Tác giả - Tác phẩm: Danh thần Phạm Phú Thứ và tập thơ về Quảng Ngãi

10:28, 14/10/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Nam hành thi lục” (thơ viết trong chuyến đi Nam) là tập thứ 6 trong 13 tập thơ chữ Hán nằm trong bộ “Giá Viên thi thảo” của Phạm Phú Thứ (1821 - 1882). Đây là một trong những tập thơ hiếm hoi về Quảng Ngãi ở thời trung đại. Đặc biệt hơn, tác giả của tập thơ không phải là người Quảng Ngãi.

 

Năm Minh Mệnh thứ 7 (1854), Phạm Phú Thứ được bổ làm Tri phủ Tư Nghĩa. Ông làm quan tại đây không lâu nhưng đạt được nhiều thành tựu, tiêu biểu là lập được hơn 50 kho nghĩa thương để phòng việc chẩn tế... Một thành quả khác không thể không nhắc đến trong thời gian công cán tại đây của ông là sự ra đời của “Nam hành thi lục”.

“Nam hành thi lục”gồm 30 bài thơ viết theo các thể tứ tuyệt, bát cú, trường thiên... Trừ 2 bài thơ đầu làm tại kinh đô Phú Xuân, 28 bài còn lại được sáng tác tại Quảng Ngãi. Trong tập thơ này, Quảng Ngãi để lại dấu ấn đậm nét trên nhiều phương diện.
Nhậm chức tại Quảng Ngãi, Phạm Phú Thứ đi và viết nhiều. Trong thơ, ông nhắc đến một loạt địa danh của xứ Quảng: Ấn lĩnh (núi Thiên Ấn), Trường Lũy, Trà giang, Khúc giang (sông Trà Khúc), Thiên Bút sơn (núi Thiên Bút), Nghĩa thành (thành Quảng Ngãi), Mỹ Khê, Bình Sơn, Tư Nghĩa, Minh Long, Mộ Đức, Vệ thủy (sông Vệ), Thạch Bích (Đá Vách), Ba Tơ, Nước Lá, Cao Môn, Tưu Da, Tượng Đầu nham (núi Đầu Voi), Trường Lệ phế khư (gò hoang Trường Lệ), Phong Yêu (Eo Gió)... “Nam hành thi lục” là một trong những tập thơ nhắc đến địa danh ở Quảng Ngãi nhiều nhất.

Trong thi tập này, Phạm Phú Thứ có nhiều vần thơ hay ghi lại một cách sinh động thiên nhiên, danh thắng, truyền thống văn hóa, đời sống người dân xứ Quảng. Ví như, vẻ đẹp thơ mộng của dòng sông Trà trong xuân mới: “Xuân lưu trạm úc Trà giang nghiễn” (Dòng xuân ấm dần lên trên dòng sông Trà như cái nghiên mực); vẻ tráng lệ của ngọn Thiên Bút: “Hùng khan bạt địa phong lăng tuấn/ Kỳ ái phê vân thể thế đoan” (Núi vươn cao, trỗi lên mặt đất, xem thật hùng tráng/ Thế ngay thẳng, thích nhất là như viết vào mây - Thiên Bút sơn bộ Võ Thị lang Trúc Nham, Lê Phiên đài Thọ Sơn nhị công xướng họa nguyên vận). Trong thơ ông, vùng Đá Vách hiện lên đầy uy nghi: “Thạch Bích trùng nham hiểm” (Đá Vách muôn trùng hiểm trở - Nguyệt trung đăng quân lâu); còn vùng núi Minh Long lại được khắc họa ở vẻ hoang sơ, yên bình: “Tượng Đầu nham hạ tịnh lang yên/ Lũy hậu Phong Yêu lộ thần nhiên/ Bách điểu sấn tình huyên giản thụ/ Nhất lê phi vụ nhập sơn điền” (Dưới núi Đầu Voi khói lang tĩnh lặng/ Phía sau lũy, đường qua Eo Gió bằng phẳng/ Trời tạnh, bầy chim ríu rít trong bụi cây ven suối/ Một con trâu bạc xé màn sương đi vào ruộng núi - Hiểu quá Phong Yêu)...

Bên cạnh thơ, “Nam hành thi lục” còn có nhiều lời tựa, nguyên chú khá dài, ghi chép tỉ mỉ, cung cấp nhiều thông tin quan trọng về Quảng Ngãi đương thời như sự tích chùa Thiên Ấn, đàn thờ thần Sông Núi dưới chân Thiên Bút, lịch sử hình thành Trường Lũy, tình hình vùng núi phía tây, danh nhân họ Bùi có công lớn được nhân dân thờ phụng... Đây là những tư liệu có giá trị đối với việc tìm hiểu Quảng Ngãi dưới thời nhà Nguyễn.

Ở bài “Quận Trai thư sự”, tác giả ca ngợi: “Quốc triều đại định sơ/ Gia danh tích Tư Nghĩa/…/ Địa thiên khí chung tú/…/ Dân phong thượng sắc ước/ Sĩ tập diệc đôn chí” (Quốc triều vừa đại định/ Ban tên đẹp Tư Nghĩa/.../ Đất nghiên khí tốt hun đúc/.../ Phong tục dân cần kiệm/ Kẽ sĩ chí đôn hậu). Rõ ràng, dù chỉ nhiệm sở trong thời ngắn nhưng Phạm Phú Thứ đã dành cho nơi đây nhiều tình cảm tốt đẹp. “Nam hành thi lục” chính là món quà từ tấm lòng yêu mến mà danh thần Phạm Phú Thứ dành riêng cho Quảng Ngãi.

PHẠM TUẤN VŨ 

Xuất bản lúc: 10:28, 14/10/2023

Ý kiến bạn đọc


.