1. Mình yêu nhau đi. Yêu nhau thật bình yên. Hưng ngỏ ý, đó là một ngày mùa hạ về ngang phố, mang những cánh sen trắng hồng rong ruổi khắp các ngõ ngách của Hà Nội. Gió lộng bát ngát phả chút hơi nước từ hồ làm không khí bớt oi nồng. Hai đứa ngồi ngay cái ghế quen thuộc, nép mình dưới đám liễu rũ dài thườn thượt bên hồ.
MH: VÕ VĂN |
An khẽ quay nhìn cậu nhóc. Giỡn chi chẳng vui tí nào. Làm vậy chết duyên con gái người ta. Biết chi mà đòi yêu. Lo học đi cậu em. Giờ mình làm chị em tốt của nhau thôi.
Hưng thở dài, rải đều giọng thủ thỉ, như sợ những con sóng gợn lăn tăn phía ngoài hồ sẽ cuốn mất lời thương của cậu. Có thể An không tin, hay là còn e ngại điều gì. Nhưng với Hưng, yêu một phía từ mình, thì đó vẫn là yêu.
Rời hồ, Hưng chở An dọc con phố thẳng tắp hàng sấu xanh xanh, cao vút. Mùa này, những trái sấu non rung rinh theo mỗi cơn gió lùa. Khoảng đường chầm chậm trôi qua như Hưng muốn thế. An ngồi phía sau, vẫn lặng yên không nói. Có vội vàng quá chăng? Vây quanh Hưng là biết bao cô gái trẻ trung, tươi xinh. Cớ chi lại chọn bà cô già vụng về, lại thêm chút đành hanh này.
Đôi khi tuổi trẻ dẫn ta đi qua những tháng năm mơ hồ rất nhiều điều yêu thích. Đến một ngày nào đó, khi đã va vấp, đã nhuốm trải những ngọt mặn chát đắng, ấy là lúc ta ngoảnh lại nhìn những sốc nổi ngây dại, và buông tay nhẹ nhàng, chẳng luyến tiếc.
An không muốn mình chỉ như một cơn gió lạ nào đó, chợt đến, gieo vào lòng cậu nhóc chút tươi mát tâm hồn non dại. Rồi lại dễ dàng bị thay thế bởi những ngọn gió khác, những ngọn gió hừng hực thanh xuân. Chẳng ai đợi chờ một cơn gió cả. Bởi ngoài kia, trời vẫn luôn thổi, trăm ngàn cơn gió tới. Bởi chẳng ai là mãi mãi trong một ai đó. Nhất là những gì càng vội vàng thì càng dễ tan vỡ.
2. Hưng nhỏ tuổi hơn An. Tình yêu tuổi đôi mươi với một thằng con trai nó bồng bột bốc đồng, nhưng với một đứa con gái đã bước qua cái ngưỡng hai sáu, thì nó ít nhiều không còn hão huyền, mà đằm thắm nhu mì thể như đám sử quân tử trước nhà, mặc ngày nắng hanh nồng, mặc ngày mưa dầu dãi, vẫn dịu dàng những mùa hoa đỏ bời bời.
Hai đứa gặp nhau buổi đầu là lúc An về giao lưu hội trại truyền thống kỷ niệm ngày thành lập trường. Nếu xét theo cái kiểu phân thứ vai vế thì An nghiễm nhiên đĩnh đạc là sư tỷ của Hưng. Ấy vậy mà con bé hai sáu tầm mét năm lăm bị cậu nhỏ sinh viên năm ba hạ đo ván bằng một cú sút bóng.
Lúc nằm trong phòng y tế trường, An vẫn ngơ ngác chả hiểu mình làm gì mà đắc tội với cái cậu chàng gồ ghề thân ảnh cả thước tám này. Khi đã lấy đủ lại sức lực bình sinh vốn dĩ đã yếu ớt, An phát thẳng một cái tát vào mặt cậu nhỏ kèm câu nói tỉnh bơ:
- Cho biết đau với người ta để mai mốt cẩn thận ngó trước nhìn sau.
Cả gian phòng lặng ngắt.
Mặt Hưng đỏ hoe, nhưng cái miệng vẫn cười:
- Vậy người ta hết đau chưa?
An trố mắt nhìn cái gương mặt chai sạm nắng gió ấy. Ngờ ngợ như mình vừa chọc chính bản thân mình cho càng thêm tức.
- Khóa sau mà gan cùng trời, đừng để chị bắt gặp lần thứ hai nha! Qua phòng dạy võ mà nhìn, cái hình treo cao nhất, con nhỏ...
Chưa kịp dứt câu, anh chàng đã đứng dậy, nhón chân bước.
- Ơ hay, lại đi?
- Em nghe lời chị đi qua phòng võ.
Rồi không đợi phản ứng gì từ An, cậu chàng vụt mất. Căn phòng vẫn như lúc ban nãy, lặng thinh. Ngoài kia vẫn rất ồn ào nhiều thanh âm. Hội trại truyền thống, đông lắm, vui lắm, chỉ có duy nhất một người nằm yên nơi đây.
Chỉ ngay đêm hôm đó, An nhận được tin nhắn của cậu chàng. Chẳng biết lần đâu ra số điện thoại của An. Rồi cứ vậy những tin nhắn tiếp nối, những bông lơn nhẹ nhàng khiến con nhỏ bắt đầu biết nhớ mong những tin nhắn.
3. Hưng vẫn yêu từ phía riêng mình. Thi thoảng được bà chị cho đèo khắp phố xá, hỉ hả mút que kem cùng nhau vô tư dọc con phố. Đôi lúc trầm mặc ngồi cùng bà chị ở quán Xưa, nghe mấy bài nhạc vàng da diết rên rỉ, như thể mọi cuộc tình trong nhân thế đều bi thương.
Có lần Hưng nhoài hẳn người ra bàn, giọng bỡn cợt, như mình sắp chết đuối vào mớ ca từ ủ ê. Vẫn không rời khỏi cuốn sách, An thở dài một tiếng. Mình khác xa nhau quá. Vậy sao yêu nhau bình yên. Khi yêu thương một người nào đó, Hưng phải tập sống trong cuộc đời họ, để biết cách vun đầy tình yêu đó.
Hưng lại rút mình, ngay ngắn khoanh tay trước bàn, nhìn xoáy vào cái cô gái đối diện. Mấy ai có thể đoán được cô gái này, từng vang danh khắp đấu trường võ thuật. Chẳng may trong một lần bị chấn thương, An rách dây chằn gối, và vỡ sụn quyển chân, phải rời xa sàn đấu.
Trong những tháng ngày chênh vênh buông bỏ niềm đam mê, An làm bạn cùng sách. Thấy lòng bình nhẹ nhàng và thanh thản hơn, An bắt đầu viết. Viết như thể trút vào những câu chữ, nỗi khát khao tận đáy lòng. Mãi cho tới tận bây giờ, An cũng chẳng thể hiểu, tại sao mình có thể viết.
Lúc An ra cuốn sách cá nhân của mình. Người ta còn hoài nghi cô gái vẫn hằng ngày miệt mài với các thế đòn tấn công phòng thủ, lấy đâu ra câu từ văn hoa bóng bẩy mà viết lách. Ấy vậy, sách vẫn bán chạy. Cho đến giờ, An đã ra những năm cuốn của riêng mình.
Hồi ấy, ngoại hay bảo, thế giới của An phức tạp lắm, hỗn độn nỗi cô độc, nhưng lại mạnh mẽ một niềm tin. An của ngày xưa, cô bé tận mắt chứng kiến những kẻ cướp đoạt mạng bố mẹ, vấy vết bùn nhơ lên phần đời con gái của mình, rồi tháo chạy khỏi căn nhà giữa một đêm mưa. An ngất lịm đi, trong nỗi đau xé lòng. Cho đến khi tỉnh dậy, vẫn luôn tự hỏi mình còn có thể sống sao?
Nhưng, ký ức của An vẫn cứ dừng lại ở cái tuổi mười hai. Mãi mãi mười hai. Dù vết thương ngày ấy đã liền da. Nào mấy ai biết, vết thương lòng, ngàn năm vẫn tê buốt. Đến tận bây giờ, những đêm sấm chớp ngoài trời, trong căn phòng nhỏ của chung cư cũ kỹ tận lầu bốn khu tập thể, con bé hai sáu tuổi đời, vẫn giữ nguyên thói quen, trùm chăn kín đầu, nhắm mắt thiệt chặt, trong đầu nó vẫn luôn lóe lên ánh chớp, những ánh chớp của số phận. Đó là những đêm, mà nỗi đau hiện về, ám ảnh.
4. Bác sĩ gấp tập hồ sơ lại. Khẽ ra hiệu cho Hưng bước theo. Phía giường bệnh trắng toát, An vẫn mê man, khắp người được truyền dịch, dây nhợ kim tiêm còn gắn đầy.
Một câu chuyện thương tâm được tái hiện, bên ngoài hành lang vắng hoe, giọng ông bác sĩ già vẫn đều đều vọng vang. Đó là một dấu hiệu của bệnh tâm lý. Nhưng theo hồ sơ thì khoảng vài năm trước, bà ngoại cô ấy cũng đã mất, người giám hộ cuối cùng không còn. E rằng... cần phải chữa trị tập trung.
Hưng thẫn thờ, đâu ngờ cô gái nhỏ nhắn ấy lại đi qua một quãng đời quá nhiều bão tố. Hưng nghe lòng mình nhói buốt, con tim bóp nghẹn, tựa thể chẳng một giọt máu nào được truyền về nơi ấy. An của Hưng đã trân mình gánh chịu quá nhiều thứ mà đôi khi cả một thằng con trai to xác như Hưng liệu có chịu nổi hay không? Càng nghĩ Hưng càng thấy lòng mình như ai xé, như ai cắt. Đau nghiệt ngã.
Không cần đâu bác sĩ, từ nay tôi sẽ là người giám hộ cho cô ấy. Chúng tôi yêu nhau. Tôi sẽ chịu trách nhiệm phần đời tiếp theo sau này của cô ấy. Một phần đời chắc chắn phải bình yên.
5. Nếu chết đi mà con người ta có thể xóa nhòa mọi quá khứ thì tin chắc cái thế giới này chẳng còn ai nữa đâu An à! Hãy sống như cái tên mà cha mẹ đã mong mỏi cho mình. Hãy sống cho những yêu thương mà ngoại đã chắt chiu bao năm tháng vì An.
Sống như loài sen từ trong bùn lầy vẫn nảy nở cho đời những mùa hoa thuần khiết và thanh tao. Đâu đó trong cuộc đời này, vẫn còn một người, cần lắm An vì họ mà sống. Đến một lúc nào trong cuộc đời mình, An lại thấy hạnh phúc sẽ đánh bật nỗi đau xa xưa trong tâm trí, rồi bình yên cũng ghé ngang qua từ trong chính con tim, từ trong chính tình yêu.
Cuộc đời này, những đoạn đường gieo neo mình đã đi qua, những mưa nguồn dâu bể mình đã nếm trải, lắng lòng mà nghĩ suy, có những thứ không phải do mình hiểu ra thì mới thấy thanh thản, mà thật ra là, sau khi đã thanh thản rồi, mới chợt hiểu ra.
An ngồi phía sau gác-ba-ga chiếc xe đạp cũ, kỷ vật bố mẹ để lại, hơn chục năm trời từ ngày đau thương đó. Một chiều cuối tháng sáu, trời bỗng dịu nhẹ sau những ngày nắng. Hưng đèo An xuyên Chương Mỹ lên Quan Sơn, sen đương độ trổ bông, bát ngát. Mùi hương thoảng nhẹ thuần khiết, quyện theo gió dịu dàng lay rối vùng tóc mướt.
Hưng nắm tay An, ghì chặt cô vào lòng mình. Trái tim vốn dĩ cứng cỏi bởi những chai sần đau thương, chợt mềm mại vì một hơi ấm nồng nàn.
An cứ tin Hưng đi. Mình yêu nhau, yêu nhau thật bình yên.
TỐNG PHƯỚC BẢO
TIN, BÀI LIÊN QUAN: