Truyện ngắn: Tấm áo người lính ngày trở về

06:39, 03/09/2023
.

1. Ông Luyện tập tễnh bước ra hàng hiên, bộ quần áo màu xanh đã chuyển màu cỏ úa, đôi chỗ sờn cũ. Chiếc áo có mảnh vá trên vai trái cũng đã ngả màu theo thời gian, phần tay áo được thắt gút lên sát tận vai...
Ông Luyện mân mê trên tay tờ giấy ghi địa chỉ, lòng dâng trào cảm xúc khó tả. “Mẹ ơi! Không biết mẹ còn nhận ra con không nhỉ?”, ông thầm hỏi. Con trai ông Luyện đang đánh chiếc xe ô tô nhỏ vào sân. Vợ ông, bà Mai đang sắp xếp chiếc vali nhỏ, một ít đặc sản được đóng gói gọn gàng trong chiếc túi bóng để trong cốp xe.

MH: VÕ VĂN
MH: VÕ VĂN

2. Mẹ Lai đưa mắt nhìn xung quanh căn nhà. Ánh mắt mẹ dừng trên trang thờ, chú mục vào khung ảnh trống, đó là nơi thờ thằng Luyện con trai út của mẹ. Hòa bình đã bao năm mà xác con trai mẹ mãi vẫn chưa tìm được. Mẹ cũng chẳng có tấm hình chân dung nào của thằng nhỏ để thờ. Đôi mắt của mẹ đã mờ đục, những nếp gấp thời gian hằn sâu trên khuôn mặt mẹ như mảnh vải bị vò nát nhàu.

Buổi chiều, cơn mưa dông kéo qua vội vã kèm theo tiếng sét chói tai. Mẹ Lai lập cập thu vội mấy bộ quần áo đang phơi trước sân nhà, bỗng mẹ sững người. Ai? Có phải thằng Luyện đang đứng trước cổng nhà kia không? Dáng đứng kia, mảnh vá trên vai áo kia thân quen đến lạ. Mắt mẹ Lai chợt nhòa đi, trong hai hốc mắt già nua, giọt lệ đục ngầu lăn dài thấm qua những nếp nhăn trên má, mẹ khàn giọng gọi: “Luyện phải không con?”.
Bóng áo xanh tập tễnh bước về phía mẹ, cánh tay còn lại ôm choàng lấy mẹ, thân hình mẹ nhỏ bé đi nhiều so với người mẹ trong trí nhớ của ông Luyện.

3. Ông Luyện thắp nén nhang lên bàn thờ, bàn tay khẽ chạm vào tấm Bằng Tổ quốc ghi công đã ố vàng theo thời gian, tấm bằng ghi đồng chí Bùi Luyện đã hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

4. Đã lâu rồi mẹ Lai không cười nhiều như vậy. Nụ cười dường như đã tắt lịm từ ngày mẹ nghe tin chồng con mẹ bị địch tập kích khi đang vượt sông về nhà. Chồng mẹ lúc ấy đã bơi vào gần bờ nên được vớt lên chôn sau mé hiên, còn thằng Luyện trôi theo dòng nước ra ngoài cửa biển, “biết đâu mà tìm...”, mẹ bảo vậy.
Bữa cơm tối dọn ra trong ánh điện sáng choang, cầm bát cơm mẹ xới, ông Luyện cười nói: “Mấy món ăn mẹ nấu y chang như ngày trước chúng con về, khác mỗi giờ được ngồi ăn đàng hoàng dưới đèn điện chứ không phải ngồi trong hầm dưới ánh đèn dầu leo lét nữa”.
“Tổ cha mi, sao mi đi là đi luôn, không thấy quay về thăm mẹ lần nào”, mẹ Lai mắng nhưng giọng nói lại ngập tràn những yêu thương.

5. Cơm nước xong xuôi, mẹ Lai nằm đong đưa trên chiếc võng, ông Luyện kê chiếc đòn ngồi bên cạnh. Bàn tay ông nắm lấy bàn tay mẹ, mân mê những nếp nhăn. Mẹ Lai bất giác đưa tay vuốt lên vai trái ông Luyện rồi thở dài: “Sao con vẫn còn mặc cái áo này?”.
Những năm tháng xưa cũ như cuốn phim tua ngược dần hiện lên trong ký ức của mẹ Lai và ông Luyện.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, quê hương mẹ Lai là vùng địch chiếm đóng. Chồng con mẹ đều “nhảy núi”, chỉ còn mẹ ở lại căn nhà nhỏ. Ngày mẹ ra đồng làm việc, đêm mẹ đào hầm nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ. Năm đó, thằng Luyện, con trai mẹ, gửi tin sẽ dẫn theo cán bộ về. “Tưởng nó dẫn các chú các bác như mọi lần, dè đâu nó chỉ dẫn mỗi anh thanh niên, nhìn là biết trí thức rồi”, mẹ hồi tưởng lại. Con trai mẹ Lai dáng người nhỏ bé, làn da đen nhẻm, vì thông thuộc địa hình, lại nhanh nhẹn nên anh được tổ chức giao làm nhiệm vụ giao liên. Lâu lâu lại dẫn cán bộ đến các căn cứ an toàn tại địa phương. Vì là con trai út trong gia đình nên mọi người gọi anh là Út Luyện. Năm đó, Út Luyện được giao nhiệm vụ đưa ông Luyện từ miền Bắc mới vào đến khu căn cứ cách đó gần 20 cây số. Sau đêm vượt rừng, anh bảo sẽ đưa ông Luyện về nhà để trú tạm một đêm hôm sau mới tiếp tục lên đường được.

Trên đường đi, Út Luyện cứ trầm trồ: “Lần đầu tiên em gặp cán bộ mà trắng trẻo, thư sinh như anh đó. Chắc anh học giỏi lắm phải không? Không có chiến tranh thì chắc anh cũng là kỹ sư hay nhà bác học rồi nhỉ? Em cũng ước sau này hòa bình cũng được đi học đàng hoàng. Mấy chú trên núi có dạy chữ cho em, mà thời gian ít quá nên em chưa học hết chữ nữa...”, tay vạch vạt cỏ cao hơn người, miệng liến thoắng nhưng Út Luyện vẫn chú ý quan sát xung quanh, chỉ cần động tĩnh nhỏ là anh vội vàng che chắn cho người đi sau bằng thân hình nhỏ bé của mình.
Ông Luyện nhớ lại, nhờ những câu trò chuyện của người giao liên đó mà mình bớt bỡ ngỡ, bởi lần đầu tiên ông rời xa quê nhà. Ông cũng bất ngờ khi cậu bé loắt choắt đó lại cùng tên cùng họ với mình, chỉ khác tên ông có thêm chữ Văn ở giữa...

6. Đón ông Luyện trong căn nhà tranh là người phụ nữ trung niên mặc bộ quần áo bà ba màu nâu thẫm, mái tóc dài được búi lại rồi cặp gọn bằng chiếc cặp ba lá nhỏ. Mang chất giọng miền Trung đặc sệt, mẹ hỏi han, quan tâm ông đủ điều hệt như con trai mẹ. Biết được tên cán bộ, mẹ cười hào sảng bảo: “Vậy nay mẹ có đến 2 đứa con rồi".
Dự tính ở lại một đêm nhưng rốt cuộc, ông Luyện phải ở nhà mẹ Lai đến 10 ngày, bởi nghe tin lính Mỹ đi càn, bọn tay sai của địch cũng lân la khắp chốn nên Út Luyện quyết định ở lại nhà chứ không dám mạo hiểm dẫn ông vượt sông. Những ngày trú trong căn hầm nhỏ nhà mẹ Lai, ông Luyện được chăm sóc rất chu đáo. Để tránh bị phát hiện, hằng ngày mẹ Lai vẫn ra đồng, mỗi chiều mẹ đều kéo thêm mấy tàu dừa khô, miệng với sang nhà hàng xóm. “Mấy nay trời chuyển rồi dì Ba, lo kéo mấy tàu dừa về ít bữa còn có cái mà đun”; “phải ráng lo cho thân mình chứ dì Ba, cha con nó chết rấp ở đâu tôi cũng không quan tâm. Bỏ tôi đi rồi thì còn quan trọng gì nữa, đúng không dì?”, mẹ Lai vừa nói vừa khéo léo cài tàu dừa che khuất miệng hầm.

Có một đêm, mẹ Lai xuống hầm mang theo cuộn chỉ xanh. Mẹ vẫy Út Luyện bảo: “Thằng út xỏ cho má cây kim. Hai đứa bây cởi áo ra để má vá lại áo cho. Dưới căn hầm chật chội, ba người ngồi co ro dưới ngọn đèn dầu, bóng mẹ tỉ mẩn từng mũi kim hắt lên vách hầm, mẹ chép miệng: “Sao áo hai đứa rách chỗ giống nhau thế này, ngay vai áo dễ thấy lắm. Hôm nào lên núi, thằng Luyện lấy cái áo mới bữa hổm đổi áo cho anh nghen bay”. Út Luyện dạ ran, cười híp mắt rồi vỗ bồm bộp vào cái túi đan để dưới đất, nói: “Má không lo, con có đem theo cái áo mới đây, may mà chưa mặc lần nào”. Ông Luyện nghe nói vậy vội xua tay: “Thôi má ơi! Con có đồ mà, má vá cho con thiệt đẹp là được”. Út Luyện ngẩng lên nhìn ông rồi cười xòa: “Mới có mấy ngày mà ảnh nói được từ địa phương luôn rồi má”.
Hai chiếc áo xanh được mẹ Lai khéo léo vá lại vết rách trên vai, bên trong đắp miếng vải được cắt ra từ tấm vải dù mà mẹ nhặt được trong một lần lính Mỹ thả nhu yếu phẩm trên cánh đồng gần nhà.

7. Ngày con trai mẹ Lai dẫn ông Luyện vượt sông, mẹ nhét thức ăn vào chiếc ba  lô vải, rồi lại dặn dò: “Hai đứa đi giỏi nghen, khi nào rảnh thì về thăm mẹ, một chốc cũng được nghen bay...”, lời mẹ nghẹn lại, giọt nước mắt mẹ cố kìm khiến khóe mắt đỏ hoe. Nói rồi mẹ quày quả quay lưng bước về nhà. Mới có mấy ngày thôi mà ông Luyện tưởng như mẹ Lai đã nuôi nấng mình từ lâu lắm vậy...
Ấy vậy mà sau lần đó, ông Luyện không có dịp trở lại nhà mẹ Lai hay gặp lại Út Luyện lần nào nữa. Chiến sự căng thẳng, ông cũng gấp rút hành quân theo đơn vị nên cũng chẳng kịp gửi lời chào từ biệt. Ngày giải phóng, mang theo vết thương chiến tranh ông về lại quê hương. Bao dự định tìm về nhà mẹ Lai, xem cậu bé Luyện nay đã trưởng thành như thế nào mãi vẫn không thực hiện được.
Mười năm trước, ông Luyện nhờ người về chiến trường xưa để tìm giúp mình người mẹ năm xưa, nhưng do ông chỉ nhớ mẹ tên Lai mà không nhớ cụ thể quê quán nên trọn một thập kỷ ông mới tìm được gia đình mẹ.

8. Ông Luyện lôi trong chiếc ba lô bộ đội của mình chiếc áo xanh được gấp gọn, thoang thoảng mùi hoa nhài. Chiếc áo có mảnh vá giống hệt chiếc áo ông đang mặc trên người. Năm đó, sau khi dẫn ông đến điểm an toàn, Út Luyện nằng nặc đưa cho ông chiếc áo mới, nhưng ông Luyện không đồng ý. Cuối cùng ông Luyện lại đổi chiếc áo mới của mình để lấy chiếc áo mà mẹ Lai đã vá cho Út Luyện.
 “Như vậy thì kỳ quá không anh? Tự nhiên em lại có đến hai chiếc áo mới, còn anh lại mặc hai chiếc áo vá”, Út Luyện vò mái đầu khét nắng ra chiều bối rối.
Ông Luyện nghiêm nghị bảo: “Không sao đâu, áo má vá anh lại càng quý hơn ấy chứ. Em cố gắng giữ gìn 
sức khỏe, sau này hòa bình còn 
đi học nhé”.
“Dạ, em biết rồi”, Út Luyện 
mỉm cười.

9.“Tấm áo ấy, bấy lâu nay, con thường vẫn mặc. Quần nhau với giặc áo con rách thêm, nên các mẹ già phải thức thâu đêm vá áo. Tấm áo ấy, bấy lâu nay, con quý hơn cơm gạo. Đời mẹ nghèo, trông áo rách, áo rách nên thương...”, chiếc radio bên giường mẹ Lai vang lên câu hát trong bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý như nói ra nỗi lòng của ông dành cho mẹ Lai.

Hai chiếc áo mẹ Lai vá đến nay ông vẫn giữ, một chiếc ông vẫn luôn mặc trong những ngày trọng đại, một chiếc ông giữ gìn cẩn thận để mong ngày nào đó được trao tận tay cho mẹ năm xưa.
Trao tận tạy mẹ tấm áo của Út Luyện cho mẹ Lai, ông Luyện đỏ hoe mắt bảo: “Luyện đã trở về với mẹ, mẹ ơi!”.

THIÊN DI

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 06:39, 03/09/2023

Ý kiến bạn đọc


.