(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian trôi qua đã lâu, nhưng với những người lớn tuổi, một thời sinh sống ở tỉnh Nghĩa Bình cũ thì vẫn luôn nhớ đến ông Phan Tư Thi. Bởi lẽ, ông Thi là thợ chụp ảnh nổi tiếng thời bấy giờ. Ông đã chụp được nhiều bức ảnh đẹp về Quảng Ngãi.
Ông Phan Tư Thi và tác giả tại Phú Quốc (Kiên Giang). |
Ông Phan Tư Thi năm nay đã hơn 70 tuổi, quê xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa). Thời chiến tranh, ông vào Quy Nhơn (Bình Định) sinh sống, mở hiệu ảnh ở ngay trục lộ chính, nay là đường Lê Hồng Phong. Hồi còn tỉnh Nghĩa Bình, trước năm 1989, về công tác ở Sở Văn hóa - Thông tin Nghĩa Bình, tôi mới biết ông là người quê gốc Quảng Ngãi. Lúc bấy giờ, nhiếp ảnh là nghề rất sang, máy ảnh rất hiếm, ở Sở Văn hóa - Thông tin Nghĩa Bình có hai tay máy là bác Nguyễn Hy và anh Vũ Doanh Dzụ, còn bên ngoài nhà nước chủ yếu là hiệu ảnh của ông Phan Tư Thi và một vài hiệu ảnh khác.
Kể ra sẽ không có điều gì đáng nói nếu ông Phan Tư Thi chỉ quanh quẩn ở hiệu ảnh của ông, chờ người đến chụp ảnh thẻ, ảnh kỷ niệm, hoặc đi đâu đó chụp ảnh đám cưới, lễ tiệc, hội nghị. Ông Thi chịu khó đi đây đó, với con mắt nghệ sĩ của mình, ông đã chụp được những khoảnh khắc đắt giá của đất và người, trong đó có nhiều bức ảnh về Quảng Ngãi. Ông về vùng cuối nguồn sông Trà Khúc để chụp ảnh Cổ Lũy cô thôn, bức ảnh đong đầy màu sắc sông nước hữu tình. Cũng ở Cổ Lũy, ông chụp ảnh những cây dừa nghiêng, bình yên trên sông nước, những cậu con trai nghịch ngợm leo cao. Và, ông đã chụp chân dung một lão ngư ở thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê với màu da như bức tượng đồng, trải qua biết bao sóng gió và cũng là người thuộc rất nhiều ca dao. Không quản ngại đường sá trắc trở, lên vùng cao Sơn Hà (gồm cả Sơn Tây ngày nay), ông Thi chụp các cụ ông, cụ bà người Hrê uống rượu cần, thiếu nữ Ca Dong mang gùi về làng. Đặc biệt, đến xã Sơn Kỳ, ông chụp ảnh anh hùng Đinh Kmé- người bắn hạ máy bay Mỹ. Với cánh máy bay vẫn còn nằm ngoài trời, Kmé được bố trí ngồi ở mép với cây súng cầm hờ trên tay.
Ảnh Cổ Lũy cô thôn do ông Phan Tư Thi chụp. |
Thời tỉnh Nghĩa Bình, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có lần về thăm tỉnh, phát biểu trước cán bộ và nhân dân ở tỉnh lỵ Quy Nhơn, ông Thi đã không bỏ lỡ cơ hội, chụp được những bức chân dung khá tốt, nay còn một bức ảnh được lưu giữ tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1985, nhân kỷ niệm 10 năm giải phóng, tỉnh Gia Lai - Kon Tum phối hợp với Viện Nghiên cứu âm nhạc quốc gia tổ chức hội thảo khoa học và lễ hội cồng chiêng, mời nhiều tỉnh tham gia, trong đó có tỉnh Nghĩa Bình. Đoàn nghệ nhân tỉnh Nghĩa Bình có các nghệ nhân đến từ huyện Sơn Hà, Trà Bồng. Ông Thi từ Quy Nhơn lên Pleiku và chụp được nhiều bức ảnh ấn tượng, đặc biệt là bức ảnh đấu chiêng của 3 nghệ nhân người Cor trong lớp lớp khán giả vây kín, hò reo cổ vũ. Một trong các nghệ nhân ấy là Hồ Văn Biên, nay đã được phong Nghệ nhân ưu tú. Thời bấy giờ, dùng máy ảnh phim, rất tốn kém, nhưng với Phan Tư Thi, có được bức ảnh đẹp còn quý hơn cả tiền bạc.
Sau năm 1989 một thời gian, ông Thi chuyển vào TP.Hồ Chí Minh, rồi lại ra tận Phú Quốc (Kiên Giang) sinh sống. Không phải ông đi để “đón đầu” du lịch chi cả, mà là bởi đam mê cảnh vật nơi đây. Năm 2017 có dịp đi Phú Quốc, tôi tìm đến căn nhà nhỏ giữa làng quê vắng lặng bên cửa biển Cạn thăm ông. Hàn huyên tâm sự, ông lục tìm cho xem những tác phẩm như một góc kỷ niệm không thể phai trong tâm hồn, đó là những bức ảnh về quê hương Quảng Ngãi.
CAO CHƯ