở cuộc đời.
Qua nhiều buổi sáng cùng nhau cà phê và trao đổi, tôi mới biết cuộc đời anh trải qua lắm nỗi truân chuyên. Truyện của anh ngồn ngộn vốn sống, nhất là vốn sống của những tháng năm giao thời giữa chiến tranh và hòa bình, khó khăn trong thời bao cấp, cùng những vui buồn, chiêm nghiệm trong những tháng năm đứng trên bục giảng. Điều tôi thích đầu tiên trong những truyện ngắn của anh chính là độ chuẩn của từ ngữ cùng những câu văn gãy gọn, nhưng không khô khan mà có độ ngân rung của cảm xúc, chinh phục được người đọc; là một kiến văn rộng, nhất là những tri thức về âm nhạc cùng những chi tiết đậm chất sống của đời thực được chắt lọc bằng những tình tiết thú vị, đột phá, tạo nên những cảnh huống bi hài.
Cái hài trong truyện của Võ Văn Minh được xây dựng bằng những tình tiết sống động, bởi những nhân vật có số phận riêng, bởi những đối lập - tương quan trong đời sống. Như cái cảnh đám cưới của nhân vật “nó” trong truyện "Nhà nghiêng", cái tình huống đôi bạn trẻ qua cầu rớt xe trong truyện "Thằng Nam"... Cái bi ẩn trong cái hài lại chất chứa những số phận éo le, rất thực trong cuộc sống thường ngày. Bi kịch của người thầy vì đời sống quá khó khăn, phải bỏ nghề trong tác phẩm "Lão chăn vịt", cái bi xen lẫn cái hài vì bán đất trong truyện "Đổi đời", nhất là những bi kịch tình yêu trong một loạt truyện (Gió qua sông rộng, Lan Hạ, Hương rừng...). Lẽ ra, tôi nên có dẫn chứng cụ thể hơn nữa. Nhưng thôi, dường như tính bi hài xuất hiện trong hầu hết 13 truyện ngắn của tác giả Võ Văn Minh.
Cái làm nên giá trị trong truyện ngắn Võ Văn Minh chính là dù có bi đến tận cùng bi, hay hài đến tận cùng hài, thì kết thúc câu chuyện luôn là những triết lý nhân sinh thấm đẫm chất nhân văn: “Văn thẫn thờ bước ra khỏi phòng, cặp mắt ráo hoảnh, nhìn về chân trời phía tây nơi có hình bóng của hai người con gái và một mặt trời đỏ như máu rơi dần xuống những rặng núi xanh nhợt nhạt, thì thầm: Út ơi, anh sẽ không làm phiền nhà em nữa đâu, đừng chờ quà Tết của anh, món nợ ân tình của em anh sẽ giữ và không bao giờ quên nó. Mong rằng cuộc sống của em sau này gặp nhiều may mắn, tạm biệt em!” (Hương rừng)...
Cấu trúc truyện của Võ Văn Minh không mới nhưng cũng không hoàn toàn cũ. Nhiều tình tiết, yếu tố đời thực theo trường phái của chủ nghĩa tự nhiên có phần lấn át yếu tố trau chuốt của văn chương. Riêng tôi thì lại thấy đây chính là “cái khác” làm người đọc thích thú. Cùng lắng hồn, cùng ngồi nghe "Gió qua sông rộng", tôi nghĩ các bạn cũng sẽ ngạc nhiên như tôi từng đã ngạc nhiên khi bước vào thế giới nhân vật trong truyện ngắn của một cây bút là ông giáo làng này!
MAI BÁ ẤN