Biển gọi ta về

09:53, 09/07/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Biển gọi ta về” là tuyển tập thơ văn của các tác giả quê Quảng ngãi, được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 6/2023.

 

Tuyển tập thơ văn "Biển gọi ta về” tụ hội cảm xúc đồng điệu của 67 tác giả. Tất cả cùng ngân lên trong từng con chữ bình dị, tự nhiên, chẳng cần gọt giũa. Nhưng đằm sâu trong từng con chữ là tiếng lòng, là tình yêu biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Hình ảnh đọng mãi trong lòng người đọc không chỉ là biển xanh với tiếng rì rào sóng vỗ, mà là đảo Lý Sơn thân thương. Nơi ấy, bốn bề trời nước mênh mông, có tiếng sóng biển dặt dìu, gió ngàn khơi vi vút. “Ngàn năm biển cứ ngàn năm vậy/ Bao lớp người đi biển vẫn chờ” (Vẫn chờ - Lê Văn Ba). Trong miên viễn thời gian “biển vẫn chờ” đấy là cách nói ẩn dụ mang cảm giác ám ảnh chở đầy tâm sự. Bởi, trong mỗi người dân Việt luôn tạc dạ nhớ ơn những hùng binh trong Hải đội Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải: “Đây những niềm đau với tháng Ba/ Nhớ ngày tế lễ lính Hoàng Sa/ Vời trông đảo cát hoàng hôn trải/ Thương nhớ người xưa nhớ đảo xa!” (Niệm khúc Mộ Gió - Trần Hữu Sơn). “Người nằm lại xác thân hòa cột mốc/ Cho muôn đời còn mãi dấu biên cương” (Hồn gió - Bùi Huyền Tương). Sự hy sinh cao cả của tiền nhân mãi mãi sẽ là tấm gương cho hậu thế mai sau: "Ngồi cứ đợi dấu buồm xa nhuốm lửa/ Trường Sa hành lớp lớp khúc tráng binh” (Mưa trên đảo An Bình - Lê Thanh Phách).

Sơn thủy hữu tình quyện hòa cùng tình đất, tình người nơi đảo tiền tiêu này cho ta niềm tự hào hòa cùng nỗi ngậm ngùi luyến nhớ: “Lý Sơn ơi! Một lần tôi đã đến/ Cứ rưng rưng nỗi nhớ trọn vuông đời” (Tự tình Lý Sơn - Trần Cao Chương).

Trong “Biển gọi ta về”, còn có tác phẩm viết về công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha: “Con vẫn biết bóng cha như bóng núi/ Lặng lẽ nuôi con lặng lẽ đau đời” (Cảm ơn cha - Trần Dzạ Lữ). Cái lặng lẽ của người cha sao mà sâu nặng thế. Nó như giọt buồn liu riu rót xuống đời con khi biết cha thấm đẫm nỗi đau đời. Đấy là phận lặng lẽ làm thân “gà trống nuôi con” của người cha, khi mẹ sớm đi về miền mây trắng. Trần Dzạ Lữ giãi bày nỗi buồn riêng đã làm thổn thức trái tim người đọc. Cùng đồng cảm bổn phận làm con luôn nhớ đến công ơn cha mẹ: “Tháng năm đời mẹ tảo tần/Gánh gian nan chẳng ngại ngần sớm trưa” (Cánh diều đời con - Hoàng Diễm). Và, có cả những tác phẩm viết về tuổi học trò thật tinh khôi, thật kiêu sa mà mỗi khi ngoáy lại ai cũng ngậm ngùi tiếc nuối: “Mái trường cũ giờ sương rêu phủ/ Gốc phượng hồng còn đó người ơi!” (Tà áo trắng - Lê Đỗ). Để rồi thốt lên: “Hoa phượng ơi! Giờ này đã về đâu/ Nơi phương ấy ở chân trời xa ngái/ Còn nhớ không tình học trò vụng dại/ Cho ve buồn khóc ướt cả lòng ai” (Niệm khúc hạ thương - Nguyễn Để).

Trong tuyển tập “Biển gọi ta về”, các tác giả thể hiện tiếng lòng của mình không chỉ bằng thơ mà cả văn xuôi. Khi thơ không đủ dung lượng chuyển tải nỗi niềm, các tác giả gửi lòng mình qua thể loại văn xuôi. Đấy là những tản văn, truyện ngắn, bút ký... Hầu hết các tác giả đều thể hiện nỗi lòng hoài niệm về quê hương, về trường xưa bạn cũ. Ở đó có dáng cha, dáng mẹ tảo tần (Quê hương không đi xa vẫn nhớ - Ngô Văn Cư), có những rung động đầu đời của tình học trò (Miền ký ức - Nguyễn Để), (Chớm yêu - Phạm Văn Hoanh). Hay bút ký “Lý Sơn trong mắt du khách” của Hồ Nghĩa Phương cho ta có cái nhìn toàn diện về sự đổi thay của Lý Sơn, là điểm đến du lịch lý tưởng. 

 Tuyển tập “Biển gọi ta về” là những cảm xúc chân thành, những hoài niệm sâu lắng của các tác giả đã qua tuổi xế chiều. Tất cả cùng nương theo ký ức mà tìm về dĩ vãng, rồi gửi gắm, giãi bày bằng những ngôn từ bình dị không cần dụng công lựa chọn. Các tác phẩm khơi gợi trong lòng người đọc những cảm xúc dạt dào!

BÙI HUYỀN TƯƠNG
 

Xuất bản lúc: 09:53, 09/07/2023

Ý kiến bạn đọc


.