Tọa đàm phát triển kinh tế du lịch tại Thừa Thiên Huế

11:03, 10/12/2024
.

(Baoquangngai.vn)- Du lịch là ngành kinh tế mang tính liên ngành, liên vùng sâu sắc. Quảng Ngãi không chỉ giàu tài nguyên tự nhiên mà còn có lợi thế về con người với tinh thần hiếu khách và văn hóa đặc sắc. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả các lợi thế này cần có một chiến lược tổng thể.

Quang cảnh buổi tọa đàm.
Quang cảnh buổi tọa đàm.


Sáng 10/12, Trường Chính trị tỉnh phối hợp với Đại học quốc gia Hà Nội tổ chức tọa đàm phát triển kinh tế du lịch tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Dự buổi tọa đàm có gần 200 học viên là cán bộ quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ quản lý và tham gia quản lý tỉnh Quảng Ngãi đến nghiên cứu thực tế tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tại buổi tọa đàm, TS. Vũ Hương Lan, Phó Trưởng Khoa, Khoa Du lịch học, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, “Phát triển kinh tế thông qua ngành du lịch” là chủ đề quan trọng, mang tính chiến lược, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta đang tìm kiếm những động lực mới cho sự phát triển bền vững và toàn diện. Tại Việt Nam, ngành du lịch đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Năm 2023, cả nước đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế và 108 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 678 nghìn tỷ đồng.

Tiến sĩ Vũ Hương Lan phát biểu tại buổi tọa đàm.
Tiến sĩ Vũ Hương Lan phát biểu tại buổi tọa đàm.


Khu vực miền Trung được thiên nhiên ưu ái ban tặng những tài nguyên du lịch quý giá. Quảng Ngãi nổi bật với đảo Lý Sơn - “vương quốc tỏi,” những bãi biển hoang sơ như Sa Huỳnh, Mỹ Khê, cùng các di sản văn hóa truyền thống đặc sắc. Năm 2023, Quảng Ngãi đón hơn 1 triệu lượt khách, tăng 64% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 15,2 nghìn lượt, tăng 38%. Doanh thu đạt 1.018 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ. 

Theo TS Vũ Hương Lan, du lịch là ngành kinh tế mang tính liên ngành, liên vùng sâu sắc. Quảng Ngãi không chỉ giàu tài nguyên tự nhiên mà còn có lợi thế về con người với tinh thần hiếu khách và văn hóa đặc sắc. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả các lợi thế này cần có một chiến lược tổng thể. Sự phát triển của ngành du lịch không chỉ nằm ở việc thu hút khách du lịch hay tăng doanh thu, mà còn thể hiện qua khả năng kết nối con người, văn hóa, và đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội.

Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phúc chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế tại buổi tọa đàm.
Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phúc chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế tại buổi tọa đàm.


Tại buổi tọa đàm, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phúc đã chia sẻ một số thông tin về tình hình phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế, đặc biệt là các tài nguyên du lịch trên địa bàn. Thành phố Huế đã được công nhận là thành phố trực thuộc Trung ương, với vị thế là một điểm đến du lịch quan trọng, thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Nổi bật là có 8 di sản văn hóa thế giới được UNESSCO công nhận; có 15 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh, trong đó có 12 điểm du lịch sinh thái và du lịch sinh thái gắn với cộng đồng. Năm 2024, dự kiến đón 3,9 triệu lượt khách; doanh thu trên 7,2 nghìn tỷ đồng. 

Thông qua buổi tọa đàm, các học viên đã trao đổi, học tập về kết quả hoạt động du lịch Thừa Thiên Huế; đồng thời thảo luận, chia sẻ những ý tưởng và kinh nghiệm nhằm xây dựng các chính sách, giải pháp phát triển du lịch phù hợp với đặc thù địa phương; tìm ra những bước đi chiến lược để góp phần đưa Quảng Ngãi trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.

Tin, ảnh: PHẠM DANH

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 11:03, 10/12/2024

Ý kiến bạn đọc


.