(Báo Quảng Ngãi)- Bây giờ, việc mua sắm Tết đơn giản hơn nhiều. Chỉ cần “a lô” là mọi thứ vật phẩm từ siêu thị, cửa hàng được giao đến tận nhà. Nhưng cũng vì thế mà nhiều người ngậm ngùi nhớ Tết xưa, nhất là khi nhớ về tuổi thơ trong mùa xuân yên vui đi chợ Tết.
Chợ quê ngày Tết. |
Làng như ngưng đọng ở những tháng trong năm và chỉ bừng lên bắt đầu vào tháng Chạp. Khi ấy, lúa vụ đông xuân đang thì con gái. Từ sáng sớm mờ hơi sương đã thấy thấp thoáng bóng người trên đồng bón phân dưỡng lúa. Rồi khi mặt trời lên ngang sào, sương tan dần, bà con kéo nhau lên đồi thu hoạch kiệu. Những vạt kiệu già lá bắt đầu chuyển màu, chỉ cần nhón tay là níu lên tận gốc rễ với mớ củ thật dày.
Kiệu nhổ xong, bà con gồng gánh về những bờ ao, mương nước thủy lợi mà rửa. Sau đó, gánh về nhà đem hong trên những chiếc nong cho ráo nước. Đêm xuống lại chong đèn, dùng lạc tre buộc thành từng mớ để cho mình và tặng người thân. Nhiều hơn vẫn là gồng gánh ra chợ huyện (chợ Châu Ổ) bán để lấy tiền sắm Tết.
Cùng với củ kiệu, người quê còn mang con vịt, con gà và cả loại nếp hương vừa dẻo, vừa thơm được cấy từ đồng đất phù sa của con sông quê nhà. Nếp được thu hoạch trong mùa tháng Ba, tháng Tám, bà con phơi khô rồi đổ vào bồ. Khi Tết đến, nhà nhà lượng tính nếp để làm bánh tét, bánh nổ, bánh in, bánh thuẫn, nấu xôi...
Chợ Châu Ổ nằm bên sông Trà Bồng. Tiếng là chợ huyện nhưng những năm sau giải phóng cũng chỉ là những gian hàng lợp tôn cũ kỹ, thấp lè tè.
Ngày giáp Tết, người quê từ miệt Bình Thanh, Bình Phú lên, người từ Bình Mỹ, Bình Trung xuống, người từ Bình Hiệp, Bình Long ra gồng gánh trên vai các loại nông sản. Còn phía dưới bờ sông Châu Ổ, thuyền ghe dưới Bình Dương, Bình Thạnh lên chở nặng cá tôm. Họ bày biện hàng ra tận đường vào chợ. Bắt đầu là gian hàng hoa, phía bên trong là gian hàng trái cây, rồi quần áo và phía sau cùng là nơi bán đồ tươi sống...
Đi chợ Tết. Ảnh: BẢO ANH |
Còn gì vui hơn khi Tết sắp đến, Xuân sắp về, mẹ cho đi chợ Tết. Đêm trước khi đi chợ, lòng tôi cứ nao nao, mong cho trời sáng. Rồi sớm ra, mẹ và con tất bật lên đường. Để đến chợ sớm hơn, mẹ không chọn đi theo Quốc lộ mà vượt sông qua thôn Long Mỹ, vòng qua núi Chùa.
Chợ Tết người đông và đủ những sắc màu. Tôi ngây người ngắm nhìn những bông hoa đồng tiền, hoa lay ơn, vài gian hàng bán đồ chơi dành cho con trẻ. Hấp dẫn nhất là những con tò he bán ngay trước cổng chợ, mà người bán tay nặn, miệng nói: “Tò he đây! Tò he đây! Mua cho các cháu đi nào!”. Trong khi đó, mẹ quang gánh trên vai cứ nhắc chừng, sợ tôi lạc mất giữa chợ đông.
Mẹ mua bó hoa cúc vàng, đôi chiếu hoa để về thay cho đôi chiếu trên bộ phản đặt hai bên bàn thờ gia tiên, rồi mua củ quả. Xong xuôi, mẹ cười. Cũng quang gánh trên vai, mẹ nắm tay tôi đến gian hàng quần áo.
Những năm sau giải phóng khó khăn. Vải vóc ở các hợp tác xã mua bán cũng chỉ loại vải xô đủ màu và lượng bán cũng ít nên người quê đổ dồn về chợ Tết. Người ta thử đồ ngay giữa chợ và mặc cả hết sức ồn ào.
Thời nghèo khó mà nhà tôi đông chị em nên công việc thường ngày thì tính từ trên xuống, còn sắm sanh ngày Tết thì tính từ dưới lên. Và cũng do nghèo khó nên mẹ tôi càng “trung thành” với lời dạy của ông bà xưa: “Con nít may ra, bà già may vô”, cứ chọn lựa áo quần cho tôi rộng hơn một chút để sau Tết mặc đi học và có thể mặc trong vài năm cho đỡ tốn tiền.
Có những năm Tết đến, Xuân về mà nhà quá khó khăn, mẹ bảo chỉ có thể sắm cho út mà thôi. Nói thì nói vậy, nhưng rồi, lòng mẹ bao la. Ngày cận Tết, mẹ lại bán thêm con gà, con vịt để lấy tiền mua sắm cho năm chị em đều có áo quần mới để mặc về thăm ngoại, cũng là để vui chơi với bạn bè.
Cái thời khó khăn ấy giờ đã lùi xa. Mẹ đã thành người thiên cổ. Chợ Châu Ổ không còn những tấm tôn che tạm nữa mà đã được xây dựng mới thật khang trang. Con đường từ ngã ba bên trong cầu Châu Ổ đến cổng chợ có nhiều gian hàng điện máy, điện dân dụng và hàng hóa trong chợ chẳng thiếu món gì. Ở chợ, hàng hóa ngày Tết có đầy đủ phong vị của ba miền và Tây Nguyên đổ về. Ở quê tôi, mức sống cũng đã được cải thiện và chuyện ship hàng đã đến tận ngõ quê. Tháng Chạp, bà con cũng thu hoạch kiệu xong là cân bán cho thương lái, chứ đâu còn mấy ai gồng gánh ra chợ. Thế nhưng, không phải vì thế mà chợ Tết kém phần náo nhiệt. Bởi thành thói quen, Tết đến là phải đi chợ Tết, nhất là những đứa con đi làm ăn xa trở về quê đón Tết thì càng háo hức hơn. Bởi đi chợ là để mua sắm thêm cho ba mẹ, cho người thân và cũng là dịp để gặp gỡ người quen, bạn bè.
Riêng tôi thì năm nào về quê cũng đi chợ Tết. Quanh quẩn thì cũng chỉ mua mấy bó hoa về chưng lên bàn thờ gia tiên. Còn bánh trái, thịt cá, dưa hành thì đã có người thân lo cả rồi. Bởi đi chợ, không đơn thuần là để mua sắm mà là để nhớ một thời xa xưa và để nhấm nháp cái không khí của quê nhà khi Tết đã gõ cửa và Xuân đã về.
QUÝ CẦU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: