(Báo Quảng Ngãi)- Trong cuốn sách “Văn học Hán Nôm Nam Trung Bộ diện mạo và đặc điểm” do TS.Võ Minh Hải làm chủ biên cùng với các cộng sự thuộc Trường Đại học Quy Nhơn nghiên cứu hơn mười năm qua có nội dung đề cập đến dòng chảy văn học Hán Nôm miền Ấn - Trà với nhiều tác giả tiêu biểu.
Sách “Văn học Hán Nôm Nam Trung Bộ diện mạo và đặc điểm” do Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 2022. Cuốn sách dày hơn 300 trang, gồm 7 chương. Ngoài phần dẫn nhập, cơ sở hình thành và lược sử nghiên cứu văn học Hán Nôm Nam Trung Bộ cũng như tiến trình lịch sử vận động của vùng văn học, các tác giả đi sâu vào nghiên cứu diện mạo, đặc điểm của những tác giả tiêu biểu ở vùng Nam Trung Bộ. Đồng thời, công trình bước đầu nhận diện một số khuynh hướng sáng tác chính, chủ đề, hình tượng con người, đặc điểm thể loại và ngôn ngữ của các tác phẩm Hán Nôm thuộc vùng văn học Nam Trung Bộ. Từ đó, đưa ra những kết luận về vị trí và đóng góp của Văn học Hán Nôm Nam Trung Bộ trong tổng thể nền văn học cổ điển Việt Nam.
Được xem là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, văn học Hán Nôm Quảng Ngãi trong giai đoạn này xuất hiện nhiều tác giả tiêu biểu. Trong tập sách này, các nhà nghiên cứu đã nhắc đến một số tác giả ở Quảng Ngãi như: Huỳnh Công Khế (nửa sau thế kỷ XV), Bùi Tá Hán (1496 - 1568), Mai Đình Dõng (? - 1602), Trần Cẩm (1545 - 1640), Gioan Thanh Minh (1588 - 1663), Nguyễn Cư Trinh (1716 - 1767), Trần Công Hiến (? - 1817), Trương Đăng Quế (1793 - 1865), Nguyễn Tự Tân (1848 - 1885), Lê Trung Đình (1867 - 1885)...
Ở chương 4, viết về các tác giả tiêu biểu, nhóm nghiên cứu đã đi sâu khảo sát, nhận diện về tác giả Trương Đăng Quế, một trong những danh gia, trọng thần Triều Nguyễn. Trương Đăng Quế tự là Diên Phương, hiệu Đoan Trai, biệt hiệu Quảng Khê Tẩu sinh quán tại làng Mỹ Khê (nay là xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi). Ông là một trọng thần, xuất thân khoa bảng điển hình. Về văn học, ông đã để lại một sự nghiệp lừng lẫy. Nhận định về vấn đề này, nhóm tác giả đã đưa ra quan điểm khảo cứu và nhận định: “Ông là vị Tổng tài đầu tiên của Quốc sử quán, mở đầu cho sự nghiệp viết sử Triều Nguyễn. Trương Đăng Quế đã chủ biên các tác phẩm đồ sộ và có ảnh hưởng đến hậu thế như: Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam liệt truyện tiền biên, Đại Nam thực lục chính biên (Chép đến Thiệu Trị)...”. Thơ văn của Trương Đăng Quế với đầy đủ những cung bậc, sắc màu và sự trải nghiệm qua nhiều đoạn đường ông từng trải. Trương Đăng Quế được các nhà nghiên cứu nhận diện như bậc lương thần, thi sĩ.
Công trình cũng đã đi sâu khảo cứu về một số tác giả tiêu biểu như Nguyễn Cư Trinh, Huỳnh Thúc Kháng. Ở phần này, Huỳnh Thúc Kháng được đánh giá là “một nho sĩ, nhà báo cách mạng”, và cốt cách, hạo khí của Cụ Huỳnh được các nhà nghiên cứu nhấn mạnh: “Là người con ưu tú của quê hương Nam - Ngãi, ngay từ nhỏ Huỳnh Thúc Kháng đã ham học, thông hiểu học thuyết của nho gia. Tinh thần Khắc kỷ phục lễ đã được ông tiếp thu và thực hành rất chuyên tâm”. Trong khuôn khổ văn thơ Hán Nôm, Huỳnh Thúc Kháng được xem “một tác giả Hán Nôm quan trọng của khu vực Nam Trung Bộ”. Về sự nghiệp sáng tác, “ông có một số tác phẩm nổi tiếng ở giai đoạn này như: "Huỳnh Thúc Kháng niên phổ", "Thi tù tùng thoại". Trong đó, “Thi tù tùng thoại" là tập thơ tù đầu tiên của văn học Việt Nam.
Là một công trình nghiên cứu mang tính chuyên khảo, “Văn học Hán Nôm Nam Trung Bộ diện mạo và đặc điểm” đã bước đầu tìm tòi và xác định được vị trí và những đóng góp của văn học Hán Nôm Nam Trung Bộ trong tiến trình phát triển văn học, đặc biệt là văn học cổ điển ở góc nhìn địa - văn hóa. Đây được xem là bộ phận quan trọng của văn học cổ điển dân tộc. Tiến sĩ Võ Minh Hải chia sẻ, đây là công trình tổng quát về một vùng văn học quan trọng nhưng chưa được đánh giá đúng tiềm lực, nhất là ở phương diện sáng tác Hán Nôm. Đồng thời, chúng tôi muốn đồng hành cùng thầy cô giáo ở các trường phổ thông trong việc giới thiệu văn học Nam Trung Bộ đến học sinh trong khu vực này trong chương trình giáo dục địa phương. Hy vọng tập chuyên khảo sẽ cung cấp cho giáo viên, học sinh trên vùng đất Nam Trung Bộ những tư liệu văn học cần thiết.
VÂN ĐAM