(Baoquangngai.vn)- Chiều 3/8, tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Sở Ngoại vụ phối hợp với Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao tổ chức thực hiện Đoàn Presstrip khảo sát, tìm hiểu, truyền thông về Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh và một số danh lam, thắng cảnh du lịch tại Quảng Ngãi.
Tham gia trong đoàn có Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt; phóng viên các cơ quan báo chí quốc tế thường trú tại Việt Nam; cùng một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh.
Các thành viên Đoàn Presstrip nghe giới thiệu về Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh. |
Văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba trung tâm văn minh ở thời đại kim khí Việt Nam. Năm 1997, Di tích Văn hóa Sa Huỳnh được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích cấp Quốc gia. Đến ngày 29/12/2022, Văn hóa Sa Huỳnh được Thủ tướng Chính Phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Di tích có 6 địa điểm được khoanh vùng bảo vệ, gồm: Di tích Long Thạnh (còn gọi là Gò Ma Vương), Di tích Thạnh Đức, Di tích Phú Khương, Quần thể di tích Chămpa trong không gian Sa Huỳnh, Đầm An Khê và Lạch An Khê - sông Cửa Lỗ. Các điểm di tích trên tạo nên một không gian lịch sử, sinh thái, văn hóa nhân văn quý hiếm.
Đoàn tham quan kho bảo tàng khu mộ chum (Văn hóa Sa Huỳnh). |
Tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, đoàn đã tham quan khu vực trưng bày, lắng nghe chuyên gia giới thiệu và tìm hiểu các nội dung liên quan đến Văn hóa Sa huỳnh. Đây là cơ hội để quảng bá, giới thiệu Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh và hình ảnh miền đất Ấn - Trà đến với các quốc gia có thị trường khách du lịch trọng điểm. Đồng thời, góp phần nghiên cứu, đánh giá khả năng thu hút và đáp ứng dịch vụ tại các danh lam, thắng cảnh du lịch của Quảng Ngãi.
Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi Đoàn Ngọc Khôi cho biết, việc công nhận Di tích Văn hóa Sa Huỳnh là Di tích Quốc gia đặc biệt là cơ sở pháp lý để bảo vệ di tích này. Do vậy, việc phát triển kinh tế - xã hội phải có quy hoạch phù hợp, bảo vệ vùng lõi đã xếp hạng, khoanh vùng bảo vệ vùng đệm và trong vùng đệm nếu phát lộ di tích thì bổ sung vào vùng lõi. Hiện nay, điều đáng mừng là cảnh quan di tích này tại Sa Huỳnh đều giữ nguyên vẹn cảnh quan, người dân vẫn sống bằng nghề đánh bắt cá trên đầm An Khê, nghề làm gốm, nông nghiệp. Có thể thấy, không gian sống đã tái hiện không gian Sa Huỳnh cổ, từ đó, người dân trở thành điểm kết nối bên ngoài.
Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt bày tỏ, qua giới thiệu và khảo sát trực tiếp, chúng tôi nhận thấy nền văn minh tại mảnh đất Quảng Ngãi đã có từ lâu đời. Đến nay, đã khai quật và bảo quản được nhiều hiện vật Văn hóa Sa Huỳnh. Tuy nhiên, yêu cầu về phát triển du lịch vẫn chưa đáp ứng được và cần sự đầu tư hơn nữa về quy mô trưng bày hiện đại để tái hiện được nền văn minh, văn hóa, cuộc sống của con người trong giai đoạn đó. Qua đó, tạo điểm nhấn du lịch cho địa phương, thu hút khách du lịch.
Trong 2 ngày tới (4/8 – 5/8), đoàn sẽ tiếp tục khảo sát, tìm hiểu, truyền thông về Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh và một số danh lam, thắng cảnh du lịch của Quảng Ngãi tại TX.Đức Phổ và huyện Lý Sơn.
Tin, ảnh: T.NHÀN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: