Về với dòng sông quê

08:41, 19/07/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Về với dòng sông quê” là tập truyện ký thứ hai của Hoàng Lan Quyên (hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh), vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 7/2023. Tập truyện ký có 29 bài, là những câu chuyện đời nên thơ, mang đậm dấu ấn làng quê.  

 

Tập truyện ký “Về với dòng sông quê” như thể khúc tâm tình sâu lắng, đậm hồn quê và mang tính nhân văn sâu sắc. Trong “Tiếng gà thao thức”, bằng giọng văn tự sự kết hợp với miêu tả và trữ tình, Hoàng Lan Quyên đã khơi gợi trong lòng người đọc tình yêu quê hương sâu nặng. “Sau đêm dài trời lại sáng. Tiếng gà gáy rộn vang báo hiệu ngày mới. Trong khoảnh khắc tinh mơ, cái âm thanh gần gũi ấy luôn khơi gợi tình quê hương da diết trong tâm thức mỗi người” (Tiếng gà thao thức)

Truyện ký “Về với dòng sông quê” - tác phẩm được tác giả chọn làm nhan đề cho tập truyện khiến người đọc cảm thấy trong lòng xao xuyến bởi cách kể chuyện theo dòng hồi tưởng, mộc mạc, chân tình, và bởi cách chọn ngôi kể thứ ba. Chính ngôi kể này đã tạo nên tính khách quan cho người đọc. Qua bút ký, bạn đọc như thấy có mình trong đó, nhất là những người sống ở làng quê. Ai ở làng quê mà không có tuổi thơ gắn với sông quê, ruộng đồng cùng với lời ru của mẹ, của bà cơ chứ! Nhân vật người anh trong “Về với dòng sông quê” trở về thăm quê đi trên chiếc thuyền đã nhớ về một thời thơ ấu của mình: “Sông Trà Bồng bao đời nay vẫn ăm ắp nước đầy. Thuở trước đường thủy là mạch thông thương quan trọng nối liền từ đầu nguồn đến cuối biển. Anh đã cất tiếng  khóc chào đời trên mảnh đất cù lao được dòng sông bao bọc nhưng chưa một lần được nếm mùi sữa ngọt ngào thì mẹ đã vội vã về nơi chín suối. Từ khi còn nằm trong chiếc nôi tre, anh được nghe lời ru dịu dàng của ngoại...” (Về với dòng sông quê).

Hoàng Lan Quyên đã viết về quê hương bằng tất cả cảm xúc sâu lắng từ trái tim yêu quê hương da diết. “Lăng vạn Đông Yên có tên dân gian là Vạn Cồn Mành, nằm bên tả ngạn hạ lưu sông Trà Bồng hiền hòa thơ mộng. Từ xa xưa, người dân nơi đây sống chủ yếu vào nghề chài lưới trên những con thuyền buồm, thuyền câu nhỏ bé với phương tiện đánh bắt thô sơ. Vì thế mà nhiều lần ra biển, họ thường gặp sóng to gió lớn giữa đại dương mênh mông. Trong tâm thức của ngư dân, Cá Ông là Thần Nam Hải - vị phúc thần độ mạng, luôn xuất hiện, cứu giúp ngư dân vượt qua cơn hiểm nguy, bất trắc một cách kịp thời” (Lăng vạn Đông Yên - một di tích văn hóa cấp tỉnh). Tác giả đã trần thuật lại câu chuyện lịch sử về Lăng vạn Đông Yên rất chân thật, cho thấy sự am hiểu về lịch sử địa phương.

Trong tập truyện ký này, Hoàng Lan Quyên dành phần lớn thể hiện tình yêu quê hương Bình Dương (Bình Sơn). Những bài ký nói về quê nhà với những hình ảnh gần gũi với đời sống của người dân quê ở xã Bình Dương như: “Mái  trường  làng và nhà thơ quê hương”, “Mạch nguồn giếng cổ”, “Nghĩa trủng ở quê tôi”, “Làng cá Đông Yên”, “Chem chép quê tôi”, “Nhịp cầu nối những niềm vui”... Từ mái trường, giếng cổ, nhịp cầu... đến tình thân, tình người đã đi vào lòng người đọc một cách nhẹ nhàng, sâu lắng.

Còn với truyện ký “Vì đàn em thơ”, người đọc thấy thương quý cho cô giáo Thảo - người Bình Sơn, là đồng nghiệp của tác giả, một người tận tụy với nghề giáo, dù nhọc nhằn nhưng ngọn lửa đam mê vẫn cháy bỏng cùng đàn em nhỏ. “Do mẹ mất sớm nên ngay từ nhỏ Thảo rất yêu thương cha và bao bọc chở che cho em. Ước mơ làm cô giáo của Thảo cũng tác động đến hai cô em gái. Thủy và Trang sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng chọn nghề “gõ đầu trẻ” nối gót chị mình. Họ cùng nhau cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nơi vùng đất sơn cước nghèo nàn cằn cỗi” (Vì đàn em thơ). Ở đây, tác giả đã khai thác hiện thực nhưng chất trữ tình vẫn đậm nét, làm nổi bật một thế giới nội tâm đầy chân thật đến rõ nét, rất đời mà tinh tế.

Ngoài tình cảm quê hương, Hoàng Lan Quyên còn dành tình cảm nồng hậu cho những vùng đất mình đã đi qua như rừng dừa nước Cà Ninh, ở xã Bình Phước (Bình Sơn), vùng đất Trà Bồng, Lý Sơn... Trong bài ký “Nơi miền sóng vỗ”, tác giả đã viết: “Đến với Lý Sơn chúng tôi không chỉ chiêm ngưỡng những danh thắng hoang sơ mà còn được khắc sâu dấu ấn lịch sử về Hải đội Hoàng Sa. Đứng dưới chân tượng đài uy nghiêm, tôi chợt nghe lòng mình thảng thốt. Xúc động vô cùng khi hồi tưởng về những đội Hùng binh dong thuyền vượt biển, không ngần ngại sóng to, gió lớn đi cắm mốc chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa ngày nào”.

Nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hồ Nghĩa Phương đã nhận xét, tập truyện ký "Về với dòng sông quê" của Hoàng Lan Quyên chủ yếu viết về quê hương Bình Dương, về Quảng Ngãi với lời văn mộc mạc, chân thành, giúp người đọc thấy được giá trị hiện thực và ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

PHẠM VĂN HOANH
 

Xuất bản lúc: 08:41, 19/07/2023

Ý kiến bạn đọc


.