Quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc

13:13, 03/08/2024
.

(Baoquangngai.vn)- Ngày 3/8, tiếp tục chương trình Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc, các đoàn đã trình diễn các nghi lễ truyền thống và dân ca, dân vũ.

Lễ hội dân gian là nơi biểu hiện bản sắc văn hóa của một cộng đồng. Đến với hội thi, các nghệ nhân, nghệ sĩ đã giới thiệu những lễ hội độc đáo, nhất của địa phương, dân tộc mình. 

Nghệ nhân nhân dân Phạm Thị Tắng ở thôn Lỏ, xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đến với hội thi để cùng các nghệ sĩ khác tái hiện Lễ hội Pôồn Pôông (Lễ hội chơi hoa). Nghệ nhân Tắng đã dành nhiều tâm huyết để bảo tồn và phát huy lễ hội này. Nhờ đó, những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường xứ Thanh luôn được bảo tồn, phát huy. 

Lễ hội Pôồn Pôông (Lễ hội chơi hoa) của người Mường ở tỉnh Thanh Hóa.
Lễ hội Pôồn Pôông của người Mường ở tỉnh Thanh Hóa.
Các nhân vật tham gia lễ hội Pôồn Pôông múa mô phỏng lại các động tác trong quá trình lao động, sản xuất vui chơi hằng ngày như chia đất, chia nước, dựng nhà, đuổi thú dữ, trồng trọt,...
Các nhân vật tham gia lễ hội Pôồn Pôông múa mô phỏng lại các động tác trong quá trình lao động, sản xuất vui chơi hằng ngày như chia đất, chia nước, dựng nhà, đuổi thú dữ, trồng trọt,...

Lễ hội Pôồn Pôông của người Mường được tổ chức hằng năm vào các ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng Ba và rằm tháng Bảy với mong muốn cho mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội vừa mang tính nghi lễ cầu phúc, cầu an vừa mang tính chất giao duyên nam nữ.

Dù đã gần 80 tuổi nhưng bà Tắng vẫn nhớ đầy đủ, chi tiết của loại hình nghệ thuật Pôồn Pôông với 48 trò chơi, trò diễn đặc sắc và trở thành chủ lễ của lễ hội chơi hoa ở xã Cao Ngọc. Nghệ nhân nhân dân Phạm Thị Tăng chia sẻ, tôi chỉ mong có nhiều sức khỏe để truyền dạy hết trò diễn này cho con cháu, để Pôồn Pôông mãi sống cùng các thế hệ người Mường.

Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Kho Srê ở tỉnh Lâm Đồng.
Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào K'ho S'rê ở tỉnh Lâm Đồng.
Lễ hội mừng lúa mới cũng là dịp để dân làng cùng nhau vui chơi hưởng thụ thành quả lao động sau 1 năm vất vả, thắt chặt tình đoàn kết gắn bó giữa mọi người, mọi nhà.
Lễ hội mừng lúa mới cũng là dịp để dân làng cùng nhau vui chơi hưởng thụ thành quả lao động sau 1 năm vất vả, thắt chặt tình đoàn kết gắn bó giữa mọi người, mọi nhà.

Đến với hội thi, đoàn Lâm Đồng đã trình diễn trích đoạn lễ hội mừng lúa mới. Đối với đồng bào K'ho S'rê ở tỉnh Lâm Đồng, lễ hội mừng lúa mới thường được tổ chức sau mùa thu hoạch, khoảng tháng 12 cho đến tháng 1 năm sau, cầu mong thần lúa ban cho mọi người, mọi gia đình có cái ăn cái mặc, ngày càng sung túc, ấm no. Già làng K Thế chia sẻ, đến ngày nay, lễ hội vẫn được gìn giữ, với ý nghĩa gắn kết cộng đồng. Chúng tôi luôn tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc mình.

Các nghệ nhân đến từ tỉnh Quảng Nam đã giới thiệu nét đặc sắc trong lễ kết nghĩa của dân tộc Cơ Tu ở huyện Nam Giang. Màn trình diễn đã để lại rất nhiều ấn tượng khi tái hiện nghi thức pơr'ngoóch gương yên (kết nghĩa anh em) giữa cộng đồng làng vùng cao.

Lễ kết nghĩa của dân tộc Cơ Tu.
Lễ kết nghĩa của dân tộc Cơ Tu.

Già làng Alăng Minh chia sẻ, lễ kết nghĩa là một nét văn hóa đặc sắc của người dân Cơ Tu sống giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ. Những hận thù, hiềm khích đều được người dân tộc Cơ Tu hóa giải bằng lễ kết nghĩa. 

Tại sân khấu Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc, khán giả còn có cơ hội xem và trải nghiệm lễ hội Rija Nagar - lễ hội quan trọng đầu năm của người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận. Đây là lễ hội đánh dấu khởi đầu cho chuỗi lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào Chăm. 

 
Lễ hội Rija Nagar của người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận.
Lễ hội Rija Nagar của người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận.
Lễ Cấp sắc của dân tộc Dao
Lễ Cấp sắc của dân tộc Tày, Nùng ở tỉnh Thái Nguyên.
Lễ cúng rừng của dân tộc Hà Nhì ở tỉnh Lai Châu.
Lễ cúng rừng của dân tộc Hà Nhì ở tỉnh Lai Châu.
Lễ hội Khai Hạ làng Tượng Sơn ở tỉnh Quảng Bình.
Lễ hội Khai Hạ làng Tượng Sơn ở tỉnh Quảng Bình.
lễ cúng cầu mùa của dân tộc Ba Na ở tỉnh Phú Yên.
Lễ cúng cầu mùa của dân tộc Ba Na ở tỉnh Phú Yên.

Những nét đặc sắc của Lễ hội Khai Hạ làng Tượng Sơn ở tỉnh Quảng Bình; Lễ hội Tu Su của dân tộc Mông ở tỉnh Sơn La; lễ cấp sắc của dân tộc Tày, Nùng ở tỉnh Thái Nguyên; lễ cúng cầu mùa của dân tộc Ba Na ở tỉnh Phú Yên; lễ cúng rừng của dân tộc Hà Nhì ở tỉnh Lai Châu… cũng được trình diễn tại hội thi. Mỗi lễ hội, phần thi của các dân tộc, địa phương đã tạo nên không gian văn hóa đa dạng, giàu bản sắc và để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng khán giả.

Bài, ảnh: T.PHƯƠNG – T.NHÀN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 13:13, 03/08/2024

Ý kiến bạn đọc


.