(Báo Quảng Ngãi)- Với nhà thơ Nguyễn Tấn On, quê hương luôn nặng một niềm thương. Vì thế, trong thơ của ông đều có hình ảnh quê hương núi Ấn - sông Trà và những kỷ niệm thời thơ ấu bên dòng sông quê êm đềm...
Nhà thơ Nguyễn Tấn On. ẢNH: NHẬT THANH |
Nhà thơ Nguyễn Tấn On (66 tuổi), quê ở thôn Vạn An, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa). Từ năm 21 tuổi, anh đã đi lập nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng. Từ những ngày còn là cậu học sinh trung học lóc cóc đạp xe đến trường, Nguyễn Tấn On đã bắt đầu gieo vần trên những trang viết. Thổn thức với thơ từ khi còn rất trẻ, đến nay Nguyễn Tấn On đã xuất bản 10 tập thơ. Trong đó, có các tập thơ "Thơ tặng người" (Nhà xuất bản Văn nghệ - 2000), "Phượng xưa" (Nhà xuất bản Văn nghệ - 2001), "Hồn quê" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2003), "99 bài lục bát" (Nhà xuất bản Văn học - 2012)... Năm 2012, Nguyễn Tấn On được Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam”. Hiện nay, anh sinh sống và làm việc tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng).
Hơn 40 năm sống xa quê, Nguyễn Tấn On luôn đau đáu tình yêu và nỗi nhớ quê hương Quảng Ngãi. Từ đó, anh gửi gắm vào thơ kỷ niệm thuở chăn trâu, cắt cỏ, thả diều và nỗi nhớ những chiều tắm sông, nhớ hương lúa trên đồng quê, nhớ dáng mẹ về lưng cong đòn gánh... Từng tên gọi, từng hình ảnh quê hương được Nguyễn Tấn On nhắc đến trong thơ với nỗi niềm khắc khoải: “Từ trong nỗi nhớ sông Trà/ Tiếng chuông Thiên Ấn la đà mặt sông/ Bạn giờ còn nhớ hay không/ Một thời lang bạt cửa Đông la cà” (Nỗi buồn đánh rơi).
Bìa một số tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Tấn On. ẢNH: NHẬT THANH |
Nhớ quê hương, tác giả nhớ đến người mẹ tảo tần sớm khuya, nhớ đôi thúng mỗi ngày mẹ gánh don để đổi lại những bát cơm đầy: “Quê tôi cửa sông nước hai/ Khi đàn chim mía sớm mai gọi bầy/ Mẹ tôi một gánh don đầy/ Dẻo vai rao bán đó đây xa gần/... Mẹ không còn nữa ui đầy nhớ thương” (Mẹ và gánh don). Nhớ về gánh don là nhớ về mẹ, nhớ quê hương núi Ấn - sông Trà, nơi có món đặc sản don nổi tiếng. Tác giả nhớ cả “cái ui”, cái hũ để đựng don... Nhớ từng chút một như vậy. Anh lưu giữ từng hình ảnh thân thương về quê hương. Thế mới thấy Nguyễn Tấn On yêu quê hương như yêu cuộc đời mình.
Đọc các bài thơ "Về Thu Xà thăm trường", "Gửi người quá giang trên con thuyền ngược", "Về quê", "Về với sông quê", "Mưa quê"... những người con Quảng Ngãi xa quê như thấy bóng dáng mình trong đó, với tình yêu và nỗi nhớ quê da diết. "Này sông, này cỏ, này mưa/ Tôi là đứa bé ngày xưa - trở về” (Về với sông quê). Những vần thơ trên đi vào lòng bạn đọc bởi sự nhẹ nhàng, gần gũi như chính dòng sông quê.
Tình yêu quê hương đã thôi thúc tác giả viết hàng trăm bài thơ về quê nhà. Đọc thơ Nguyễn Tấn On, bạn đọc sẽ cảm thấy lòng mình rung động, bởi tình yêu quê hương sâu nặng, dạt dào. Nhận xét về thơ Nguyễn Tấn On, nhà thơ Thanh Thảo đã viết: “... không căng cứng, không lắm lời, không tỏ ra bảo thủ hay cách tân, là thơ tự nhiên của nửa muốn bày tỏ, lại nửa như ngại ngần; người làm thơ này trôi hun hút về quê nhà, hun hút trôi về tuổi thơ".
Ấn tượng với thơ lục bát của người bạn đồng hương, TS.Nguyễn Đăng Vũ - nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL viết: “Hiếm có người làm thơ lục bát cho ra thơ lục bát... Ấy vậy mà, Nguyễn Tấn On không những dám viết nhiều thơ lục bát, lại còn có nhiều bài thơ lục bát thật hay”.
NGUYỄN NHẬT THANH