PHÁT HUY THẾ MẠNH CỦA ĐỊA PHƯƠNG
Sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 05 ngày 2/11/2021 về đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các địa phương trong tỉnh cũng ban hành nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động, kế hoạch phát triển du lịch nhằm phát huy thế mạnh của mỗi địa phương.
Học sinh tham quan Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng. |
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Võ Lâm, thực hiện Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy, huyện Mộ Đức đã đề ra nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch dựa theo thế mạnh của địa phương. UBND huyện đã ban hành Đề án phát triển du lịch huyện giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong năm 2023, huyện tập trung xây dựng điểm du lịch cộng đồng xóm Cây Gạo gắn với việc phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa tại Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng; tập trung cải tạo môi trường, cảnh quan ở thị trấn Mộ Đức; kêu gọi đầu tư khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe tại điểm nước khoáng nóng ở thôn Thạch Trụ, xã Đức Tân. Địa phương đang xây dựng điểm du lịch cộng đồng tại thôn An Mô, xã Đức Lợi; nâng cao chất lượng phục vụ và dịch vụ ăn uống tại các điểm kinh doanh dọc các bãi biển; kêu gọi đầu tư xây dựng điểm du lịch sinh thái; phát triển loại hình du lịch tham quan, trải nghiệm… "Huyện Mộ Đức quyết tâm đến năm 2030 cơ bản trở thành điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch chăm sóc sức khỏe của tỉnh", đồng chí Võ Lâm nói.
Điểm du lịch thác Trắng (Minh Long). |
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Phạm Quang Sự cho biết, thời gian qua, hoạt động du lịch ở địa phương có bước phát triển. UBND huyện đã ban hành kế hoạch phát triển du lịch huyện Bình Sơn giai đoạn 2023 - 2025. Địa phương tập trung xây dựng các điểm du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch biển như: Du lịch sinh thái Khe Hai, Gành Yến, bàu Cá Cái, rừng dừa nước xã Bình Phước, Ba Làng An, Châu Tân; các điểm du lịch tâm linh gồm chùa Diệu Giác; núi Thình Thình, chùa Viên Giác... Huyện phấn đấu đến năm 2025 đạt 25 nghìn lượt khách/năm, doanh thu 150 tỷ đồng; đưa vào khai thác 2 - 4 khu du lịch, hình thành 2 tuyến du lịch nội huyện và kết nối với tuyến du lịch nội tỉnh.
ĐỂ TRỞ THÀNH NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN
Với mục tiêu phát triển huyện Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển, đảo theo định hướng tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị, huyện Lý Sơn đã và đang được đầu tư hạ tầng, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa; hình thành đa dạng sản phẩm, dịch vụ du lịch. Nhiều sự kiện lớn tổ chức trên đảo như các giải marathon, dù lượn, bóng chuyền bãi biển, đua thuyền tứ linh... thu hút các công ty, đơn vị lữ hành tổ chức nhiều tour, tuyến ra đảo.
Theo quy hoạch, Lý Sơn sẽ được đầu tư để trở thành trung tâm du lịch biển, đảo của quốc gia. ẢNH: THANH TRUNG |
Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng cho biết, một trong những kết quả mà Nghị quyết số 05 mang lại là công tác phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong phát triển du lịch đã được đẩy mạnh. Các địa phương coi phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của phát triển du lịch theo phương châm “mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch". Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận thẳng thắn là sản phẩm du lịch của tỉnh chưa tạo bước đột phá; chưa có sản phẩm du lịch tạo thương hiệu đặc trưng cho du lịch Quảng Ngãi; thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí, hoạt động kinh tế ban đêm để giữ chân du khách.
Đua thuyền Tứ Linh ở Lý Sơn luôn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. |
Để thực hiện tốt Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy, thời gian đến, Quảng Ngãi tiếp tục đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng dịch vụ du lịch. Phát triển đồng bộ hệ thống giao thông kết nối và giao thông nội bộ tại trung tâm TP.Quảng Ngãi và hai khu vực trọng điểm du lịch phía đông bắc (Lý Sơn, Bình Sơn, Trà Bồng) và tây nam (Ba Tơ, TX.Đức Phổ); cải tạo, nâng cấp các thiết chế văn hóa; bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp, phát huy có hiệu quả các di tích lịch sử văn hóa. Đồng thời, tập trung phát triển các khu, điểm du lịch. Phát triển mạnh 3 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo là du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa và du lịch sinh thái. Trong đó, lấy du lịch biển, đảo làm mũi nhọn, du lịch văn hóa làm trọng tâm, du lịch sinh thái làm nền tảng cho phát triển du lịch bền vững. Ngoài ra, đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá và liên kết hợp tác phát triển du lịch; xây dựng và triển khai Đề án “Chuyển đổi số trong hoạt động du lịch”.
Bài, ảnh: KIM NGÂN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: