Bích Khê, một đỉnh núi lạ

17:30, 23/07/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhà thơ Bích Khê đã để lại cho thi đàn Việt Nam nhiều tác phẩm đặc sắc. Nhà thơ Thanh Thảo trong bài “Một trăm năm Bích Khê” đã đưa ra nhận xét: “Tôi nghĩ, Bích Khê và thơ của ông còn có thể vượt biên giới Việt để trở thành một “tài khoản thơ” quốc tế, nếu chúng ta tổ chức dịch và giới thiệu thơ ông đúng mức”. 

Lời nhận xét của nhà thơ Chế Lan Viên được khắc trên đá, đặt tại Khu lưu niệm nhà thơ Bích Khê, ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa). Ảnh: M.Anh
Lời nhận xét của nhà thơ Chế Lan Viên được khắc trên đá, đặt tại Khu lưu niệm nhà thơ Bích Khê, ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa). Ảnh: M.Anh

Vị thế của nhà thơ Bích Khê trong dòng chảy lịch sử văn học Việt Nam đã được khẳng định. Trong bài viết ngắn này, chúng ta tìm hiểu cái độc đáo nghệ thuật của Bích Khê qua mấy câu thơ trong bài thơ “Tỳ bà” và một số bài thơ ở tập thơ “Tinh huyết”. Đặc biệt là phân tích việc thẩm thấu nghệ thuật bằng màu sắc để nâng lên thành biểu tượng, lối tư duy cách tân vượt ra khỏi cái khuôn khổ của quan niệm thơ ca truyền thống của thi nhân.

“Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông...” là một trong hai câu thơ đắt giá nhất trong bài thơ “Tỳ bà” của nhà thơ Bích Khê, nằm trong tập thơ  “Tinh huyết”: “Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông”. Theo nhà nghiên cứu Hoài Thanh, đây là hai câu thơ toàn vần bằng rất hiếm trong phong trào Thơ mới lúc bấy giờ và cũng rất độc đáo trong nền thi ca hiện đại Việt Nam. 
 
Phong trào Thơ mới (1932 - 1945) không chỉ theo trường phái lãng mạn, mà còn mang nhiều sắc thái, xu hướng khác nhau, nhất là từ những năm 1936 về sau đã chuyển dần sang chủ nghĩa tượng trưng, tư duy và thi pháp thơ đã nâng lên một tầm cao mới và mang đến rất nhiều giá trị vượt thời gian. Đó có thể là xu hướng chung, nhưng nhận định một cách chính xác nhất thì có rất ít nhà thơ thực sự chuyển sang được bến bờ tượng trưng. Đáng nói là, Bích Khê lại nằm trong số rất ít đó. Điều mà các nhà thơ cùng thời không thể “qua mặt” được Bích Khê chính là cảm quan về sắc màu. Trong tập thơ “Tinh huyết”, màu sắc luôn là những ngôn từ lấp lánh ngụ tình, cái đẹp lộ dần qua những nét màu làm điểm nhấn cho bức tranh siêu thực nhưng vô cùng lung linh, hư ảo.

Trên một phương diện khác, là nhà thơ say đắm với Đường thi nên khi nói về thiên nhiên, Bích Khê chịu ảnh hưởng đặc biệt của thơ Đường về cấu tứ. Nhưng với vai trò của một nhà thơ trong phong trào Thơ mới, thiên nhiên trong thơ ông lại mang dáng dấp Tây phương. Những hình ảnh thơ vừa cổ điển lại vừa sáng tạo, cách tân. Điều này đã tạo nên đặc sắc nghệ thuật của thơ Bích Khê. 

Trong bài “Tỳ bà”, những câu thơ viết toàn thanh bằng, âm hưởng Đường thi nhưng lung linh sắc màu tượng trưng. Ví như màu vàng của mùa thu khả ái, ta cứ tưởng chỉ có trong bức tranh mùa thu của danh họa Levital lại một lần nữa hiện lên trong bài “Tỳ bà” của Bích Khê. “Vàng sao nằm im trên hoa gầy” để rồi “Tôi qua tim nàng vay du dương”, “yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi/ yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi”, và cuối cùng thì “Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông”. Cả bài thơ trải đều theo nhịp thơ 2 - 2 - 3 như mang cả một nỗi buồn của mùa thu man mác, mênh mông.

Một điều khá mới mẻ trong thơ tượng trưng không chỉ mang tính khơi gợi, biểu tượng, mà còn đề cao tính nhạc trong thơ. Nói như nhà thơ Baudelaire, người mở đầu trường phái thơ tượng trưng gọi vũ trụ là “rừng biểu tượng”, là những tương ứng theo trục dọc và trục ngang như: “Hương thơm, màu sắc, âm thanh tương ứng nhau”. Ở trường hợp thơ Bích Khê, ngoài ám thị màu sắc, ông còn đặc biệt quan tâm đến nhạc tính trong thơ. Trong các thể thơ được vận dụng sáng tác, ông luôn lựa chọn và sáng tạo ngôn ngữ để chuyển tải được điệu nhạc tâm hồn mình, kể cả thơ tám chữ lẫn bảy chữ. Bài thơ “Tỳ bà” với toàn vần bằng bao giờ cũng tạo ra âm nhạc đều đặn, nhẹ nhàng, dịu êm: “Thu ôm muôn hồn chơi phiêu diêu/ Sao tôi không màng kêu: Em yêu/ Trăng nay không nàng như trăng thiu/ Đêm nay không nàng như đêm hiu”. Âm nhạc là lời hùng biện, mang tính ám gợi ở tâm hồn thi nhân từ đó lan tỏa đến tâm hồn người đọc. Thơ Bích Khê gợi lên niềm khao khát nhẹ nhàng, một tình yêu dìu dặt, nhẹ êm, mơ màng. Thơ Bích Khê không có những âm thanh ồn ào, nhưng với nhịp điệu dữ dội, mạnh mẽ và có nhiều nghịch âm, bằng bằng, đều đều, sau đó xen vào thanh trắc, như một biến dị trong một tổng thể hài hòa, có khả năng tạo ra sức ám gợi đi vào lòng người, cũng như với cả thế giới vô hình: “Lá vàng rơi, (Tôi khóc, anh ơi!)... Đêm vàng rơi, (Thôi hết, anh ơi)... (Thi vị).

Ở một tầng nấc khác, nhà thơ Bích Khê rất tinh tường trong việc sử dụng kỹ thuật về ngôn từ. Đây là điều rất mới và cũng chính là thành công vượt trội của ông so với các thi nhân đương thời. Cái mới mẻ của ông là tạo ra ấn tượng thị giác trong thơ rất mạnh, thể hiện được khả năng tư duy tượng trưng cao độ: “Ôi! Nắng vàng thơm... rung rinh điệu ngọc” (Nhạc). Câu thơ không chỉ cảm nhận được bằng thính giác mà cả bằng thị giác. Nhạc mang màu nắng và đầy hương, giai điệu nhạc ở đây đẹp như ngọc, được kết bằng ngọc. Đó chính là nhịp rung của khúc nhạc lòng.

Với những dòng thơ tinh khiết và mang dấu ấn sâu sắc, Bích Khê đã tạo nên một cõi thơ riêng, vừa thuần túy mà tượng trưng, vừa mời chào mà kén người đọc. Thơ Bích Khê qua đôi dòng chưa thể nói được nhiều về giá trị vượt không gian và thời gian. Nhưng những dòng thơ ấy luôn kích thích người đọc tìm đến.

VÂN ĐAM



 

Xuất bản lúc: 17:30, 23/07/2023

Ý kiến bạn đọc


.