(Báo Quảng Ngãi)- Có rất nhiều Văn Cao (1923 - 1995) trong một Văn Cao: Văn Cao nhạc, Văn Cao thơ, Văn Cao họa, Văn Cao chiến sĩ biệt động cách mạng can trường... Trong Văn Cao ẩn chứa một tài năng, nghị lực phi thường, biết vượt qua mọi sóng gió, dông bão cuộc đời để lưu danh hậu thế.
Nhạc sĩ Văn Cao. |
Nếu trong những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng của Văn Cao có “Trường ca sông Lô”, thì trong rất nhiều tác phẩm thơ nổi tiếng của ông có Trường ca “Những người trên cửa biển”. Nhà thơ Thanh Thảo cho biết, trường ca đầu tiên của mình khi khởi bút vốn có tên là “Tháng năm và giây phút”, nhưng rồi chính ảnh hưởng từ “Những người trên cửa biển” của Văn Cao mà ông đã đổi tên thành “Những người đi tới biển” và xem đây là hai trường ca nối tiếp nhau cho dù được sáng tác cách xa nhau trên hai chục năm.
“Những người trên cửa biển” của Văn Cao ra đời năm 1956, được kết cấu thành 4 phần, mỗi phần chia ra thành từng mục nhỏ được đánh số thứ tự, tổng cộng 15 mục. Dù ra đời sớm, nhưng đây là trường ca mang dáng dấp hiện đại khi được cấu trúc theo mô-típ 4 chương của một bản nhạc giao hưởng cổ điển - một cấu trúc mà các tác giả trường ca sau này thường sử dụng. Tất nhiên, các nhà thơ của thế hệ sau có diễm phúc được nghe nhiều nhạc giao hưởng phương Tây hơn nhiều so với thời của Văn Cao. Tuy nhiên, bằng mẫn cảm của một nhạc sĩ tài hoa, lại sinh ra và lớn lên nơi vùng đất sớm chịu ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo với rất nhiều giáo đường thường xuyên ngân lên các bản Thánh ca. Vì vậy, Thánh ca chan hòa cùng giao hưởng đã hòa trộn làm nên cấu trúc bản trường ca này.
Phần I. Ai biết Hải Phòng ở đâu được chia thành 3 tiểu mục giới thiệu về quê hương nơi chôn nhau cắt rốn của Văn Cao. “Sinh tôi ra đã có Hải Phòng”, nơi ấy “Tôi nghe tiếng hát mẹ chiều ru võng/ Những ca dao của đồng lúa quê hương/ Những dáng cò lặn lội/ Những cánh cò bồng bế tôi đi”. Nơi đây cũng là vùng đất cảng mà hơi thở của nền công nghiệp đã đưa đến những đổi thay khác lạ những tháng năm đầu thế kỷ XX: “Cồn đất lầy um tùm cây cỏ dại/ Nổi lên thành một phố/ Ngọn khói đùn lên sừng sững chân trời/ Người dân thành phố/ Mồ hôi còn nước mặn phù sa/ Dầu mỡ bụi than”. Một thành phố cần lao với những người lao động cật lực đã trở thành bối cảnh và nhân vật trung tâm đi suốt bản trường ca.
Phần II. Tình yêu và khát vọng được chia thành 2 tiểu mục, ở đó có tình yêu và khát vọng của tuổi trẻ Hải Phòng một thời bị bóng đêm nô lệ vùi dập: “Tất cả tình yêu khát vọng hi vọng/ Bốc lên trong lòng/ Rơi xuống những giọt nước mắt/ Có tuổi thanh niên/ Như cây mùa xuân mới mọc/ Bị tước dần vỏ non”, dù đây là một vùng đất đầy sức sống: “Thường gió mùa bay phấn hoa trên mặt bến/ Đem từ xa về hạt giống rải qua sông/ Mảnh đất nơi đây vùi nông cũng sống/ Mấy buổi sương lên đã trổ ngọn xanh cây”. Để từ trong đêm đen mờ mịt, tuổi trẻ, bằng tình yêu và khát vọng của mình đã bỏ lại dĩ vãng sau lưng, đến với con đường mới, vươn tới chân trời mới bao la: “Con đường tôi đi/ Sau lưng là dĩ vãng/ Hai bàn tay bới đất sống, lấp sông lấp ngòi/ Những ngày mùa còn dư âm trong điệu hát/ Trước mặt tôi trời đất rộng bao la...”.
Phần III. “Những ngày động biển” chia thành 5 tiểu mục, lànhững ngày mà nhân dân “Không thể cúi đầu/ Đi hết cuộc đời cùng khổ”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh ngày một sục sôi khắp ga tàu, bến cảng. Tất cả đó đã làm nên “những ngày động biển”: “Mỗi ngày mồng Một tháng Năm/ Hải Phòng thuộc về tay chúng tôi/ Tàu đứng chết trên bến/ Máy nằm im rỉ dầu trên mặt đất/.../ Tay chúng tôi/ Làm thành những ngày động biển”. Cuộc sống mới đã khiến “những ca dao thuở trước” thành lời ca chắp cánh cho tuổi thơ vươn đến những chân trời: “Mẹ ru tôi những ca dao thuở trước/ Quê hương chúng ta giờ đã có Hải Phòng/ Không có lúa đồng thơm nhưng có trăm nhà máy/ Con ngày nay thật đã có chân trời”.
Phần IV. Những ngày báo hiệu mùa xuân chia làm 5 tiểu mục như chương kết của bản giao hưởng, gom lại nỗi đau nô lệ, giãi bày những khúc mắc, khó khăn của những ngày đầu sau cơn “động biển” để vút lên, lan xa âm hưởng của những âm thanh báo hiệu mùa xuân: “Lúa mọc dần chung quanh miền bể/ Mới ngọt ruộng đồng mới trong dần tiếng hát/ Hải Phòng hiện lên bóng khói nguy nga/ Hải Phòng đón tất cả/ Những con tàu bạn xa xôi”. Đó là lúc Hải Phòng cùng cả nước “dựng lên âm nhạc”, “dựng lên hội họa”, “dựng lên thơ”, “dựng lên tư tưởng làm nhựa dẫn lòng tôi” để “Cho đôi lứa yêu nhau/ Những giờ phút ngày xưa chưa có”.
Có thể nói, bằng những câu thơ tự do giàu biểu tượng, “Những người trên cửa biển” của Văn Cao thật sự trở thành trường ca mở đầu cho tiến trình phát triển của trường ca hiện đại Việt Nam.
MAI BÁ ẤN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: